Mới đây, NSƯT Xuân Hinh gây tranh cãi khi biểu diễn giả gái bằng cách mặc váy ngắn, nhảy múa tại chùa Sùng Minh (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương). Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng lên tiếng cho rằng, đây là một hành động phản cảm, cần nhắc nhở. Trong khi đó, đơn vị tổ chức cho biết sẽ "rút kinh nghiệm sâu sắc".
PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang để rộng đường dư luận:
Mới đây, nghệ sĩ Xuân Hình khiến nhiều khán giả bất bình khi ăn mặc giả gái, nhảy múa tại chùa Sùng Minh. Là một nhà nghiên cứu văn hoá, anh đánh giá thế nào về sự việc này?
- Đây là điều đáng tiếc đối với một nghệ sĩ gạo cội như NSƯT Xuân Hinh. Xuân Hinh là nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn tới công chúng, được công chúng yêu mến tặng cho danh xưng "Vua hài đất Bắc". Là nghệ sĩ hài, việc hóa trang và kèm theo phục trang trên sân khấu là điều không thể thiếu nhằm mục đích mang tiếng cười đến với mọi người. Tuy nhiên, không phải "sân khấu" nào Xuân Hinh cũng có thể có những "tạo hình" tự do theo chủ quan.
Mỗi vai diễn cần phù hợp với đặc trưng văn hoá, tín ngưỡng và gu thưởng thức thẩm mỹ từng vùng. Đình, chùa là chốn tôn nghiêm, thanh tịnh, vì vậy những vai diễn mang hơi thở tín ngưỡng, tôn giáo là điều cần đặt lên hàng đầu, chứ không thể bất chấp bằng mọi cách chỉ để "làm tròn vai diễn" được. Việc công chúng, dư luận phản ứng gay gắt đối với vai diễn "giả gái" của Xuân Hinh cũng là điều dễ hiểu.
Trong phần trả lời giải trình trên một số tờ báo, Xuân Hinh cho rằng anh diễn theo yêu cầu của khán giả, cũng được phép của ban tổ chức nên không có gì phải tranh cãi. Theo anh, lời giải thích này có hợp lý?
- Tôi cho rằng, quan điểm trên của Xuân Hinh là không thỏa đáng, có phần bao biện. Dù có thể công chúng yêu cầu, ban tổ chức đề nghị thì trách nhiệm nghệ sĩ với văn hóa, tôn giáo cũng không cho phép anh đưa các yếu tố "tục giới" lên "sân khấu chốn tâm linh" được.
Có thể khán giả xuề xòa, lãnh đạo đình, chùa, chính quyền bất cẩn, không sâu sắc nhưng danh tiếng của Xuân Hinh thì không thể dễ dàng với những cảm xúc, gu thẩm mỹ, chiều khán giả theo kiểu "tự nhiên chủ nghĩa" được. Mang tiếng cười đến với mọi người nhưng cũng cần đóng khung nó trong các giới hạn văn hóa.
Trách nhiệm chính trong sự việc này, thuộc về nghệ sĩ hay ban tổ chức, thưa anh?
- Theo tôi là cả hai. Nhưng với một nghệ sĩ tên tuổi như Xuân Hinh thì anh có quyền từ chối đề nghị không diễn những tác phẩm không phù hợp với môi trường tôn giáo hoặc chuyển đổi tác phẩm, chuyển đổi vai diễn khác phù hợp hơn. Còn với ban tổ chức, họ cần rút kinh nghiệm sâu sắc về vụ việc này.
Việc lựa chọn trang phục phù hợp với những không gian văn hóa tâm linh tuy là điều không mới, nhưng thi thoảng lại có những sự việc gây xôn xao trong xã hội. Nhiều người bị lên án là những người nổi tiếng, thậm chí là các nghệ sĩ gạo cội. Theo anh, điều này có ảnh hưởng như thế nào?
- Điều dễ thấy đầu tiên là yếu tố trang nghiêm tôn giáo bị suy giảm. Dù cuộc sống hiện đại có thay đổi đến đâu, nhu cầu con người có cao cấp đến đâu thì cảnh giới giữa yếu tố tâm linh, tôn giáo với yếu tố thế tục cũng cần được phân tách rạch ròi. Chốn đình, chùa là nơi tu tập, tĩnh tâm chứ không thể là sân khấu của "hài kịch thị trường".
Một điều ảnh hưởng không nhỏ nữa đó là giá trị thanh khiết, đạo hạnh của những "tu sĩ" trong chùa theo đó cũng bị suy giảm. Tục hóa bất cứ điều gì thì có thể cân nhắc, nhưng tục hóa thế giới tâm linh, tôn giáo là điều khó có thể chấp nhận. Sự việc ở chùa Sùng Minh (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) là điều đáng tiếc nhưng cũng là lời cảnh tỉnh cho các nghệ sĩ khác về sự cân bằng giữa sân khấu thế tục và sân khấu chốn tâm linh, không phải sân khấu nào yếu tố "thị trường hóa nghệ thuật" cũng có thể phơi bày, tồn tại được.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/phan-giai-thich-cua-nghe-si-xuan-hinh-co-phan-bao-bien-a187800.html