Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, Tập đoàn FLC tại ngày 30/9 đang có các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 3.194 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn 1.822 tỷ đồng.
Như vậy, tổng nợ vay của FLC tại ngày cuối quý III là 5.016 tỷ. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2018 đến nay. So với đỉnh điểm vào ngày 31/3/2022, khối nợ vay của Tập đoàn FLC đã giảm 2.295 tỷ đồng.
Cuối tháng 3 chính là khoảng thời gian FLC trải qua nhiều biến cố khi Chủ tịch Hội đồng quản trị lúc đó là ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam để phục vụ điều tra vụ án thao túng thị trường chứng khoán và che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
Ít ngày sau vào hôm 8/4, Phó Chủ tịch thường trực Hương Trần Kiều Dung cũng bị bắt tạm giam vì lý do tương tự.
Trong 6 tháng sau khi các lãnh đạo vướng vòng lao lý, FLC đã tập trung trả bớt nợ tại một số ngân hàng như Sacombank và OCB, giúp nợ vay giảm hơn 31% còn hơn 5.000 tỷ đồng.
Trong khi dư nợ đi xuống đáng kể, lãi vay vẫn tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái lên 85 tỷ đồng. FLC cho biết chi phí tài chính quý vừa qua tăng 58% là ảnh hưởng của quá trình cơ cấu lại các khoản vay.
Tuy vậy, mức lãi vay này vẫn chưa phải là cao nhất trong lịch sử FLC, như biểu đồ bên dưới cho thấy.
Chủ nợ lớn nhất của FLC tại ngày cuối quý III là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID).
Các chi nhánh của BIDV tại Quảng Bình và Quy Nhơn (Bình Định) cho FLC vay tổng cộng hơn 1.500 tỷ đồng ngắn hạn cũng như dài hạn. Quảng Bình và Bình Định cũng là hai địa phương mà FLC đang đầu tư và khai thác các quần thể du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn.
Ông Lê Thái Sâm – Thành viên HĐQT mới được bầu vào ngày 2/7 năm nay – là người cho FLC vay nhiều thứ hai với dư nợ 621 tỷ đồng. Trong quý II, ông Sâm có lúc cho FLC vay 870 tỷ đồng nhưng sau đó tập đoàn đã trả được một phần.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (Mã: NCB) cũng là một chủ nợ lớn của Tập đoàn FLC với giá trị cho vay 581 tỷ đồng tại ngày 30/9, không thay đổi nhiều so với con số 584 tỷ vào ngày đầu năm.
Công ty cổ phần Homeliday cho FLC vay 185 tỷ đồng. Đây là một trong những chủ nợ tương đối mới, xuất hiện lần đầu trong báo cáo tài chính quý II năm nay. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và bà Cao Ngọc Kim Ngân cho FLC vay lần lượt 134 tỷ và 36 tỷ.
Ngoài các khoản vay ngân hàng và cá nhân, FLC còn đang nợ 1.243 tỷ đồng thông qua 4 lô trái phiếu. Hiện không rõ trái chủ bao gồm những ai.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (Mã: OCB) từng cho FLC vay tổng cộng hơn 2.000 tỷ đồng vào ngày 31/3 năm nay. Tuy nhiên đến ngày cuối quý II và cuối quý III, dư nợ của FLC tại cả hai nhà băng này đều đã giảm về 0, một phần do FLC hoàn trả, phần còn lại do các ngân hàng giữ tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Trong tháng 10 này, OCB đã tổ chức đấu giá một chiếc xe ô tô nhãn hiệu Rolls-Royce của CTCP Đầu tư Du thuyền và Sân golf FLC Biscom để thu hồi số tiền đã cho vay FLC Land - công ty con của FLC. Giá khởi điểm là 10 tỷ đồng.
Buổi đấu giá đầu tiên thất bại, Công ty đấu giá hợp danh Minh Pháp sẽ tổ chức đấu giá lần 2 vào ngày 9/11 với giá khởi điểm 9,7 tỷ đồng. Người muốn tham gia đấu giá phải đặt trước 20% giá khởi điểm, tương đương 1,94 tỷ đồng.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/flc-giam-gan-2300-ty-dong-no-vay-trong-6-thang-bidv-la-chu-no-lon-nhat-a186567.html