Cụ thể, trong kỳ công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 81,8 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ; giá vốn bán hàng tăng nhẹ lên 38,7 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp tăng 27% lên 43,1 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính tăng hơn 4,7 lần lên 13 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí tài chính tăng vọt hơn 5 lần lên 112,3 tỷ đồng. Chi phí bán hàng ghi nhận 3,4 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 10,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 61% và 45,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả, công ty báo lỗ gần 74 tỷ đồng trong quý III/2022, trong khi cùng kỳ lãi 3,2 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, CEO ghi nhận doanh thu thuần đạt 135 tỷ đồng, giảm 8,6% so với cùng kỹ, sau thuế lỗ 61,3 tỷ đồng.
Tính đến ngày 20/9/2022, tổng tài sản của Công ty đạt 3.455 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm; tiền và các khoản tương đương tiền giảm 78% so với đầu năm xuống hơn 7 tỷ đồng; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn đạt 315 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn khách hàng giảm 38,7% xuống 69,2 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 14,8% xuống 218,7 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ phải trả giảm 9,8% xuống 485,3 tỷ đồng; phải trả người bán ngắn hạn giảm 28,2% xuống 38,2 tỷ đồng; người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm 32,6% xuống gần 83 tỷ đồng; xuất hiện vay nợ ngắn hạn với 24,6 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay (31/10) cổ phiếu đứng ở giá 13.500 đồng/cp, giảm 86,5% so với mức đỉnh lịch sử ngày 10/1/2022 với giá 100.000 đồng/cp. Khi đó, giá vị vốn hóa công ty đạt 26.000 tỷ đồng.
Quá trình gây sóng gió của CEO khởi đầu từ phiên 8/11/2021 với giá 12.500 đồng/cp, CEO có chuỗi 10 phiên tăng trần, kéo thị giá tăng gấp 2,5 lần trước khi tiếp tục tăng thêm nhiều nhịp nữa. CEO xác lập đỉnh 100.000 đồng/cp.
Như vậy chỉ sau khoảng 2 tháng, CEO đã ghi nhận mức tăng tới 8 lần, tương đương mức tăng đến 800% khiến nhà đầu tư đứng ngồi không yên với đà tăng không tưởng của cổ phiếu này. Thời gian này, các hội nhóm diễn đàn sôi nổi và dự báo CEO có thể lên mốc 500-700.000 đồng, thậm chí đến 1 triệu đồng/cp.
Tại thời điểm đó, CEO sở hữu nhiều dự án có tiếng đã và đang triển khai trên cả nước, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, điển hình là Sonasea Vân Đồn Harbor City quy mô 358ha ở Quảng Ninh, hay Sonasea Villas & Resort 132ha, Sonasea Residence 160ha ở Phú Quốc, Kiên Giang, cùng nhiều dự án khác.
Đà tăng điên của CEO, cũng như loạt cổ phiếu bất động sản đình đám như DIG, L14... đạt đỉnh vào đầu năm 2022, trước khi đảo chiều nhanh chóng sau sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm.
Tiếp đó là các vụ án liên quan đến cổ phiếu FLC, vụ án trái phiếu Tân Hoàng Minh tiếp tục nhấn sâu cổ phiếu CEO. Hiện tại CEO đang ở quanh vùng giá trị khi vừa mới nổi sóng.
Cũng liên quan đến CEO, ngày 23/8/2022, HĐQT công ty đã có Nghị quyết thông qua hồ sơ đăng ký chào bán 257,3 triệu cổ phần theo phương án nêu trên.
Doanh nghiệp biết, số tiền thu được từ các đợt chào bán sẽ được đầu tư cho dự án Khu biệt thự cao cấp Sonasea Residences (800 tỷ đồng), tăng vốn cho các công ty con (1.556 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh (hơn 217 tỷ đồng). Trong trường hợp việc chào bán cho cổ đông hiện hữu không được như kỳ vọng, CEO sẽ xem xét huy động vốn vay ngân hàng, tổ chức tín dụng, phát hành trái phiếu... để đảm bảo việc đầu tư dự án.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ceo-group-bao-lo-sau-trong-quy-iii2022-co-phieu-ceo-lao-doc-khong-phanh-tu-dinh-hoang-kim-a186431.html