Lưu ý trong giải ngân đầu tư công giai đoạn cuối năm

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, các bộ, ngành và địa phương cần chuẩn bị trước các thủ tục hành chính để tránh tình trạng dồn dập vào dịp cuối kỳ.

Giai đoạn cuối năm, điều hành chính sách đối diện với thách thức lớn khi một mặt vừa phải kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định vĩ mô, ứng phó với chính sách tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, vừa phải duy trì tăng trưởng kinh tế.

Chính sách tài khóa, đặc biệt là công cụ đầu tư công, là giải pháp rất hiệu quả trong bối cảnh này khi tăng cung tiền trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng lại ít làm tăng lạm phát. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng đầu năm vẫn tương đối thấp, đạt 51,34% kế hoạch (bao gồm cả khoản 38 nghìn tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung dự toán).

Nói về giải ngân vốn đầu tư công, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, đến hết tháng 10 sẽ đạt khoảng 298 nghìn tỷ đồng. Nếu không tính phần bổ sung dự toán, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ đạt gần 55%, không chênh nhiều so với con số 55,8% cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thực tế thời gian gần đây, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể, trong tháng 10, giải ngân đầu tư công đạt khoảng 44,6 nghìn tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần so với trung bình 9 tháng đầu năm.

Bên cạnh xu hướng tăng dần giải ngân vào dịp cuối năm, con số trên cũng phản ánh những giải pháp đã được triển khai đang phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, một số vấn đề còn tồn đọng trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, có thể kể đến như công tác giải phóng mặt bằng, lập kế hoạch vốn chưa đạt hiệu quả; năng lực nhà thầu và ban quản lý dự án chưa tốt; vai trò của lãnh đạo của một số bộ, ngành và địa phương chưa được phát huy đầy đủ; quy định pháp luật về đầu tư công chưa đi sát với thực tiễn…

Tránh áp lực dịp cuối kỳ

Theo Thứ trưởng Phương, thời gian còn lại để giải ngân vốn đầu tư công còn rất ngắn, chỉ còn khoảng 3 tháng. Do đó, không còn nhiều thời gian để triển khai nhiều giải pháp mới.

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng nhất là các bộ, ngành và địa phương phải đôn đốc chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu thực hiện các dự án, bởi “không thể giải ngân nếu không có khối lượng đi kèm”. Mặt khác, các bộ, ngành và địa phương cũng phải làm tốt vai trì lãnh đạo, điều hành, chỉ đạo các ban quản lý, chủ đầu tư và nhà thầu để đầu tư công đạt kết quả tốt.

Một vấn đề quan trọng khác là cần phải chuẩn bị trước các thủ tục hành chính để giải ngân vốn đầu tư công, tránh tình trạng dồn dập vào thời điểm cuối kỳ. Việc giải ngân đồng loạt ở nhiều bộ, ngành, địa phương có thể khiến hệ thống Kho bạc Nhà nước và hệ thống hành chính rơi vào tình trạng “nghẽn mạng”, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Bên cạnh đó, kế hoạch đầu tư công cho năm 2023 đang trình Quốc hội xem xét cũng đặt ra lượng vốn tương đối lớn. Áp lực giải ngân đầu tư công năm 2023 có khả năng sẽ cao không kém gì năm 2022.

“Cần có công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa, để làm sao bước sang năm 2023 chúng ta có thể triển khai thực hiện được ngay”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/luu-y-trong-giai-ngan-dau-tu-cong-giai-doan-cuoi-nam-a186347.html