Tập đoàn Bảo Việt: Lợi nhuận đi xuống, cơ cấu vốn tiếp tục mất cân đối

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, chi phí kinh doanh bảo hiểm tại Tập đoàn Bảo Việt tăng khiến lợi nhuận giảm nhẹ. Nợ phải trả chiếm gần 88% tổng nguồn vốn, nợ dài hạn tiếp tục vượt tài sản dài hạn. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này là 7,2 lần.

Lợi nhuận tại Tập đoàn Bảo Việt tăng trưởng âm

Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2022. Theo đó, doanh thu thuần quý 3/2022 đạt 10.048 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng chi hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 15% lên 10.030 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận gộp đạt 18,4 tỷ đồng, chỉ bằng 6,5% cùng kỳ.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của Bảo Việt là 2.474 tỷ đồng, tăng 21,5%. Trong khi chi phí tài chính tăng từ 189 tỷ đồng lên 432 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng cũng tăng 12,1% lên gần 603 tỷ đồng.

Khấu trừ các khoản chi phí, lãi sau thuế tại Bảo Việt đạt 408 tỷ đồng, giảm gần 14%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm doanh thu Bảo Việt đạt 30.110 tỷ đồng, tăng 10,5%. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.250 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thuộc về Cổ đông Công ty mẹ giảm hơn 12% xuống còn 1.187 tỷ đồng. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 9 tháng giảm 11% còn 1.599 đồng.

loi-nhuan-sau-thue-theo-quy-cua-tap-doan-bao-viet-thoi-gian-gan-day-1667615822.jpg
 

Về các lĩnh vực kinh doanh, tại lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, kết thúc quý 3/2022, tổng doanh thu của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đạt 8.373 tỷ đồng, tăng trưởng 10,2%. Lợi nhuận sau thuế 172 tỷ đồng, tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.

Ở mảng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ ghi nhận mức tăng trưởng 11,1% với tổng doanh thu đạt 30.570 tỷ đồng, tiếp tục dẫn đầu về tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ. Lợi nhuận sau thuế đạt 730 tỷ đồng, tăng trưởng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021.

9 tháng đầu năm 2022, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đóng góp 676 tỷ đồng doanh thu và 165 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho Tập đoàn.

Đối với lĩnh vực quản lý quỹ, tại thời điểm 30/9/2022, Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt (BVF) ghi nhận tổng tài sản quản lý ròng đạt 107.997 tỷ đồng, tăng trưởng 12,1% so với thời điểm 31/12/2021. Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm của BVF đạt 96 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 39 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 15% và 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Cơ cấu vốn mất cân đối, nợ dài hạn tiếp tục vượt quá tài sản dài hạn

Bên cạnh kết quả kinh doanh, tình hình tài chính tại Bảo Việt cũng không mấy sáng sủa.

Cụ thể, trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Tập đoàn Bảo Việt tính đến ngày 30/9/2022 đạt 190.853 tỷ đồng, tăng gần 13% so với số đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm tới 60% với mức gần 115.120 tỷ đồng, tăng 16%; Tài sản dài hạn chiếm 40% đạt hơn 75.733 tỷ đồng, tăng nhẹ 8%.

Tuy có tăng quy mô nhưng nguồn vốn tại Bảo Việt lại mất cân đối khi chủ yếu hình thành từ nợ phải trả chiếm gần 88%, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 12%.

Cụ thể, tính đến 30/9/2022, nợ phải trả tại Tập đoàn Bảo Việt tăng 14% so với đầu năm, lên 167.688 tỷ đồng, chiếm tới 88% tổng tài sản (bao gồm nợ ngắn hạn phải trả ghi nhận 25.573 tỷ đồng và nợ dài hạn phải trả ghi nhận 142.115 tỷ đồng). Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ ở mức 23.165 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 7,2 lần. Bảo Việt đang sử dụng đòn bẩy nợ cao, hầu hết tài sản của doanh nghiệp này được tài trợ bởi nợ.

co-cau-von-mat-can-doi-tai-tap-doan-bao-viet-1667615847.jpg

Trong khi khối nợ ngày càng phình to thì vốn của Tập đoàn Bảo Việt lại rất nhỏ hẹp.

no-vay-tai-chinh-tai-bao-viet-tinh-den-30-thang-9-nam-2022-co-xu-huong-giam-1667615882.jpg
Nợ vay tài chính tại Bảo Việt tính đến 30/9/2022 có xu hướng giảm (nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2022).

Thậm chí, tính đến 30/9/2022, nợ dài hạn phải trả (142.115 tỷ đồng) cao gấp gần 2 lần tài sản dài hạn (75.733 tỷ đồng). Thực tế, tình trạng nợ dài hạn vượt quá tài sản dài hạn tại Bảo Việt đã kéo dài nhiều năm qua, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Nếu phần tài sản dài hạn liên tục nhỏ hơn nợ dài hạn chứng tỏ một phần nợ dài hạn đã bị doanh nghiệp chuyển vào tài trợ tài sản ngắn hạn. Điều này thực sự vừa làm lãng phí chi phí lãi vay nợ dài hạn vừa thể hiện sử dụng sai mục đích nợ dài hạn. Nếu Bảo Việt tiếp tục để tình trạng này kéo dài chắc chắn sẽ khiến lợi nhuận kinh doanh bết bát hơn nữa hoặc xảy ra những rối loạn tài chính doanh nghiệp nghiêm trọng.

no-dai-han-cua-tap-doan-bao-viet-vuot-qua-tai-san-dai-han-1667615938.jpg
 

Đáng nói, tình trạng lệ thuộc vào vốn vay của Bảo Việt thể hiện rất rõ qua dòng tiền tài chính của doanh nghiệp này. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2022, tiền thu từ đi vay ghi nhận 64.028 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 chỉ ở mức 27.105 tỷ đồng và tiền trả nợ gốc vay hơn 60.971 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 ghi nhận 25.070 tỷ đồng.

Tập đoàn Bảo Việt hiện đang thiếu vốn

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 diễn ra cuối tháng 6/2022, Tập đoàn Bảo Việt lên kế hoạch kinh doanh cho Công ty mẹ gần như đi ngang với tổng doanh thu 1.530 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 1.050 tỷ đồng.

Về phương án phân phối lợi nhuận, Tập đoàn dự kiến dùng toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2.246 tỷ đồng chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 30.261%.

tap-doan-bao-viet-1667615967.jpg
 

Tại phần thảo luận, ban chủ tọa có chia sẻ về việc nâng cao vốn cho Tập đoàn Bảo Việt trong thời gian tới. Vốn điều lệ hiện tại là 7.423 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 18.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 14.000 tỷ đồng dùng để đầu tư cho các công ty con và công ty liên kết, 2.200 tỷ đồng sắp tới dùng để chi trả cổ tức và 2.000 tỷ đồng còn lại từ đợt phát hành riêng lẻ năm 2019.

Đại diện ban chủ tọa đánh giá Tập đoàn Bảo Việt đang yếu về vốn. Đặc biệt là Bảo Việt Nhân Thọ có vốn mỏng, hiện xếp thứ 8 về vốn trong 18 công ty trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, dù năm 2015 là đơn vị có vốn lớn nhất thị trường này.

Như vậy, nhu cầu vốn cho giai đoạn sắp tới là hết sức cấp thiết. Trong khoảng 10 năm tới, nhu cầu vốn của Bảo Việt cần đến 45.000 tỷ đồng. Để giải quyết bài toán thiếu vốn, ban chủ tọa có đưa ra 4 giải pháp. Từ nay đến năm 2025, tập đoàn sẽ nghiên cứu và báo cáo hai cổ đông lớn là Bộ Tài chính và Sumitomo Life về việc cổ phần hóa Tổng CTCP Bảo Việt và Bảo Việt Nhân Thọ.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đề cập đến việc giảm tỷ lệ vốn Nhà nước. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tỷ lệ vốn Nhà nước từ nay đến năm 2025 vốn Nhà nước vẫn sẽ giữ nguyên ở mức 65%. Đến giai đoạn từ 2026 đến 2030, cổ đông Nhà nước là Bộ Tài chính sẽ xem xét giảm tỷ lệ vốn nhà nước từ 65% về 51%. Khi giảm như vậy, Bộ Tài chính có thể kết hợp các phương án, bao gồm việc nhượng quyền tăng vốn cho các cổ đông hiện hữu, và giữ nguyên tỷ lệ sở hữu khi tập đoàn phát hành riêng lẻ.

Đại diện ban chủ tọa cũng đề cập giải pháp kết hợp hai phương án trên, Bộ Tài chính bán vốn Nhà nước song song với việc tập đoàn phát hành riêng lẻ, qua đó tăng vốn điều lệ cho Tập đoàn Bảo Việt.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tap-doan-bao-viet-loi-nhuan-di-xuong-co-cau-von-tiep-tuc-mat-can-doi-a187856.html