Lợi nhuận thu hẹp, hàng tồn kho của Đèo Cả tăng cao gấp 4 lần đầu năm

Quý 3.2022, chi phí lãi vay tăng vọt đã thu hẹp lợi nhuận sau thuế của Đèo Cả giảm xuống còn 80,7 tỉ đồng. Trong khi đó, chi phí trả lương cho ban lãnh đạo vẫn rất hào phóng, cao gấp đôi cả năm 2021.

Lãi vay "nhảy cóc" kéo lùi lợi nhuận

CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán HHV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3.2022. Cụ thể trong quý 3, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 563 tỉ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp cải thiện 22% lên 257 tỉ đồng. Tuy nhiên, chi phí lãi vay tăng 86% lên 165 tỉ đồng đã thu hẹp lợi nhuận sau thuế giảm gần 1 tỉ đồng so với cùng kỳ, xuống còn 80,7 tỉ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt 1.478 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 239 tỉ đồng, tăng lần lượt 19% và 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả trên, HHV đạt lần lượt 59% và 60,3% mục tiêu về doanh thu và lợi nhuận đề ra trong năm 2022. 

Giải trình về chênh lệch lợi nhuận, Đèo Cả cho biết do đặc thù thi công cầu, đường bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thời tiết, nhất là giai đoạn bước vào mùa mưa khiến công tác thi công, xây lắp bị gián đoạn. Ngoài ra, một số khối lượng công việc chưa được nghiệm thu thanh toán điều chỉnh giá. Phần bù giá sẽ được tính toán vào kỳ tới khi được nghiệm thu thanh toán theo quy định.

bao-cao-ket-qua-hoat-dong-kinh-doanh-cua-deo-ca-1666855558.jpgBáo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Đèo Cả.

Về cơ cấu doanh thu, nguồn lợi từ các trạm thu phí BOT chiếm 68% với 382 tỉ đồng. Xếp sau là doanh thu từ xây lắp và các hoạt động khác. Riêng doanh thu từ tu dưỡng hầm, đường vọt lên 15 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ là 0,3 tỉ đồng.  

Điểm nhấn là chi phí nguyên vật liệu “phi mã” lên 116 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Nguyên nhân đến từ khan hiếm nguồn cung nguyên liệu, giá xăng và nguyên liệu đầu vào tăng trong bối cảnh sức ép từ lạm phát. HHV quý này không ghi nhận doanh thu tài chính do hụt thu cổ tức, lợi nhuận được chia.

Trên bảng cân đối kế toán, tài sản cố định là 28.563 tỉ đồng, chiếm 81% tổng tài sản. Tiền và các khoản tương đương tiền đạt 425 tỉ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ 2021. Hàng tồn kho nhảy vọt lên 153 tỉ đồng, gấp 4 lần đầu năm. 

Chủ nợ lớn nhất của Đèo Cả là Ngân hàng Vietinbank với tổng nợ ngắn hạn và dài hạn đạt 19.496 tỉ đồng, chiếm 93% tổng nợ vay của doanh nghiệp. Tài sản đảm bảo với khoản nợ dài hạn là quyền thu phí của dự án BOT với thời hạn vay từ 15 - 20 năm. 

Đèo Cả cũng vay 938 tỉ đồng tại Ngân hàng VietABank – Chi nhánh Hà Nội với kỳ hạn hơn 19 năm. Mục đích để thực hiện dự án xây dựng công trình hầm đường bộ Phước Tượng – Phú Gia, quốc lộ 1A, tỉnh Thừa Thiên Huế theo hình thức hợp đồng BOT. Tài sản đảm bảo là quyền thu phí của dự án BOT và phần vốn góp của Công ty TNHH Hà Thành và CTCP ĐTMT Hà Thành vào CTCP Phước Tượng Phú Gia BOT.

Chủ tịch nhận lương cao gấp 4 lần cùng kỳ

Trong bối cảnh lợi nhuận gần như đi ngang so với cùng kỳ, Đèo Cả lại rất hào phóng trong trả lương cho ban lãnh đạo. 9 tháng đầu năm 2022, thù lao cho HĐQT, Ban Kiểm soát và thành viên quản lý chủ chốt tăng vọt gấp đôi so với cả năm 2021. Bước nhảy này lớn hơn rất nhiều năm 2021 so với 2020.

Cụ thể, Chủ tịch Hồ Minh Hoàng nhận lương 9 tháng đầu năm nay, gấp 4,5 lần cùng kỳ và gấp đôi cả năm ngoái. Thậm chí, bà Phan Thị Mai – Thành viên Ban kiểm soát nhận lương gấp hơn 6 lần cùng kỳ.

Tương tự với thu nhập của các thành viên quản lý chủ chốt khác. Riêng Tổng giám đốc Nguyễn Quang Huy nhận lương trong 9 tháng đầu năm nay là 630 triệu đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ và gấp đôi cả năm 2021.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/loi-nhuan-thu-hep-hang-ton-kho-cua-deo-ca-tang-cao-gap-4-lan-dau-nam-a185376.html