Bình Định: Trụ điện bằng tre, cây gỗ… nhìn thôi đã "dựng tóc gáy"

Người dân ở thôn Hội Sơn, vùng sâu của xã Cát Sơn (huyện Phù Cát, Bình Định) vẫn nơm nớp lo sợ vì đường dây điện ở đây chằng chịt, trụ điện chỉ làm tạm bợ bằng tre, cây gỗ. Thậm chí, nhiều trường hợp đã bị điện giật do các trụ tre đổ ngã hay bị rò rỉ điện, cảnh tượng chỉ nhìn thôi đã “dựng tóc gáy”.

Hệ thống điện… như "ma trận"

Theo phản ánh của người dân ở thôn Hội Sơn, xã Cát Sơn, huyện Phù Cát, hơn 20 năm qua, họ phải sống trong lo âu, thấp thỏm vì đường dây điện kéo từ công tơ điện đến từng nhà dân cách xa, khoảng từ 500-700m, nhưng chỉ dùng những trụ tre, gỗ để chống tạm bợ.

Nhìn "trụ điện" được làm bằng cây rừng đã mục nát, xiêu vẹo hoặc được dựng bằng cây tre ốm o, quặt quẹo, khiến những dây điện giăng mắc trên không như muốn chùng, sà xuống mặt đường, ai nấy đều không khỏi lo sợ.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt (66 tuổi, ở thôn Hội Sơn), người dân xóm Sơn Minh có điện đã hơn 20 năm nay. Thế nhưng, điện lưới chỉ về đến trạm điện đặt tại trụ sở thôn Hội Sơn, người dân phải tự bỏ tiền mua dây kéo điện về khu dân cư dài đến cả 1km. Trước đây, khi gia đình bà còn sử dụng dây nhôm, thường xuyên bị chạm qua chạm lại nên mất điện liên tục. 

Bình Định: Trụ điện bằng tre, cây gỗ… nhìn thôi đã "dựng tóc gáy" - Ảnh 1.

Trụ điện bằng cây ở thôn Hội Sơn, xã Cát Sơn, huyện Phù Cát. Ảnh: TB.

"Cách đây 6 năm, con trai tôi mua 3.800m dây xoắn kéo điện về thì chỉ khi sấm sét làm chập aptomat mới bị cúp điện, chứ không bị cúp thường xuyên như trước đây. Thế nhưng để kéo điện về bằng dây xoắn không phải ai cũng làm được, bởi người dân ở đây rất khó khăn", bà Nguyệt nói.

Còn anh Bạch Thanh Võ (50 tuổi) phàn nàn, măm 2016 khi lũ lớn ùa về, người dân trong xóm chứng kiến người bị trôi trong lũ dữ nhưng không ai dám ra vớt. Bởi, những trụ điện bằng tre ngã rạp khiến dây điện nằm dưới nước, nếu bơi ra cứu người mà dây bị chập điện thì không có đường thoát thân. 

"Chúng tôi ở đây đã nhiều lần kiến nghị lên xã, huyện nhưng vẫn không thấy thay đổi gì, suốt mấy chục năm nay bà con sống trong nỗi lo lắng thường trực, bởi dây điện đứt sà xuống đường, xuống ruộng liên tục", anh Võ cho hay.

Anh Đặng Quốc Tuyên (37 tuổi) đưa chúng tôi đi dọc con đường liên xóm để tận mắt chứng kiến cảnh những cây trụ điện được làm bằng những cây tre nằm ngã la liệt trên đồng ruộng, dây điện chằng chịt như những "bó nùi" nằm rạp cả trên mặt ruộng. 

"Mùa mưa bão là xóm Sơn Lâm Nam nước ngập lút, tràn qua đường liên xóm từ 5-6cm, toàn bộ dây điện chạy qua vùng này đều nằm rạp dưới nước. Làm sao biết trong những bó dây điện có dây nào bị bong tróc hay không, nên tiềm ẩn hiểm nguy vô cùng", anh Tuyên nhận định.

Bình Định: Trụ điện bằng tre, cây gỗ… nhìn thôi đã "dựng tóc gáy" - Ảnh 2.

Người dân thôn Hội Sơn, xã Cát Sơn, huyện Phù Cát bức xúc vì hệ thống trụ điện nguy hiểm. Ảnh: TB.

Bao giờ thoát khỏi cảnh trụ điện bằng tre?

Người dân xóm Sơn Lâm Nam thuộc thôn Hội Sơn, xã Cát Sơn (huyện Phù Cát, Bình Định) bức xúc phản ánh, nhiều năm nay, khu dân cư nơi họ sinh sống phải sử dụng nguồn điện chập chờn và thiếu an toàn. Nguyên nhân là khu vực này chưa được ngành chức năng đầu tư xây dựng hệ thống trụ và đường dây điện đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.

Để có điện sử dụng, người dân ở xóm Sơn Lâm Nam phải dùng thân cây tre hoặc cây gỗ khô làm trụ, rồi kéo đường dây điện có tiết diện nhỏ từ trạm hạ thế đặt trên tỉnh lộ 634 thuộc xóm Sơn Lâm Bắc (thôn Hội Sơn) vào khu dân cư. 

Khoảng cách từ trạm hạ thế vào khu dân cư xóm Sơn Lâm Nam dài 500-700m; trong khi trụ điện bằng thân cây tre hoặc cây gỗ khô thường xuyên hư hỏng, ngã đổ nên không đảm bảo an toàn. 

Ngoài ra, do đường dây điện có tiết diện nhỏ nên nguồn điện sinh hoạt, điện thắp sáng thường xuyên chập chờn, khiến nhiều thiết bị điện dễ bị hư hỏng. Người dân rất bức xúc, nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương và ngành chức năng liên quan giải quyết; nhưng hàng chục năm qua chưa có kết quả.

Liên quan đến vấn đề "điện đóm" của người dân xóm Sơn Lâm Nam nói riêng và của thôn Hội Sơn nói chung, ông Phan Đông Luật, Chủ tịch UBND xã Cát Sơn, khẳng định phản ánh của người dân là chính đáng. 

UBND xã cũng đã nhiều lần kiến nghị bằng văn bản tình trạng này đến UBND huyện Phù Cát và ngành chức năng có liên quan để sớm được xem xét, giải quyết.

Bình Định: Trụ điện bằng tre, cây gỗ… nhìn thôi đã "dựng tóc gáy" - Ảnh 3.

Hệ thống trụ điện tạm bợ, bằng tre... khiến người dân lo lắng, đặc biệt mùa mưa lũ. Ảnh: TB.

Trước kiến nghị của UBND xã Cát Sơn, Điện lực Phù Cát đã có câu trả lời rằng, theo Luật Điện lực năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; tại điểm i khoản 2 Điều 46 quy định khách hàng có nghĩa vụ chịu trách nhiệm đầu tư đường dây dẫn điện từ sau công tơ mua điện đến nơi sử dụng điện. 

Riêng tuyến Sơn Lâm Nam có khoảng 30 hộ dân, công tơ đặt tại cột C112 Trạm biến áp Hội Sơn, đường dây sau công tơ do người dân tự dựng bằng các trụ bê tông tự đúc, trụ tre để kéo vào xóm do vận hành lâu năm không đảm bảo an toàn.

Các khu dân cư ở thôn Hội Sơn thưa thớt, nhà ở rải rác. Về lâu dài, ngành điện sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương kiểm tra, khảo sát cụ thể, để tính toán phương án bố trí nguồn vốn đầu tư, xây dựng đường dây và trạm biến áp, nhằm cấp điện an toàn cho nhân dân trong vùng, đảm bảo chất lượng điện năng ngày càng tốt hơn.

"Vấn đề bà con đang sử dụng điện không an toàn khiến chính quyền xã rất bức xúc, qua rất nhiều lần kiến nghị ngành điện mới có câu trả lời nhưng chính quyền xã chưa đồng tình, nhất là nơi đặt công tơ quá xa với các khu dân cư, UBND xã Cát Sơn sẽ tiếp tục kiến nghị để giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân", ông Nguyễn Ngọc Bình - công chức Địa chính xã Cát Sơn cho biết.

Lãnh đạo Công ty Điện lực Bình Định cho biết, ngành điện chỉ đầu tư đường dây dẫn điện đến công tơ điện, còn từ công tơ điện về nhà thì người dân phải đầu tư. Nhưng do khu vực này có vị trí đầu tư đường dây nằm cách xa nhà họ nhiều quá, chúng tôi sẽ đăng ký bổ sung 30 hộ dân tại thôn Hội Sơn, xã Cát Sơn vào kế hoạch năm 2023.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/binh-dinh-tru-dien-bang-tre-cay-go-nhin-thoi-da-dung-toc-gay-a185873.html