Tại công trình xây dựng trung tâm thương mại ở quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Hưng Thành Lộc (có chi nhánh tại quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) nhận thầu từ Công ty Cổ phần xây dựng nền móng Long Giang.
Theo đại diện chủ đầu tư công trình xây dựng trung tâm thương mại, vì coi trọng vấn đề “bảo vệ môi trường khi hoạt động trên địa bàn TP. Đà Nẵng – Thành phố môi trường” nên chủ đầu tư luôn đặt mối quan tâm số 1 đến năng lực đổ thải của các nhà thầu phụ. Vì vậy, chủ đầu tư đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Hưng Thành Lộc lập tổ kiểm tra, rà soát bãi đổ theo đúng quy định.
“Công ty TNHH MTV Hưng Thành Lộc đã đưa chúng tôi đến bãi rác Khánh Sơn để khảo sát thực địa – nơi sẽ đổ thải, và cho rằng có đầy đủ hồ sơ năng lực để đổ thải, xử lý phế thải xây dựng tại bãi rác này”, vị đại diện chủ đầu tư, trao đổi với PV Reatimes.
Nhận thầu bằng… hồ sơ “dỏm”
Đi kèm với lời hứa đổ thải bùn đất đúng quy định, Công ty TNHH MTV Hưng Thành Lộc còn trình ra Hợp đồng nguyên tắc về việc Thu gom và xử lý chất thải xây dựng số 30.09/TTKD/HĐNT ký với Trung tâm kinh doanh và tư vấn công nghệ môi trường (trực thuộc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng). Đáng nói, trong hợp đồng, dù là đơn vị nhận thầu vận chuyển phế thải xây dựng, nhưng Công ty TNHH MTV Hưng Thành Lộc lại giao việc này trên danh nghĩa cho Trung tâm kinh doanh và tư vấn công nghệ môi trường. Nhưng phương tiện vận chuyển vẫn là xe của… Công ty TNHH MTV Hưng Thành Lộc, gồm các xe có biển kiểm soát: 43C - 17977; 43C - 18050; 43C - 19796.
Liệu hợp đồng ký kết nêu trên có hợp pháp, hợp lệ? Giải đáp thắc mắc này với chủ đầu tư, một đại diện của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng, cho biết hợp đồng nguyên tắc chỉ có chức năng thông báo việc công ty sẽ tiếp nhận các xe chở thải.
Trách nhiệm của Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng là khi được yêu cầu ký hợp đồng nguyên tắc để cho phép các doanh nghiệp đổ thải vào bãi của mình. Nhưng nhiều công ty chỉ tới làm hợp đồng nguyên tắc, sau đó sử dụng hợp đồng này để mang đi nhận thầu. Nhiều chủ đầu tư lầm tưởng đây là hợp đồng đổ thải đã ký kết với Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng.
Sau khi chở thải đến bãi rác, công ty sẽ tiếp tục ký hợp đồng kinh tế với đơn vị đổ thải như: khối lượng, đơn giá xử lý chất thải cụ thể. Từ đó, mới xuất được hóa đơn, giấy tờ chứng minh việc đối tác có vận chuyển phế thải xây dựng đến bãi rác Khánh Sơn hay không?.
Về bản hợp đồng nguyên tắc Thu gom và xử lý chất thải xây dựng số 30.09/TTKD/HĐNT ký với Trung tâm kinh doanh và tư vấn công nghệ môi trường nói trên, vị cán bộ này khẳng định: Trung tâm kinh doanh và tư vấn công nghệ môi trường chỉ là đơn vị trực thuộc, chưa đủ thẩm quyền để ký loại hợp đồng tương tự.
Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng sẽ tiếp nhận thông tin này, báo cáo lại ban giám đốc để xử lý trường hợp đơn vị cấp dưới ký hợp đồng chưa phù hợp theo phân cấp phân quyền.
Đổ phế thải xuyên đêm, xuyên tỉnh
Vì đã có chủ đích ký hợp đồng nguyên tắc về việc Thu gom và xử lý chất thải xây dựng nhằm đối phó với chủ đầu tư, Công ty TNHH MTV Hưng Thành Lộc không thể đổ thải đúng cam kết tại bãi rác Khánh Sơn.
Do vậy, đoàn xe của Công ty TNHH MTV Hưng Thành Lộc buộc phải đổ trộm phế thải xây dựng, bùn đất khoan cọc nhồi tại nhiều công trình xây dựng khu đô thị, khu dân cư ở TP. Đà Nẵng và đưa vào tỉnh Quảng Nam.
Vào lúc 15 giờ ngày 12/10, UBND xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) lập biên bản yêu cầu Công ty TNHH MTV Hưng Thành Lộc ngưng ngay việc san lấp ao nước bằng bùn đất thải ra trong quá trình khoan cọc nhồi được lấy từ công trình xây dựng trung tâm thương mại tại quận Thanh Khê. Khi để mất một nơi để đổ trộm, đoàn xe của Công ty TNHH MTV Hưng Thành Lộc chuyển hướng chở lên dự án Khu đô thị Golden Hills Đà Nẵng do Công ty Trung Nam Land (thuộc Trung Nam Group) làm chủ đầu tư.
Ghi nhận của PV Reatimes, liên tục từ ngày 24/10 đến 26/10, đoàn xe tải ben vận chuyển đất bùn thải từ công trình xây dựng trung tâm thương mại tại quận Thanh Khê đã thực hiện hàng chục chuyến đổ trộm mỗi đêm. Các chuyến vận chuyển đất bùn thải đều có điểm đến là bãi đất nằm gần đường vành đai thuộc dự án Khu đô thị Golden Hills Đà Nẵng. Trước khi vào đổ đất bùn thải, tài xế xe ben pha đèn một lượt để cảnh giới, sau đó tắt hết đèn hông, lùi xe vào bãi đổ thải.
Trong các đêm 27, 28/10, đoàn xe chuyên đổ trộm đất bùn thải bị động do các cơ quan chức năng ở TP. Đà Nẵng kiểm tra ráo riết, nên đành bỏ bãi đổ quen thuộc tại Khu đô thị Golden Hills Đà Nẵng, di chuyển vào tận Khối phố Tứ Hà, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cũng theo khung giờ nửa đêm về sáng, đoàn xe xuất phát từ đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương – Nguyễn Hữu Thọ, đi thẳng đến đường Võ Chí Công, vượt qua cầu Khuê Trung rồi rẽ trái vào đường Mai Đăng Chơn. Đến địa phận phường Điện Ngọc, đoàn xe rẽ vào đường Phạm Như Xương, đến Khu đô thị Ngân Câu Villa xả thải. Hành vi này được thực hiện khá công khai, khi sử dụng cả máy đào để tập kết đất bùn thải.
Hành trình đổ trộm tại Quảng Nam rất kỳ công với quãng đường dài hơn 17km, đi qua các quận: Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn tại Đà Nẵng. Hành vi đổ trộm phế thải xây dựng, đất bùn khoan cọc nhồi diễn ra thường xuyên, như thách thức lực lượng chức năng của cả Quảng Nam lẫn TP. Đà Nẵng. Phải đến khi bị chủ đầu tư công trình xây dựng trung tâm thương mại phát hiện việc đổ sai quy định như đã cam kết.
Cần xử lý mạnh tay
Trao đổi với PV Reatimes, LS. Nguyễn Văn Tứ, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng, cho biết Luật Bảo vệ môi trường 2020 hiện hành nghiêm cấm hành vi vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy định. Cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi trên tùy theo mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo LS. Nguyễn Văn Tứ, hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 235 Bộ luật Hình sự. Theo đó, mức hình phạt đối với cá nhân phạm tội này có thể bị phạt tiền đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định dến 5 năm. Pháp nhân phạm tội này có thể bị phạt tiền đến 20 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
Về trách nhiệm hành chính, Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, quy định: Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt sau: cảnh cáo; phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 triệu đồng đối với cá nhân và 2 triệu đồng đối với tổ chức.
Cá nhân tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với: Giấy phép xử lý chất thải nguy hại/Giấy phép xả thải khí thải công nghiệp; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Mọi hoạt động của doanh nghiệp tạo ra chất thải cần xử lý sẽ bị tạm đình chỉ cho đến khi hết thời hạn xử lý, các hoạt động khác không liên quan trong quá trình xả thải vẫn được phép tiếp tục. Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.
“Hình thức, mức phạt nêu trên là rất nghiêm khắc nhằm ngăn chặn, răn đe và xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, trên địa bàn TP. Đà Nẵng, hoạt động đổ chất thải xây dựng, bùn đất khoan cọc nhồi ra môi trường vẫn còn diễn biến tinh vi, thường xuyên cho thấy sự coi thường pháp luật của một số bộ phận cá nhân, doanh nghiệp. Cơ quan có thẩm quyền cần sớm vào cuộc để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, trả lại cảnh quan, môi trường xanh sạch cho thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, LS. Nguyễn Văn Tứ, nhận định.
Ngày 1/11, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Điện Bàn cùng UBND phường Điện Ngọc đã lập biên bản về việc tập kết đất không đúng nơi quy định tại thửa đất số 11, tờ bản đồ số 8 thuộc Khối phố Tứ Hà, phường Điện Ngọc. Yêu cầu di dời vận chuyển số bùn đất thải tập kết không đúng nơi quy định ra khỏi địa bàn và tìm nơi đổ đúng quy định của pháp luật.
Ngày 2/11, UBND xã Hòa Liên cho biết đã mời các bên liên quan đến làm việc, lập biên bản yêu cầu Công ty Trung Nam Land di dời, khắc phục số bùn đất mà Công ty TNHH MTV Hưng Thành Lộc đã đổ tại dự án Golden Hills Đà Nẵng.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/cong-ty-hung-thanh-loc-voi-hanh-trinh-tap-ket-dat-bun-thai-trai-phep-tai-da-nang-a187521.html