Ngân hàng OCB “ôm” số lượng trái phiếu “khủng”, lũy kế 6 tháng giảm và nợ xấu tăng

Đến hết tháng 6/2022, OCB đang giữ hơn 19.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, hơn 13.000 tỷ đồng trái phiếu do các tổ chức tín dụng khác trong nước phát hành và khoảng 4.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Tổng giá trị trái phiếu mà ngân hàng này nắm giữ khoảng hơn 36.000 tỷ đồng.

Vội vàng mua lại trái phiếu

 

Trong thời gian qua, hoạt động trái phiếu doanh nghiệp và ngân hàng nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới đầu tư. Đặc biệt, kể từ vụ việc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và mới đây nhất  là Vạn Thịnh Phát, đã khiến cho không ít nhà đầu tư trái phiếu lo sợ, hoang mang.

Bên cạnh đó, Bộ Tài Chính cũng đã có Nghị định 65 liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực ngày 16/9. Theo đó, doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật. Vì vậy, trong thời gian gần đây, rất nhiều doanh nghiệp, ngân hàng tiến hành mua lại một lượng trái phiếu lớn trước thời hạn.

Điển hình, trong đó có Ngân hàng TMCP Phương Đông (MCK: OCB) do ông Trịnh Văn Tuấn làm chủ tịch HĐQT. Qua tìm hiểu, đến hết tháng 6/2022, OCB đang giữ hơn 19.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, hơn 13.000 tỷ đồng trái phiếu do các tổ chức tín dụng khác trong nước phát hành và khoảng 4.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Tổng giá trị trái phiếu mà ngân hàng này nắm giữ khoảng hơn 36.000 tỷ đồng.

ong-trinh-van-tuan-chu-tich-ngan-hang-ocb-1666661319.jpg

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch OCB.

Tuy nhiên, sau khi có Nghị định 65, OCB cũng đã nhanh chóng thực hiện mua lại hàng loạt các lô trái phiếu.

Cụ thể, vào ngày 28/9, ngân hàng này đã mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn phát hành ngày 28/9/2021 mã OCBL2124008 có kỳ hạn 3 năm.

Trước đó 1 ngày, OCB cũng đã mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn thuộc lô trái phiếu riêng lẻ mã OCBL2124007 tăng vốn có kỳ hạn 3 năm, phát hành vào ngày 27/9/2021 và ngày đáo hạn 27/9/2024.

Vào ngày 1/6, OCB đã mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn có mã OCB.BOND02.2020 có kỳ hạn 3 năm, phát hành ngày 1/6/2020.

Đến ngày 2/6, OCB lại mua tiếp toàn bộ 1.500 tỷ đồng trái phiếu trước hạn có mã OCBL2124002, phát hành ngày 2/6/2021.

Vào hồi tháng 5/2022, ngân hàng này cũng đã mua lại trước hạn toàn bộ 200 tỷ đồng lô trái phiếu mã OCB.BOND01.2020 kỳ hạn 3 năm, phát hành ngày 12/5/2020.

Như vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, OCB đã mua lại tổng cộng 4.700 tỷ đồng trái phiếu trước hạn thuộc 5 lô trái phiếu phát hành năm 2020 và 2021.

Ở chiều ngược lại, chỉ riêng trong tháng 9/2022, OCB đã huy động thành công 1.800 tỷ đồng trái phiếu qua 3 đợt phát hành. Con số này trong tháng 8 thậm chí còn lên đến 3.800 tỷ đồng với 5 lô trái phiếu được phát hành.

Trước đó, trong 7 tháng đầu năm, nhà băng này đã huy động thành công 6.700 tỷ đồng qua 9 đợt phát hành trái phiếu. Như vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, nhà băng này đã huy động tổng cộng 12.300 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu. 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2022, tính đến 30/6/2022, ngân hàng OCB đã có hơn 20.745 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành trên thị trường, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó chủ yếu là trái phiếu kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 5 năm hơn 19.000 tỷ đồng và trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở lên hơn 1.645 tỷ đồng.

 

Lợi nhuận sụt giảm mạnh

 

Theo báo cáo tài chính quý II, nguồn thu quan trọng là thu nhập lãi thuần của OCB vẫn tăng trưởng gần 20%, đạt hơn 1.7000 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng đạt hơn 200 tỷ đồng.

Thế nhưng, hoạt động mua bán chứng khoán, chủ yếu là trái phiếu đã khiến OCB phải ôm “trái đắng” và lợi nhuận đi xuống. Trong quý 2, ngân hàng của ông Trịnh Văn Tuấn lỗ tổng cộng hơn 320 tỷ đồng do nghiệp vụ mua bán trái phiếu. 

Nhìn về quá khứ, hoạt động mua bán trái phiếu đã từng giúp OCB thu về trên 20% tổng thu nhập của nhà “bank” này. Cụ thể, vào quý IV/2020, OCB từng lãi được gần 1.000 tỷ đồng từ các vụ mua bán trái phiếu.

Nguyên nhân cho sự đi xuống trong hoạt động kinh doanh chứng khoán của OCB là do ảnh hưởng của thị trường, diễn biến bất lợi từ tác động chính sách thế giới, tình hình vĩ mô thay đổi.

khach-hang-giao-dich-tai-ocb-1666661348.jpg

Khách hàng giao dịch tại OCB.

Nguồn thu từ kinh doanh trái phiếu giảm mạnh khiến tổng thu nhập hoạt động của OCB trong quý 2 đạt hơn 1.800 tỷ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ 2021. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng thêm gần 30% so với cùng kỳ khiến lợi nhuận thuần trước khi trích lập dự phòng của OCB giảm đến 35% chỉ còn hơn 1.000 tỷ đồng.

Trong quý 2, OCB cũng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 100 tỷ đồng. Sau cùng, OCB báo lãi trước thuế quý 2 đạt 903 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, ngân hàng đạt lợi nhuận hơn 1.700 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch lợi nhuận hơn 7.000 tỷ đồng năm nay, OCB mới hoàn thành gần 25% chỉ tiêu sau 1/2 thời gian. 

Kết thúc quý 2, tăng trưởng tín dụng của OCB mới đạt 7%. Huy động tiền gửi của OCB thậm chí còn giảm 2% so với hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của OCB hiện tại ở mức 1,96%, tăng cao so với mức 1,32% hồi đầu năm. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu (LLR) của ngân hàng cũng ở mức thấp, chỉ hơn 60%. 

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ngan-hang-ocb-om-so-luong-trai-phieu-khung-luy-ke-6-thang-giam-va-no-xau-tang-a184670.html