Bị “cấm vận” vì quy hoạch “treo”
Bãi ngang Thạch Hà là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế. Dân số mười xã gần 4,5 vạn người. Bờ biển dài gần 30km, nhiều bãi tắm đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như cửa biển Nam Giới, Quỳnh Viên - Long Ngâm. Riêng 5 xã trong vùng Mỏ sắt Thạch Khê có 40 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, là Di chỉ khảo cổ Sò Điệp có niên đại 4.800 - 4.400 năm và Đền thờ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi. Trong một lần vua Lê Thánh Tông tuần du phương Nam, ghé qua Nam Giới, đã viết: “Sáng qua tỉnh mộng giang hồ/Cưỡi bè những muốn xô lên cửa trời”.
Danh thắng Quỳnh Viên - Long Ngâm, nơi rồng vươn ra biển
Trong lòng đất, ngoài mỏ sắt Thạch Khê, ở vùng đất này còn có đá grarits, cát thủy tinh trung tính, titan... Ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân còn làm nghề đánh bắt, chế biến thủy sản, sản xuất muối. Tiềm năng ấy nếu được đánh thức, được đầu tư khai thác một cách khoa học, bài bản thì miền quê này sẽ trở thành khu công nghiệp khai khoáng và du lịch sinh thái, đời sống người dân chắc chắn không thể “thua em, kém chị” như hôm nay.
Dự án Mỏ sắt Thạch Khê dang dở, tạm dừng nên các địa phương không thể lập quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, không thu hút được đầu tư. Hơn 10 năm nay, địa bàn vùng mỏ không có dự án đầu tư nào để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất. Không chỉ nhà dân mà trụ sở làm việc, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, đường giao thông… ở vùng mỏ chỉ sửa chữa, vá víu, không được đầu tư làm mới.
Ông Ngô Văn Ngọc, Bí thư Đảng ủy xã Đỉnh Bàn cho biết: Trụ sở và hội trường xã Đỉnh Bàn xây dựng gần 30 năm đã hư hỏng, kêu mãi huyện đầu tư 15 tỷ để xây dựng nhưng ngành tài chính không phê duyệt vì chưa có chủ trương làm mới. Trụ sở xã Thạch Hải phải sử dụng dãy nhà cấp 4 của trạm thủy sản huyện xây dựng cách đây gần 40 năm. Lãnh đạo và cán bộ xã Thạch Khê làm việc trong các phòng ốc xuống cấp, dột nát vẫn không được sửa chữa. “Khổ lắm anh à! Nhiều đêm khó ngủ, nghĩ cũng buồn. Mình cũng Bí thư, Chủ tịch được dân bầu, xã cử, không đến nỗi thấp kém gì, nhưng thời gian cứ trôi đi hết nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác không làm được gì cho dân, cho phong trào. Nhìn sang xã bạn mà thèm, cảm thấy có nợ với dân nhiều lắm!” - ông Ngô Văn Ngọc tâm sự.
“Cơm chưa ăn, gạo còn đó!”
Phòng trào xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh được đánh giá luôn nằm ở tốp đầu cả nước, đời sống người dân và bộ mặt làng quê đổi thay từng ngày. Nhưng khu vực vùng mỏ thì xơ xác, hoang hóa, như một bức tranh tương phản trong sự phát triển chung của quê hương. Sản xuất nông nghiệp bị ngưng trệ do không có nguồn nước thủy lợi, đất đai bị sa mạc hóa, bị cát từ mong mỏ vùi lấp. Hơn chục năm nay phần lớn diện tích chỉ sản xuất một vụ. Riêng 8 thôn thuộc xã Thạch Khê và Đỉnh Bàn có trên 150ha bỏ hoang vì cát vùi, khô hạn. Nhiều mô hình kinh tế và các cây trồng truyền thống như rau, củ, quả cung cấp cho thị trường thành phố Hà Tĩnh, nay không thể duy trì sản xuất.
Không chỉ sản xuất bị ngưng trệ mà môi trường cũng ảnh hưởng nặng nề, nhất là nạn cát chảy mùa mưa, cát bay mùa nắng, bát cơm từng ngày của người dân đang vơi dần và “chan đầy cát”. Một số vùng ở Đỉnh Bàn nguồn nước cạn kiệt, cây cối khô héo, khoan giếng sâu 15m vẫn không có nước. Nhiều hộ phải mua nước ngọt để dùng. Lao động trong độ tuổi không có việc làm, phải ly quê mưu sinh. Làng quê giờ chỉ người già, trẻ nhỏ, người mất sức lao động. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong vùng từ 11 đến 13,7%. Nguồn thu ngân sách rất eo hẹp, 9 tháng đầu năm xã thu nhiều nhất gần 250 triệu, xã thấp 160 triệu, đạt 5,6% đến 20% kế hoạch giao.
Trụ sở xã Thạch Hải phải trưng dụng trạm Thủy sản huyện xây dựng cách đây 40 năm
Là vùng quê có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái với bờ biển dài, cát mịn, có Quỳnh Viên danh thắng thơ mộng. Năm 2000 huyện Thạch Hà lập dự án phát triển du lịch sinh thái biển Thạch Hải và kêu gọi đầu tư. Một Việt kiều đã về đầu tư khu Du lịch sinh thái Quỳnh Viên, giai đoạn một là 150 tỷ đồng. Sau 5 năm, dự án đang trên đà phát triển, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, bộ mặt nông thôn Thạch Hải đang từng ngày được cải thiện thì phải dừng lại vì nhường đất cho Mỏ sắt Thạch Khê.
“Tiếc lắm! Nếu không có Dự án Mỏ sắt Thạch Khê, vùng biển Thạch Hải chắc chắn sẽ trở thành một khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng. Hồi đó, không chỉ Khu du lịch sinh thái Quỳnh Viên đã đi vào hoạt động mà còn nhiều nhà đầu tư về đây. Họ mong muốn xây dựng vùng biển này thành một quần thể du lịch sinh thái, lịch sử, tâm linh… nhưng tất cả đành phải dứt áo ra đi” - một người dân xã Thạch Hải nói.
Đã 15 năm, kể từ ngày khởi công dự án, sau đó có quyết định tạm dừng Dự án Mỏ sắt Thạch Khê, vùng đất này chẳng khác gì bị “cấm vận”, để lại bao hệ lụy, khó khăn cho người dân nơi miền quê nghèo khó này. Chính quyền và người dân vùng mỏ mong Đảng và Nhà nước sớm có những quyết sách kịp thời vì sự phát triển của địa phương và cuộc sống của người dân.
Người dân trong vùng bày tỏ: “cơm chưa ăn, gạo còn đó”, cứ để dành cho con cháu mai sau. Khi nào mỏ được thăm dò, đánh giá khách quan và đầy đủ về các thông số kỹ thuật; khi có công nghệ khai thác hiện đại và tìm chọn đối tác có năng lực tài chính đủ mạnh rồi xây dựng dự án khai thác cũng chưa phải là muộn.
Theo thống kê chưa đầy đủ, các xã trong vùng mỏ hiện có trên 550 hộ gia đình con đã trưởng thành nhưng không thể tách hộ vì không được cấp đất, riêng xã Thạch Hải có 187 hộ. Nhiều hộ dân ba, bốn thế hệ ở trong một nhà rất bí bách trong sinh hoạt và cuộc sống. Chính quyền thấu hiểu, thương dân nhưng không thể làm khác được.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ve-dau-du-an-mo-sat-thach-khe-ky-cuoi-noi-niem-a186027.html