Tháng 1/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện, viện tuyến Trung ương và tuyến cuối đặt tại TP.HCM", trong đó có 2 dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức.
Hà Nội 10 năm loay hoay quy hoạch hệ thống y tế
Từ sau năm 2000, đường phố Hà Nội đông đúc dần với số lượng xe máy, ô tô tăng nhanh hàng ngày. Một trong những lý do tắc nghẽn là người dân khắp nơi đổ về Hà Nội khám chữa bệnh. Các ngả đường tới bệnh viện luôn kẹt xe. Ngay trong bệnh viện thì thiếu giường bệnh.
Năm 2011, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính và lập Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050 (gọi tắt là QHC 1259) có đề cập quy hoạch hệ thống y tế.
Thực tế, trong 10 năm qua (2011- 2021), kết quả thực hiện quy hoạch là… một bản quy hoạch xác định rõ hơn các chỉ tiêu trung tâm y tế tầm cỡ quốc tế có quy mô nhỏ hơn và vẫn không xác định cụ thể trên bản đồ. Còn 18 trung tâm y tế khu vực thì chung chung, mơ hồ.
Báo cáo rà soát đánh giá thực hiện QHC 1259 do Sở Quy hoạch kiến trúc lập tháng 10/2021 nhắc lại những bất cập đã được nhận diện từ 10 năm trước mà không có hoạt động khắc phục nào được triển khai. Các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến trung ương ngày càng phình to dẫn đến gây áp lực, quá tải về hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội. Các bệnh viện, cơ sở y tế của Hà Nội đầu tư không nhiều và tiến độ chậm. Các bệnh viện, cơ sở y tế chưa gắn với các cơ sở đào tạo, sản xuất, kinh doanh thiết bị y tế, thuốc, trung tâm nghiên cứu.
10 năm qua, tất cả các bệnh viện trong nội thành không giảm tải mà đồng loạt nâng tầng/mở rộng, tăng diện tích sàn lên vài lần đến hàng chục lần. Các Trung tâm y tế tầm cỡ quốc tế vẫn xa vời.
Quy hoạch hệ thống y tế công bố năm 2011 và bản đồ các dự án Hà Nội
Bệnh viện - đô thị: Gần và xa, lớn và nhỏ
Tháng 12/2014, Bộ Y tế phê duyệt dự án đầu tư mới cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai.
Ngày 21/10/2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này chính thức được khánh thành. Tuy nhiên, sau đó chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào sử dụng một thời gian từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020 rồi thông báo tạm thời dừng hoạt động. Khu này từng được trưng dụng làm khu cách ly tập trung phòng Covid-19.
Ban đầu, phòng khám này thu hút 500 - 600 bệnh nhân đến khám/ngày. Sau đó số bệnh nhân giảm dần do tại đây chỉ thăm khám, không điều trị nội trú. Bệnh nhân nặng, cấp cứu phải chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam. Các ca bệnh khó không đủ máy móc, trang thiết bị chẩn đoán phải chuyển về cơ sở 1.
So sánh Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội (với các khu dân cư lân cận) và 2 bệnh viện mới tại Hà Nam
Với khám ngoại trú, bệnh nhân không đi đúng tuyến không được thanh toán bảo hiểm. Hiện nay, toàn bộ số máy móc, trang thiết bị trước đó đưa xuống cơ sở 2 đã được đưa về cơ sở 1. Còn có nhiều bất cập nữa để 2 bệnh viện với 2.000 giường, có tổng mức đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng không hoạt động!
Bệnh viện Bạch Mai nằm trên đường Giải Phóng giờ đây là một tổ hợp gồm nhiều bệnh viện độc lập và liên thuộc: Từ Trung tâm cấp cứu lớn nhất miền Bắc tới các bệnh viện chuyên khoa Tim Mạch, Da liễu, Lão khoa, Nhiệt đới, BV Việt - Pháp, trường cao đẳng Y tế.
Cách đó 1km là Đại học Y và Bệnh viện Đại học Y. Trong phạm vi dưới 1km là các khu dân cư dày đặc mạng lưới các phòng khám, nhà thuốc, dụng cụ y tế, nhà trọ, dịch vụ ăn uống và lưu trú cho người nhà bệnh nhân, lao động phục vụ người bệnh… tạo nên mối quan hệ tương hỗ giữa các hoạt động của một trung tâm khám chữa bệnh mật độ cao, khác hẳn với 2 bệnh viện mới xây trơ trọi giữa đồng không mông quạnh.
BV Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam đang trong tình trạng đóng cửa, không hoạt động gây lãng phí nguồn lực. Ảnh: Hoàng Hà
Xa bệnh viện trung tâm hơn 50km đã đành, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam còn xa các khu dân cư bên ngoài hàng rào.
Nhiều trung tâm y tế trên thế giới đã phát triển thành công nhờ tích hợp các hoạt động khám chữa bệnh với đào tạo đội ngũ y bác sĩ và các nhân viên y tế. Bên cạnh các bệnh viện là các cơ sở nghiên cứu y sinh học tân tiến, sản xuất thuốc men, dụng cụ y tế tinh xảo, hiện đại.
Bên cạnh đó là cả hệ sinh thái tăng cường bổ trợ sức khỏe: Có nơi chăm sóc người già và gia đình người bệnh với khung cảnh phù hợp.
Thời đại công nghệ số đã rút ngắn những khoảng cách vật lý, hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa cũng như kết nối thông tin liên quan tới sức khỏe của từng cá nhân tới cả xã hội. Hy vọng trong thời gian tới, các nhà quy hoạch và quản trị hệ thống y tế nước nhà kịp nhận ra những thiếu sót để theo kịp tiến trình phát triển.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/di-doi-benh-vien-noi-do-ha-noi-10-nam-khong-giam-ma-lai-nang-tang-a185907.html