Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, sau 3 năm thực thi CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện được khả năng vươn lên, thích ứng trong điều kiện bình thường mới để tận dụng, khai thác hiệu quả hiệp định, gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường, đặc biệt là thị trường mới ở khu vực châu Mỹ.
Cụ thể, 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 41 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực này đạt 35 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất siêu sau 8 tháng ghi nhận đạt 6 tỷ USD, là mức cao nhất từ khi FTA này có hiệu lực, trong khi các năm đầu thực thi CPTPP, cán cân thương mại 2 chiều khá cân bằng.
Đáng ghi nhận, xuất khẩu sang một số nước thành viên CPTPP mà Việt Nam chưa có FTA trước đây đã tăng trưởng rất tích cực trong 8 tháng đầu năm 2022. Xuất khẩu sang Canada đạt 4,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021; sang Mexico đạt 3,2 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2021. Đối chiếu với kim ngạch xuất khẩu thực hiện trong cả năm 2021 sang khu vực này là 45,4 tỷ USD chỉ sau 8 tháng, xuất khẩu đã gần bằng cả năm ngoái.
Tại tọa đàm “Tận dụng đòn bẩy CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá CPTPP là hiệp định thương mại đầu tiên giống như sự tấn công tổng lực vào thị trường châu Mỹ. Trước đó, chúng ta đã có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chile nhưng là hiệp định truyền thống và ở quy mô nhỏ. Với CPTPP, lần đầu tiên Việt Nam cùng lúc tiếp cận hai thị trường ở Nam Mỹ là Peru và Chile, cùng với 2 thị trường ở phía Bắc Mỹ là Canada và Mexico. Chính điều này tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam để tiếp cận thị trường mới, nhiều tiềm năng và tất nhiên cũng có thử thách, bởi vì xuất phát từ cách tính mới của nó...
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nhanh-chan-hon-nua-tan-dung-co-hoi-tu-cptpp-a186601.html