Như dự báo, bức tranh kinh doanh quý III của các doanh nghiệp thép dần hé lộ với những gam màu ảm đạm. Nhu cầu tiêu thụ thép giảm mạnh cùng gánh nặng chi phí đã khiến hàng loạt doanh nghiệp ngành thép tăng trưởng âm, thậm chí thua lỗ.
Không nằm ngoài bức tranh chung, quý III, lợi nhuận của TLH sụt giảm 94% so với cùng kỳ năm trước, dù doanh thu tăng trưởng.
Cụ thể, doanh thu thuần quý III của TLH đạt 1.161 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn tăng mạnh 47% lên 1.102 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp của công ty sụt giảm 64,5%, còn 57 tỷ đồng. Biên lợi nhuận giảm từ 17,7% xuống chỉ còn 4,9%.
Thêm vào đó, doanh thu tài chính cũng giảm một nửa còn 4,5 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính lại tăng vọt 72% lên 31 tỷ đồng (riêng chi phí lãi vay là 25 tỷ đồng).
Khấu trừ thêm các loại chi phí khác, lợi nhuận trước thuế quý III của TLH giảm sâu 93% so với cùng kỳ năm trước, còn vỏn vẹn 8,6 tỷ đồng. Khấu trừ thuế, công ty chỉ có lợi nhuận 6,8 tỷ đồng, giảm 94%. Đây là mức lợi nhuận quý thấp nhất trong 8 quý liên tiếp kể từ quý II/2020 của công ty.
Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của TLH đạt 3.662 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 122 tỷ đồng, giảm 70%; trong đó lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 120 tỷ đồng.
Năm 2022, TLH đặt kế hoạch tổng doanh thu 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồm; lần lượt tăng 18% và giảm 34% so với thực hiện trong năm 2021. Với kết quả nêu trên, công ty mới hoàn thành 40,6% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay.
Tính tới ngày 30/9/2022, nợ vay ngắn hạn của TLH tăng 31% so với đầu năm, đạt 1.942 tỷ đồng (công ty không có nợ vay dài hạn), chiếm 41% tổng nguồn vốn.
Trong đó, TLH vay Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) 541 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) 296 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) 171 tỷ đồng…
Về tài sản, tổng tài sản của TLH tăng 12% so với đầu năm, đạt 4.685 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý trong cơ cấu tài sản là tổng danh mục đầu tư chứng khoán tăng thêm 30,7 tỷ đồng so với đầu năm, lên 138,2 tỷ đồng. Trong đó, công ty đang trích lập dự phòng 60,8 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 44% tổng danh mục đầu tư chứng khoán.
Theo thuyết minh của TLH, danh mục đầu tư cổ phiếu không thay đổi so với đầu năm về các khoản đầu tư lớn, vẫn là nắm giữ cổ phiếu SHB, VIX, IJC và các cổ phiếu khác. Trong đó, công ty đầu tư 23,5 tỷ đồng cổ phiếu SHB, trích lập dự phòng 11 tỷ đồng; đầu tư 21,2 tỷ đồng cổ phiếu VIX, trích lập 11,98 tỷ đồng và tăng đầu tư thêm 14,1 tỷ đồng so với đầu năm; đầu tư 18,2 tỷ đồng vào cổ phiếu IJC, trích lập dự phòng 8,5 tỷ đồng, tức tăng đầu tư thêm 3,6 tỷ đồng so với đầu năm; đầu tư 75,3 tỷ đồng các cổ phiếu khác, trích lập dự phòng 29,3 tỷ đồng và tăng đầu tư thêm 12,8 tỷ đồng vào các cổ phiếu khác trong 9 tháng qua.
Một điểm đáng chú ý khác là dòng tiền kinh doanh trong kỳ của TLH âm 552 tỷ đồng (cùng kỳ âm 196 tỷ đồng). Trong kỳ, dòng tiền vay/trả của công ty tăng cao, lần lượt là 4.245 tỷ đồng/3.793 tỷ đồng, tăng 41% và 34%. Nhờ tăng cường vay mượn nên lưu chuyển thuần trong kỳ của công ty đạt 46 tỷ đồng, khiến lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ tăng thêm 46 tỷ đồng, đạt 108 tỷ đồng.
Tính tới thời điểm hiện tại, một loạt doanh nghiệp thép lâm vào cảnh thua lỗ. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (UPCoM: TIS) chịu lỗ sau thuế 25 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thép Thủ Đức - VNSTEEL (UPCoM: TDS) báo lỗ 16 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 58 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thép Vicasa - VNSTEEL (HoSE: VCA) cũng chịu lỗ sau thuế 12,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 42 tỷ đồng.
Trong bối cảnh kinh doanh ảm đạm của ngành thép, cũng có một vài cái tên lội ngược dòng báo lãi tăng mạnh. Ví dụ Công ty Cổ phần Cán Thép Thái Trung (UPCoM: TTS), công ty con của TIS hồ hởi báo lãi tăng mạnh gấp 4 lần so với con số 1,8 tỷ đồng của năm 2021. Tương tự, Công ty Cổ phần Kim khí Miền Trung (HNX: KMT) cũng thu về gần 1 tỷ đồng lãi sau thuế trong quý III.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/thep-tien-len-tlh-quy-iii-doanh-thu-hon-nghin-ty-lai-chi-6-ty-thap-nhat-trong-8-quy-a185112.html