DIC Corp bất ngờ báo lỗ quý III và dòng tiền âm kỷ lục 2.380,3 tỷ đồng

Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu 423,57 tỷ đồng và lỗ 0,97 tỷ đồng trong quý III.

Lỗ quý III

Trong quý III/2022, DIC Corp ghi nhận doanh thu đạt 423,57 tỷ đồng, giảm 21,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 0,97 tỷ đồng so với cùng kỳ 42,27 tỷ đồng, tức giảm 43,24 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm 32,9% về còn 26,8%.

Được biết, quý lỗ gần nhất của DIC Corp là quý I/2017 với giá trị lỗ 15,46 tỷ đồng.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 35,9% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 63,51 tỷ đồng về 113,45 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 236,7%, tương ứng tăng thêm 10,46 tỷ đồng lên 14,88 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 154,8%, tương ứng tăng thêm 27,27 tỷ đồng lên 44,89 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 31,8%, tương ứng giảm 31,23 tỷ đồng về 67 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận lỗ 6,43 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 15,12 tỷ đồng, giảm 21,55 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, DIC Corp ghi nhận doanh thu đạt 1.517,87 tỷ đồng, giảm 8,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 141,67 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2022, DIC Corp đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.900 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế 193,04 tỷ đồng, Công ty mới đạt 10,2% kế hoạch lợi nhuận năm và cách rất xa kế hoạch lãi 1.900 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 12/10, ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch DIC Corp khẳng định sẽ hoàn thành kế hoạch lãi trước thuế cả năm 2022 là 1.900 tỷ đồng, bất chấp các doanh nghiệp nói chung và nhóm bất động sản nói riêng đang gặp nhiều khó khăn. Ông cũng cam kết DIC Corp sẽ trả cổ tức với mức tỷ lệ trên dưới 25%.

Dòng tiền âm kỷ lục từ trước tới nay

Không chỉ lợi nhuận lao dốc, dòng tiền kinh doanh chính trong 9 tháng đầu năm còn ghi nhận âm 2.380,3 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 352,6 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 2.021,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 341,4 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Như vậy, trong kỳ Công ty tăng vay nợ bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt.

Được biết, từ khi niêm yết (năm 2009) tới nay, chưa năm nào DIC Corp báo cáo dòng tiền kinh doanh chính âm vượt 2.380,3 tỷ đồng. Trong đó, 3 năm gần đây, Công ty liên tục duy trì mô hình thâm hụt dòng tiền, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2019 ghi nhận âm 245,41 tỷ đồng, năm 2020 ghi nhận âm 504,3 tỷ đồng và năm 2021 ghi nhận âm 1.966,48 tỷ đồng.

Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của DIC Corp giảm 6% so với đầu năm về 15.828,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tồn kho đạt 5.629,7 tỷ đồng, chiếm 35,6% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 4.281,1 tỷ đồng, chiếm 27% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn đạt 2.381,2 tỷ đồng, chiếm 15% tổng tài sản; tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 2.063,7 tỷ đồng, chiếm 13% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 44,8% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.674,5 tỷ đồng về 2.063,7 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 24,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 847,12 tỷ đồng lên 4.281,1 tỷ đồng; tồn kho tăng 46,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.785,4 tỷ đồng lên 5.629,7 tỷ đồng …

Trong phải thu, đáng chú ý có khoản mục phải thu 1.298,2 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân, đơn vị mà DIC Corp cho biết không có mối liên quan nhưng thường xuyên được mua ưu đãi các đợt phát hành riêng lẻ và liên tục bán ra cổ phiếu vùng đỉnh từ cuối năm 2021 tới nay.

Về phần nguồn vốn, người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm 15,1% so với đầu năm, tương ứng giảm 262,1 tỷ đồng về 1.479,4 tỷ đồng và chiếm 9,3% tổng nguồn vốn. Thêm nữa, tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 8,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 395,2 tỷ đồng lên 5.301,9 tỷ đồng và chiếm 33,5% tổng nguồn vốn.

Cơ cấu nợ vay của DIG tới 30/9/2022 (Nguồn: BCTC)

Cơ cấu nợ vay của DIG tới 30/9/2022 (Nguồn: BCTC)

Về nợ vay, tính tới 30/9, Công ty đang có 3.417,3 tỷ đồng dư nợ trái phiếu. Trong đó, một trái phiếu có mệnh giá 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng và đáo hạn ngày 16/9/2024; một trái phiếu mện giá 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng và đáo hạn ngày 20/9/2024; và một trái phiếu có mệnh giá 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn ngày 26/11/2024.

Lãi suất của 3 trái phiếu trên kỳ đầu tiên là 11%/năm.

Một điểm đáng lưu ý, tính tới 30/9, lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phấn phối chỉ còn 69,79 tỷ đồng, giảm 93,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.041,61 tỷ đồng và bằng 0,4% tổng nguồn vốn.

Tính tới ngày 28/10, cổ phiếu DIG giao dịch giá 19.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, tháng 10 chỉ còn 1 phiên giao dịch nữa và cổ phiếu DIG chắc chắn sẽ không giao dịch trên vùng giá 30.000 đồng/cổ phiếu.

Cũng tại Đại hội cổ đông bất thường ngày 12/10/2022, ông Nguyễn Thiện Tuấn đã tỏ ra bất ngờ khi giá cổ phiếu DIG liên tục giảm trong thời gian qua. Ông cho biết con gái ông (Nguyễn Thị Thanh Huyền) đã đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu và khẳng định nếu giá cổ phiếu DIG sau ngày 30/10 vẫn dưới 30.000 đồng/cổ phiếu, bản thân ông sẽ đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu.

Cổ đông Thiên Tân được mua ưu đãi vừa chốt lời trước thềm Đại hội bất thường ngày 12/10

Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thiên Tân vừa bán ra 3.362.400 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 16,01% về còn 15,46% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 11/10/2022.

Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 11/10 là 24.650 đồng/cổ phiếu, ước tính Thiên Tân đã thu về số tiền lên tới 82,88 tỷ đồng.

Được biết, ngày 7/10/2021, DIC Corp đã phát hành riêng lẻ 75 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.500 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu chỉ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm. Như vậy, ngày 7/10/2022, toàn bộ 75 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ được tự do chuyển nhượng.

Kể từ thời điểm phát hành ưu đãi, DIC Corp đã thực hiện phát hành trả cổ tức và thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 22%. Như vậy, ước tính giá gốc mua 75 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị pha loãng về 16.393 đồng/cổ phiếu.

Trong danh sách nhà đầu tư tham gia đợt phát hành riêng lẻ bao gồm 6 nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Trong đó, CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân được mua tới 38 triệu cổ phiếu, ước tính lãi 414,5 tỷ đồng sau 1 năm nắm giữ; ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT và hai người con là Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Thị Thanh Huyền được mua tổng cộng 25 triệu cổ phiếu, ước tính lãi 272,7 tỷ đồng; ông Cao Văn Vũ được mua 10 triệu cổ phiếu, lãi 109,1 tỷ đồng; và CTCP Chứng khoán Liên Việt được mua 2 triệu cổ phiếu, lãi 21,8 tỷ đồng.

Như vậy, nếu tính theo giá mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ cách đây 1 năm và giá phiên ngày 11/10, ước tính CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân sẽ lãi tối thiểu 27,76 tỷ đồng (vốn đầu tư 55,1 tỷ đồng), tương ứng hiệu suất đầu tư sau hơn 1 năm là 50,4%.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dic-corp-bat-ngo-bao-lo-quy-iii-va-dong-tien-am-ky-luc-23803-ty-dong-a186194.html