Elon Musk chính thức trở thành chủ nhân mới của Twitter. Ảnh: Patrick Pleul.
Theo CNBC, Twitter đã chính thức thuộc về tỷ phú Elon Musk, người giàu nhất thế giới. Nền tảng này vốn là nơi phát ngôn của nhiều người nổi tiếng và tầm cỡ trong giới chính trị, thể thao, công nghệ, tài chính... Sự kiện đổi chủ vừa qua chính là một bước ngoặt lớn đối với Twitter, một trong những công ty mang tính biểu tượng nhất bước ra từ thung lũng Silicon trong 20 năm qua.
“Chú ngựa ô” của thung lũng Silicon
Vào tháng 3/2006, Jack Dorsey, Noah Glass, Biz Stone và Evan Williams đã tạo ra Twitter. Một năm sau đó, mạng xã hội này được quỹ Union Square Ventures đầu tư 100.000 USD trong vòng gọi vốn Series A. Cái tên Twitter bắt đầu nổi tiếng sau khi công ty tiến hành những chương trình quảng cáo rầm rộ tại hội nghị South by Southwest.
Giao diện của Twitter khi mới được thành lập. Ảnh: @WebDesignMuseum.
Đến tháng 10/2008, ông Dorsey từ chức CEO và nhường lại vị trí này cho Williams. Tuy nhiên, theo cuốn sách Hatching Twitter, hội đồng quản trị của Twitter đã sa thải Dorsey vì lo ngại về phong cách quản lý cùng những lời khoe khoang của ông trước công chúng.
Năm 2009 đánh dấu sự bùng nổ của Twitter trên mặt trận truyền thông khi những người sáng lập công ty lên sóng trong chương trình của nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey. Thậm chí, Williams và Stone còn được xuất hiện trên tạp chí Time danh giá chỉ sau 3 năm thành lập Twitter.
Twitter đã chào đón năm 2010 bằng sự kiện phi hành gia Timothy Creamer của NASA gửi dòng tweet trực tiếp từ bên ngoài không gian. Một năm sau đó, Twitter đã trở thành công cụ truyền thông xã hội thiết yếu được sử dụng bởi những người biểu tình chống chính phủ tại Ai Cập, Libya và Tunisia trong chiến dịch Mùa xuân Ả Rập.
Năm 2012, lượng người dùng Twitter đã lên tới 200 triệu người. Cựu Tổng thống Barack Obama đã sử dụng nền tảng này để tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012.
Vào tháng 11/2013, Twitter chào sân thị trường chứng khoán Mỹ và huy động thành công 1,8 tỷ USD trong đợt IPO. Tuy nhiên, đợt suy giảm người dùng vào năm 2014 đã làm hạ nhiệt cổ phiếu Twitter. 2015 tiếp tục là một năm sóng gió với trang mạng xã hội này khi hoạt động kinh doanh của công ty không mang lại lợi nhuận như kỳ vọng.
Chính trị hóa công cụ truyền thông
Năm 2016 ghi nhận nhiều biến động đối với Twitter. Đầu tiên, công ty được nhiều ông lớn như Google, Microsoft lăm le mua lại. Tiếp đó, Twitter và Facebook bị nhiều người chỉ trích vì vai trò của trong việc quản lý các thông tin sai lệch, đặc biệt là trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Twitter đóng vai trò là cầu nối giữa cựu Tổng thống Donald Trump với hơn 90 triệu cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2016. Ảnh: Sheldon Cooper.
Twitter đã có những bước phát triển tích cực vào năm 2017 khi mạng xã cổ phiếu của công ty cuối cùng cũng có xu hướng tăng. Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump sau khi đắc cử đã tiếp tục sử dụng Twitter như một công cụ truyền thông giữa đại diện chính phủ và quần chúng nhân dân. Theo dữ liệu riêng của Twitter, Trump là nhà lãnh đạo được tweet nhiều nhất trên thế giới vào năm đó.
Năm 2018, giám đốc điều hành của Twitter và FaceBook đã đã làm chứng trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ về cáo buộc Nga can thiệp đến kết quả cuộc bầu cử trước đó. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản Ông Trump và các thành viên đảng Cộng hòa ngày càng sử dụng Twitter nhiều hơn cho mục đích chính trị trong năm 2018 và 2019.
Sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020 khiến cơn bão tin giả càn quét internet. Twitter đã thể hiện sự cứng rắn của mình khi mạng xã hội này chặn quyền truy cập và xóa tài khoản của những người đăng tải thông tin mà họ cho là sai sự thật, trong đó có tài khoản của hàng loạt người nổi tiếng và chính trị gia trên thế giới.
Động thái gây tranh cãi nhất của Twitter trong năm 2021 chính là xóa tài khoản của ông Donald Trump. Cựu tổng thống Mỹ đã cáo buộc Twitter phối hợp với đảng Dân chủ để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của ông.
Năm 2022 chính là bước ngoặt lớn của Twitter khi Elon Musk tiếp quản mạng xã hội này sau một cuộc tranh cãi pháp lý kéo dài. Ông chủ của Tesla đã đồng ý trả 44 tỷ USD cho thương vụ này nhưng sau đó lại từ bỏ thỏa thuận. Tuy nhiên, vị tỷ phú này nhanh chóng đổi ý và chính thức mua lại Twitter. Sau khi lên nắm quyền điều hành, Elon Musk đã thay đổi toàn bộ nhân sự cốt cán của công ty và thiết lập một hướng đi mới cho Twitter.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/16-nam-phat-trien-cua-twitter-truoc-khi-ve-tay-elon-musk-a186283.html