“Tân binh” Gateway Hà Nội: Vốn 345 tỷ, mua tòa nhà Bamboo Airways Cầu Giấy giá 2.000 tỷ

Sau khi “chuộc lại” tòa nhà Bamboo Airways số 265 Cầu Giấy từ Ngân hàng OCB, FLC đã bán lại tòa nhà cho Gateway Hà Nội với giá 2.000 tỷ. Đáng chú ý, Gateway Hà Nội mới được thành lập trong năm 2022 và có vốn điều lệ chỉ 345 tỷ đồng.

toa-nha-bamboo-airways-1666840593.jpg
Tòa nhà Bamboo Airways được chuyển nhượng mức giá 2.000 tỷ đồng. Bên mua được công bố là “Tân binh” Gateway Hà Nội

“Tân binh” Gateway Hà Nội vốn chỉ 345 tỷ đồng thực hiện giao dịch 2.000 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLC Homes vừa công bố thông tin về việc ngày 20/10/2022, FLC Homes và Tập đoàn FLC đã ký kết hợp đồng với Công ty cổ phần Gateway Hà Nội (Gateway Hà Nội) về việc mua bán công trình xây dựng gắn liền với quyền sử dụng đất tại tòa nhà Bamboo Airways số 265 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Giá bán công trình xây dựng là 2.000 tỷ đồng, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng và không bao gồm giá trị của phần diện tích đã bán.

Trước đó, để trang trải các khoản nợ của FLC, tập đoàn đã chuyển giao sở hữu tòa nhà 265 Cầu Giấy cho Ngân hàng OCB từ năm 2020.

Công ty Gateway Hà Nội thành lập ngày 2/8/2022. Như vậy, công ty mới chỉ có hơn 2 tháng tuổi. Ngành nghề chính là “Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”. Người đại diện pháp luật kiêm giám đốc công ty là ông Nguyễn Sĩ Toàn. Công ty có có trụ sở tại tầng 1, tòa nhà Packsimex, 52 Đông Du, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Gateway Hà Nội có vốn điều lệ 345 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 2.000 tỷ đồng giá trị chuyển nhượng toà Bamboo Airways Cầu Giấy. Cơ cấu cổ đông bao gồm: Công ty cổ phần đầu tư Bình An House (sở hữu 99% vốn điều lệ, tương đương 341,55 tỷ đồng), ông Nguyễn Đức Toàn (sở hữu 0,5% vốn điều lệ, tương đương 1,725 tỷ đồng) và bà Nguyễn Thị Thanh Hà (sở hữu 0,5% vốn điều lệ, tương đương 1,725 tỷ đồng).

Với vốn điều lệ 345 tỷ đồng và mới thành lập, “tân binh” Gateway Hà Nội không đủ sức mua lại tòa nhà Bamboo Airways số 265 Cầu Giấy từ FLC sau khi FLC “chuộc” từ Ngân hàng OCB. Tuy nhiên, Gateway Hà Nội đã vay tiền từ chính… OCB.

Cụ thể, ngày 14/9/2022, Gateway Hà Nội ký hợp đồng tín dụng trị giá 1.659 tỷ đồng tại Ngân hàng OCB – Chi nhánh Gia Định.

Những thông tin về chủ mới

Gateway Hà Nội chỉ là “tân binh”, chưa có hoạt động nào đáng kể trên thị trường bất động sản. Thương vụ thâu tóm tòa nhà Bamboo Airways số 265 Cầu Giấy có lẽ là sự kiện nhiều dấu ấn của Gateway Hà Nội.

Trên thực tế, Gateway Hà Nội là “hiện thân” của Công ty cổ phần đầu tư Bình An House vì Bình An House sở hữu tới 99% vốn điều lệ Gateway Hà Nội.

Công ty Bình An House thành lập ngày 9/10/2014 tại thửa đất số 38, tờ bản đồ DC 8.4, Khu sản xuất Bình Chuẩn, phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương với người đại diện pháp luật là ông Đào Duy Hải. Đáng chú ý, ở thời điểm thành lập, Bình An House có tên là Công ty cổ phần Cà phê Phương Đông.

Tới ngày 26/12/2019, công ty đổi tên thành Bình An House, vốn điều lệ tăng từ 16 tỷ đồng lên 25 tỷ đồng. Ngày 4/2/2020, vốn điều lệ công ty tăng mạnh lên 220 tỷ đồng, sau đó vọt lên 300 tỷ đồng từ ngày 2/6/2020.

Vốn điều lệ liên tục tăng mạnh nhưng bức tranh tài chính của Bình An House khá èo uột. Trong nhiều năm, công ty chỉ ghi nhận doanh thu vài trăm triệu đồng. Phải tới 2020 khi vốn điều lệ vọt lên 300 tỷ đồng, Bình An House mới đạt 2,8 tỷ đồng doanh thu. Năm 2020, công ty ghi nhận lợi nhuận 16 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất tại Bình An House chính là nợ tăng rất mạnh và vượt trội so với vốn chủ sở hữu. Tại ngày 31/12/2020, nợ phải trả của công ty lên đến 2.027 tỷ đồng, cao gấp 6,4 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 62,5% tổng nguồn vốn.

So với năm 2019, nợ phải trả của Bình An House gần như “leo thang”, tăng mạnh so với con số chỉ hơn 6 triệu đồng.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tan-binh-gateway-ha-noi-von-345-ty-mua-toa-nha-bamboo-airways-cau-giay-gia-2000-ty-a185326.html