Còn quy định chồng lấn, "ngốn" thêm chi phí cho doanh nghiệp trong dự thảo kết nối thông tin xuất nhập khẩu

Góp ý về dự thảo kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh theo cơ chế một cửa quốc gia, VCCI cho rằng còn nhiều quy định chồng lấn và gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, chưa rõ kinh phí hỗ trợ cho các chủ thể khi chia sẻ dữ liệu...

Việc kết nối, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh hiện tồn tại nhiều bất cập.
Việc kết nối, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh hiện tồn tại nhiều bất cập.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 10464/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính đề nghị góp ý dự thảo Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo cơ chế một cửa quốc gia.

CẦN TẬP TRUNG ĐẦU MỐI VÀO BỘ CHỦ QUẢN

Theo Bộ Tài chính, hiện tồn tại khó khăn, bất cập trong thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh như: thông tin manh mún, trì hoãn kết nối, thông tin vừa trùng lặp, lại vừa thiếu...

Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, thời lượng thực hiện thủ tục hành chính và ra quyết định quản lý, ảnh hưởng trực tiếp đến chương trình phát triển Chính phủ điện tử. 

Vì vậy, việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ với các bên liên quan thông qua cơ chế một cửa quốc gia để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa là rất cần thiết.

Theo dự thảo, các thông tin do VCCI chia sẻ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia được quy định tại Khoản 18 Điều 9. Theo đó, các loại thông tin mà VCCI phải cung cấp, chia sẻ là (i) danh sách doanh nghiệp và hàng hóa xin cấp C/O Việt Nam (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) để xuất khẩu đi các nước; (ii) danh sách doanh nghiệp bị thu hồi C/O.

Tuy nhiên, VCCI đề xuất bỏ quy định trên vì chồng lấn về việc chuyển dữ liệu thông tin và việc yêu cầu cơ quan chủ quản cung cấp sẽ đảm bảo tính đầy đủ của thông tin hơn.

Cụ thể, VCCI lý giải Bộ Công Thương có tất cả các thông tin mà VCCI có trách nhiệm chia sẻ, cung cấp, bởi vì theo yêu cầu quản lý, VCCI phải chuyển dữ liệu tới Bộ Công Thương – cơ quan quản lý về việc cấp C/O; đông thời, theo quy định tại khoản 5 Điều 30 Nghị định 31/2008/NĐ-CP “trường hợp các cơ quan có thẩm quyền trong nước và quốc tế yêu cầu cung cấp hồ sơ, chứng từ, thông tin và tài liệu đó, thương nhân, các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải báo cáo Bộ Công Thương trước khi cung cấp”.

Khoản 2 Điều 9 dự thảo quy định Bộ Công Thương cũng là chủ thể phải cung cấp và chia sẻ thông tin mà Bộ quản lý qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, trong đó, có các thông tin tương tự như thông tin VCCI cung cấp, chia sẻ tại Phụ lục XIX.

Mặt khác, dự thảo cũng như Phụ lục II không quy định rõ, thông tin về việc cấp C/O mà Bộ Công Thương chia sẻ là những thông tin C/O được cấp bởi Bộ Công Thương hay là tất cả các thông tin C/O (bao gồm cả những thông tin của các tổ chức được ủy quyền cấp).

Vì vậy, "sẽ có trường hợp cùng một thông tin nhưng cả Bộ Công Thương và VCCI đều chia sẻ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Điều này sẽ là lãng phí về nguồn lực", VCCI nhìn nhận.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu cơ quan chủ quản cung cấp sẽ đảm bảo tính đầy đủ của thông tin hơn.

Theo quy định tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, Bộ Công Thương có thể trực tiếp cấp C/O và/hoặc ủy quyền cho tổ chức khác cấp.

Hiện nay, ngoài VCCI còn có một số đơn vị, tổ chức khác được ủy quyền cấp C/O. Các tổ chức được ủy quyền cũng phải có trách nhiệm kết nối và chia sẻ dữ liệu về việc cấp C/O cho Bộ Công Thương.

"Bộ Công Thương là cơ quan có đầy đủ dữ liệu về các thông tin liên quan đến việc cấp C/O. Mục đích chính của quy định kết nối, chia sẻ thông tin về hoạt động cấp C/O là có được tất cả các thông tin liên quan đến hoạt động này. Vì vậy, yêu cầu cơ quan quản lý chia sẻ và kết nối thông tin sẽ đảm bảo được tính thống nhất, đầy đủ của thông tin", VCCI khẳng định.

Cũng theo VCCI, trong Công văn số 0506/PTM-PC ngày 20/4/2022 về việc góp ý dự thảo này, VCCI đã đề xuất bỏ quy định.

Tuy nhiên, góp ý trên chưa được tiếp thu và được giải trình là “Đề nghị giữ như dự thảo để rõ trách nhiệm đơn vị chủ quản cơ sở dữ liệu”.

Vì vậy, VCCI nhấn mạnh cơ quan chịu trách nhiệm quản lý các thông tin về việc cấp C/O là Bộ Công Thương.

Còn VCCI sẽ chịu trách nhiệm đối với Bộ Công Thương về việc chuyển dữ liệu thông tin về bộ quản lý.

"Việc chia sẻ thông tin qua Cổng thông tin một cửa quốc gia thì nên tập trung vào một đầu mối là bộ chủ quản sẽ phù hợp và giải quyết được những hạn chế nêu ở trên", VCCI nhấn mạnh.

Vì vậy, VCCI bảo lưu ý kiến góp ý trên, tức là bỏ khoản 18 Điều 9 Dự thảo và bổ sung nội dung tại Phụ lục II Danh mục thông tin của Bộ Công Thương kết nối, chia sẻ qua Cổng thông tin một cửa quốc qua theo hướng cụ thể hơn: “Thông tin lô hàng/doanh nghiệp được cấp C/O Việt Nam xuất khẩu đi các nước (bao gồm C/O cấp bởi các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp)”.  

Đồng thời, sửa tương ứng với thông tin lô hàng, doanh nghiệp bị thu hồi C/O.

Ngoài ra, theo VCCI, Phụ lục XX liệt kê danh mục thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp kết nối, chia sẻ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, trong đó có nhiều thông tin có thể khai thác từ cơ quan quản lý nhà nước.

Chẳng hạn, thông tin từ doanh nghiệp bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài; thông tin từ các hiệp hội; thông tin từ đại lý hải quan… Đây là các thông tin có thể khai thác được từ hệ thống dữ liệu của các cơ quan cấp giấy phép.

Còn thông tin từ doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể khai thác từ cơ quan hải quan.

"Việc Phụ lục XX yêu cầu nhiều tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực chia sẻ, kết nối dữ liệu thông tin qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, ví dụ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistic phải cung cấp thông tin “số lượng doanh nghiệp thuê thực hiện thủ tục hải quan”; thông tin về bảo hiểm vận tải quốc tế, doanh nghiệp phải cung cấp “tuyến đường mua bảo hiểm”, “loại hàng hóa mua bảo hiểm”; “giá trị gói bảo hiểm đối với hàng hóa theo tờ khai”… cần đánh giá tác động một cách kỹ càng để đảm bảo tính khả thi và không gia tăng chi phí cho doanh nghiệp", VCCI đánh giá.

Hiện dự thảo tờ trình vẫn chưa có phần đánh giá tác động đối với quy định này. Bởi quy định này sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, VCCI đề nghị ban soạn thảo đánh giá tác động đối với quy định này.

LÀM RÕ KINH PHÍ KHI KẾT NỐI, CHIA SẺ DỮ LIỆU

Trong văn bản góp ý, VCCI cũng đưa ra ý kiến về kinh phí, nguồn nhân lực đảm bảo kết nối, chia sẻ thông tin.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 25 dự thảo, kinh phí, nguồn nhân lực bảo đảm kết nối, chia sẻ thông tin thực hiện theo Điều 29, 30 Nghị định số 47/2020/NĐ-CP và quy định của pháp luật liên quan.

Tuy nhiên Điều 29, 30 Nghị định 47/2020/NĐ-CP chỉ quy định nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước đảm bảo cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan nhà nước ở địa phương.

"Nếu thực hiện theo phương án kết nối tại dự thảo thì các tổ chức như VCCI, doanh nghiệp, hiệp hội khác sẽ không được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho các đối tượng này trong việc thực hiện kết nối, chia sẻ và duy trì hệ thống này", VCCI nêu rõ khó khăn.

Trường hợp vẫn giữ quy định yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin từ VCCI, các doanh nghiệp, hiệp hội, VCCI đề nghị ban soạn thảo kiến nghị sửa đổi quy định tại Nghị định 47/2020/NĐ-CP về việc bảo đảm kinh phí cho các chủ thể này kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Về quy định không có tính đặc thù, VCCI đề nghị bỏ quy định tại Điều 18 dự thảo về xử lý sự cố, vì quy định này không mới, chi tiết hơn quy định tại Nghị định 85/2019/NĐ-CP và nội dung quy định này chỉ là dẫn chiếu tới quy định tại Nghị định 85/2019/NĐ-CP.      

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/con-quy-dinh-chong-lan-ngon-them-chi-phi-cho-doanh-nghiep-trong-du-thao-ket-noi-thong-tin-xuat-nhap-khau-a186407.html