Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Không loại trừ giao dịch điện tử với thủ tục cấp sổ đỏ, khai sinh

Dự thảo luật Giao dịch điện tử sửa đổi đã mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội

Ngày 25-10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc sửa đổi sẽ khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Cụ thể, việc hạn chế một số lĩnh vực áp dụng giao dịch điện tử trong Luật có thể gây cản trở ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong những lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, luật hiện hành đang thiếu quy định về việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang bản điện tử và ngược lại, trong khi đây là một nhu cầu rất lớn trong xã hội cần có hành lang pháp lý cụ thể. Thiếu các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử, thúc đẩy giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước; thiếu quy định về việc tạo lập, thu thập, kết nối, chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 cũng cần phải sửa đổi để đồng bộ với các quy định về an toàn, an ninh mạng do các luật ban hành sau.

Đáng chú ý, tại thời điểm Luật Giao dịch điện tử năm 2005 được ban hành, do nhiều yếu tố khác nhau, trong đó chủ yếu là do công nghệ chưa sẵn sàng, chưa phổ biến, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn, tin cậy, nên phạm vi của luật đã loại trừ, không áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác.

Theo đánh giá của cơ quan soạn thảo, việc loại trừ này làm hạn chế việc triển khai ứng dụng giao dịch điện tử, thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực thuộc phạm vi kể trên. Do đó, dự thảo luật Giao dịch điện tử sửa đổi đã mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết đa số ý kiến Ủy ban KH-CN-MT tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật trong bối cảnh công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nên hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh vì sẽ tạo thêm áp lực đối với nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin. Hiện nay, vẫn có nhiều nước chưa áp dụng việc thực hiện giao dịch điện tử trong một số lĩnh vực (đặc biệt như đất đai, thừa kế).

Cơ quan thẩm tra cho rằng việc cấp một số giấy tờ như đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn… thông qua mạng có thể không thể hiện được ý chí của các bên liên quan khi tham gia giao dịch. Một số giấy tờ sử dụng trong giao dịch điện tử mang thông tin liên quan "đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình" có nguy cơ lộ, lọt, bị chiếm đoạt, vi phạm Hiến pháp.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-khong-loai-tru-giao-dich-dien-tu-voi-thu-tuc-cap-so-do-khai-sinh-a184715.html