Vietnam Airlines lỗ thêm 2.6 ngàn tỷ, vốn chủ sở hữu âm 7.5 ngàn tỷ

Doanh thu hồi phục mạnh, nhưng chưa đủ để giúp hãng hàng không quốc gia thoát lỗ. Quý 3/2022, Vietnam Airlines (HOSE: HVN) lỗ hơn 2.6 ngàn tỷ đồng, đánh dấu 11 quý thua lỗ liên tiếp và càng làm tăng nguy cơ cổ phiếu bị huỷ niêm yết.

Nguồn: VietstockFinance

Thị trường hàng không hồi phục giúp Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần hơn 21 ngàn tỷ đồng trong quý 3, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức tăng mạnh đến từ việc so sánh với mức nền thấp của cùng kỳ (giai đoạn dịch bệnh vẫn còn hoành hành). Nhờ đó, hãng hàng không quốc gia lãi gộp 165 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 3 ngàn tỷ.

Tuy nhiên, các khoản chi phí tăng mạnh đã tạo gánh nặng cho Vietnam Airlines. Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm mạnh, trong khi chi phí tài chính gấp 3 lần (gần 1.5 ngàn tỷ), chủ yếu là lỗ chênh lệch tỷ giá. Các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý cũng tăng mạnh.

Kết quả, Vietnam Airlines lỗ ròng hơn 2.6 ngàn tỷ đồng trong quý 3/2022. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực, hãng hàng không quốc gia đã bớt lỗ gần 700 tỷ so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh quý 3 của Vietnam Airlines

Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance

Sau 9 tháng, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất hơn 51 ngàn tỷ đồng, tăng 173% so với cùng kỳ. Lỗ sau thuế gần 7.8 ngàn tỷ đồng, giảm đáng kể so với cùng kỳ (lỗ 11.8 ngàn tỷ).

Trong giải trình, hãng hàng không quốc gia cho biết thị trường vận chuyển quốc tế vẫn đang phục hồi chậm, cộng thêm các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột Nga-Ukraine kéo dài và các rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất) gia tăng. Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022.

Vốn chủ sở hữu âm 7.5 ngàn tỷ và nguy cơ huỷ niêm yết

Hiện hãng hàng không với biểu tượng sen vàng đang chịu áp lực thanh khoản rất lớn trong ngắn hạn.

Cuối tháng 9/2022, Vietnam Airlines nắm giữ gần 3.8 ngàn tỷ đồng tiền mặt và khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Khoản phải thu tăng lên 4.5 ngàn tỷ, còn hàng tồn kho ở mức hơn 3.5 ngàn tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối, nợ ngắn hạn lên hơn 50 ngàn tỷ đồng, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 14.5 ngàn tỷ đồng. Cuối quý 3, Vietnam Airlines ghi nhận vốn chủ sở hữu âm 7.5 ngàn tỷ đồng và lỗ luỹ kế 31.5 ngàn tỷ đồng. Điều này có nghĩa hãng hàng không quốc gia đang đối mặt với nguy cơ huỷ niêm yết.

Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) cũng đã lưu ý đến khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines.

Để tránh huỷ niêm yết, Vietnam Airlines cho biết sẽ thoái vốn khỏi Pacific Airlines. Nếu thực hiện thành công, phương án này sẽ có tác động rất tích cực tới số liệu tài chính của Vietnam Airlines. Trong đó, hãng có thể giảm lỗ lũy kế vì nắm 98% vốn của Pacific Airlines mà Pacific Airlines đang lỗ 7,000-8,000 tỷ đồng.

Nếu tìm được nhà đầu tư mua cổ phần Pacific, Vietnam Airlines sẽ có thêm nguồn thu nhập tài chính cũng như dòng tiền. Tuy nhiên, việc thoái vốn khỏi hãng bay giá rẻ này đang gặp mâu thuẫn về quy trình giữa các văn bản luật, dù có 3 nhà đầu tư muốn tham gia thương vụ.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vietnam-airlines-lo-them-26-ngan-ty-von-chu-so-huu-am-75-ngan-ty-a186292.html