Trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng mới đây, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) đề nghị Bộ Xây dựng chấp thuận cho doanh nghiệp này được giữ lại tiếp tục sử dụng khu đất tại lô 10E6 khu đô thị mới Cầu Giấy (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) để tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án Vicem Tower và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến cho phép Vicem không thực hiện phương án chuyển nhượng để hoàn thiện việc đầu tư dự án.
Tại báo cáo gửi Bộ Xây dựng, Vicem nêu ra các lý do cần thiết để tiếp tục đầu tư dự án này.
Theo Vicem, trụ sở đang sử dụng tại 228 Lê Duẩn (Đống Đa, Hà Nội) là tòa nhà 8 tầng cũ đã xây dựng từ năm 1980, diện tích chật hẹp, cơ sở hạ tầng đã cải tạo sửa chữa nhiều lần. Lộ giới an toàn đường sắt cắt ngang lối vào trụ sở làm việc của Vicem tiềm ẩn rủi ro về an toàn giao thông. Do đó, nhu cầu về trụ sở làm việc mới của Tổng công ty và các đơn vị thành viên là cần thiết.
Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (Vicem Tower) nằm tại khu "đất vàng" với diện tích gần 8.500 m2 xây dựng.
Theo thiết kế, chủ đầu tư sẽ xây dựng tòa văn phòng tiêu chuẩn hạng A, cao 31 tầng nổi, 4 tầng hầm, tổng diện tích sàn khoảng hơn 78.000 m2.
Dự án Vicem Tower được xây dựng trên trục đường Vành đai 3 - Phạm Hùng, cạnh tòa nhà Keangnam, với chức năng làm trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại.
Dự án được khởi công vào năm 2011, dự kiến hoàn thành sau khoảng 3 năm nhưng chậm tiến độ, sau đó được lùi thời hạn đi vào hoạt động sang cuối năm 2017. Tổng mức đầu tư ban đầu gần 2.000 tỷ đồng, và được điều chỉnh tăng lên trên 2.700 tỷ đồng (tăng gần 800 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến nay, sau 11 năm khởi công tòa tháp mới chỉ hoàn thiện phần thô và bỏ hoang nhiều năm.
Vào cuối năm 2021, Bộ Xây dựng đã có ý kiến về đề xuất phương án “giữ lại tiếp tục sử dụng” khu đất tại lô 10E6, khu đô thị mới Cầu Giấy. Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26/11/2014, Nghị định số 91/20215 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và các Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015, Vicem không được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính).
Đồng thời, dự án Trung tâm Điều hành và giao dịch Vicem tại lô đất trên đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép Vicem chuyển nhượng tại Văn bản số 2243, ngày 10/3/2017 của Văn phòng Chính phủ.
“Do đó, để có cơ sở xem xét đề xuất “giữ lại tiếp tục sử dụng” của Vicem đối với khu đất, Bộ Xây dựng yêu cầu Vicem báo cáo làm rõ cơ sở pháp lý, hiệu quả dự án, khả năng bảo toàn vốn nhà nước và đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật đối với đề xuất này” - văn bản của Bộ Xây dựng nêu.
Liên quan đến dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem, hồi tháng 7/2020, Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng về việc cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ cho việc điều tra, xác minh một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Vicem trong việc đầu tư dự án này.
Để phục vụ công tác điều tra, xác minh, Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp có ý kiến chỉ đạo Thanh tra Bộ Xây dựng và các đơn vị trực thuộc cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu gồm: các văn bản, chủ trương, chỉ đạo của Bộ Xây dựng và tình trạng hiện nay của dự án trên.
Cơ quan chức năng cũng yêu cầu cung cấp các tài liệu về kết quả thanh tra, việc xử lý kết quả sau thanh tra (trong đó có vai trò cá nhân có liên quan) của Thanh tra Bộ Xây dựng đối với dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/can-canh-sieu-du-an-de-sat-gi-set-ma-vicem-xin-giu-lai-de-trien-khai-tiep-a187637.html