Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chiều ngày 3/11, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đã tranh luận chuyện sau di dời có tình trạng sử dụng quỹ đất để xây chung cư, TTTM, văn phòng gây áp lực hạ tầng giao thông.
Đại biểu này dẫn ví dụ về nhà máy in Tiến Bộ, sau di dời thì lại được xây trung tâm thương mại, hoặc khu "đất vàng" ở phố Trần Phú (Hà Nội) của CTCP Thiết bị Bưu điện 61 là công trình cao tầng 11 tầng, đồng thời đề nghị Bộ trưởng "cho biết chúng ta thực hiện đúng theo quy định trong Quyết định 130 hay chưa?".
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Quyết định 130 của Chính phủ đã xác định rõ nguyên tắc sử dụng quỹ đất của các trụ sở sau khi di dời. Trong đó ưu tiên phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị; đảm bảo cân bằng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; không được sử dụng xây chung cư cao tầng sai quy hoạch. Nguyên tắc thứ 2 là đấu giá công khai theo quy định, tạo kinh phí tái đầu tư sau di dời, nguyên tắc thứ 3 là các công trình xây dựng có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc cần được bảo tồn, phục chế theo quy định của luật di sản văn hóa, ưu tiên sử dụng cho mục đích công cộng.
"Trong 3 nguyên tắc sử dụng quỹ đất sau di dời như đã báo cáo với Quốc hội, có nguyên tắc không sử dụng để xây dựng nhà ở cao tầng sai quy hoạch. Trong quá trình rà soát tổng thể, nếu đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch phê duyệt và quy hoạch này trong quá trình lập thẩm định phê duyệt quy hoạch cũng đảm bảo theo quy định pháp luật và đảm bảo đúng quy trình, chất lượng, điều kiện hạ tầng… nếu đảm bảo đúng thì có thể triển khai thực hiện. Tuy nhiên, nguyên tắc sử dụng theo Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ với quỹ đất sau di dời tương đối rõ và hiện chúng ta đang triển khai theo nguyên tắc đó", Bộ trưởng Xây dựng nêu.
Như Nhadautu.vn đã từng đề cập, khu đất vàng gần quảng trường Ba Đình rộng 9.078 m2 được giao cho CTCP Thiết bị Bưu điện (Postef) làm trụ sở và sản xuất từ năm 1996, có vị trí đặc biệt đắc địa với 4 mặt tiền Trần Phú, Hùng Vương, Nguyễn Thái Học và Lê Trực, nằm ở trung tâm hành chính Ba Đình, cách không xa Lăng Bác và toà nhà Quốc hội.
Giữa thập niên trước, Postef từng dự định xây dựng khu đất này trở thành trung tâm công nghệ cao và trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D). Tuy nhiên chỉ ít năm sau, trong cơn sốt chuyển đổi nhà máy, xí nghiệp thành đất thương mại, Postef đã quyết định mang khu đất 61 Trần Phú đi góp vốn triển khai dự án bất động sản.
Để thực hiện dự án, tháng 12/2011, Postef đã cùng với liên danh CTCP Liên Việt Holdings – CTCP Him Lam ký hợp đồng hợp tác với tổng mức đầu tư. Theo đó, vốn góp của dự án là 1.039,2 tỷ đồng, tổng mức đầu tư là 3.200 tỷ đồng. POT góp bằng lợi thế quyền sử dụng đất – tương đương 530 tỷ đồng (51%), đối tác của POT góp 49% tỷ đồng còn lại.
Đến ngày 24/6/2017, UBND TP. Hà Nội có quyết định số 3841/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trên khu đất "kim cương" 61 Trần Phú với tổng diện tích ô đất nghiên cứu là 9.078 m2.
Sau đó đến năm 2018, Postef đã nộp 605 tỷ đồng tiền thuê đất cho diện tích dự án là 7.523 m2, đồng thời, thực hiện nộp tiền ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án. Trong nửa đầu năm 2019, công ty đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho lô đất này (50 năm) với mục đích sử dụng mới.
Khi thủ tục pháp lý của khu đất cơ bản được hoàn tất, Postef bất ngờ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 (AGM 2019) chủ trương chuyển nhượng toàn bộ dự án ở 61 Trần Phú. Việc thoái vốn sẽ được thực hiện theo hình thức đấu giá công khai, với kỳ vọng mang về lợi ích lớn nhất.
Tuy nhiên, AGM 2021 của Postef đã thông qua việc tạm dừng chủ trương chuyển nhượng dự án và đến AGM 2022, công ty này cho biết đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục để khởi công Dự án Công trình đa chức năng 61 Trần Phú. Vào tháng 3/2022, dự án đã được quây kín phục vụ cho việc phá dỡ và thi công.
Dù vậy, động thái này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối vì lo ngại rằng công trình thay thế gồm tổ hợp thương mại, dịch vụ và khách sạn cao cấp cao 11 tầng có thể phá vỡ cảnh quan kiến trúc của Khu trung tâm chính trị Ba Đình.
Do vậy, đến ngày 6/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có chỉ đạo, yêu cầu UBND TP. Hà Nội khẩn trương có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công công trình tại số 61 Trần Phú đồng thời tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án này. Kết quả thực hiện chỉ đạo báo cáo về Thường trực Thành ủy trước ngày 8/4/2022.
Cùng ngày, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội trước mắt tạm dừng thi công; rà soát về các chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 phố Trần Phú đảm bảo tuân thủ quy định, phù hợp với quy hoạch, không gian, kiến trúc, cảnh quan Khu trung tâm chính trị Ba Đình. Đồng thời nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phản ánh để có giải pháp thực hiện phù hợp, công bố thông tin đầy đủ, đảm bảo công khai, minh bạch.
Đến ngày 11/5, UBND TP. Hà Nội cho biết đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra các vấn đề liên quan đến công trình xây dựng tại số 61 Trần Phú. Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy chủ đầu tư dự án làm đúng quy hoạch, quy trình và thủ tục. Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp và sẽ báo cáo trung ương cho tiếp tục triển khai dự án. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến nhân dân và chuyên gia, thành phố sẽ đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh một số nội dung.
Sau đó vào ngày 17/5, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản số 1485/UBND-ĐT báo cáo Bộ Xây dựng về việc rà soát tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình đa chức năng Postef tại khu đất này.
Đánh giá tác động của dự án, UBND TP. Hà Nội cho biết, chức năng và các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của đồ án đã được các đơn vị tổ chức lập, thẩm định đồ án phân tích, đánh giá mức độ ảnh hưởng, cân đối hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại khu vực trước khi đưa ra định hướng quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua đó sẽ không làm gia tăng áp lực lên hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật của khu vực xung quanh.
Về phía chủ đầu tư, Postef cam kết sẽ giữ gìn nguyên trạng, bảo vệ bức phù điêu tại đúng vị trí trước khi công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng, theo đúng chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội. Đồng thời, để lựa chọn được phương án kiến trúc đạt được các tiêu chí đề ra, đơn vị nhất trí tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc theo đúng Nghị định số 85 của Chính phủ.
Còn đối với lô đất số 175 Nguyễn Thái Học, đây được coi là mảnh đất vàng, đất kim cương còn sót lại ở Hà Nội. Khu đất rộng 3,2ha này nằm ngay bên Quảng trường Ba Đình và các địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng tại Hà Nội như Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hồ Tây.
Như đã từng đề cập, lô đất này ban đầu là Trại giam Nhà Tiền – nơi thực dân Pháp giam cầm hàng nghìn chiến sỹ yêu nước trung kiên. Đến tháng 10/1954 (tức 5 tháng sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử), Nhà In Tiến Bộ đã được Uỷ ban Quân quản Thủ đô ưu tiên cho tiếp quản toàn bộ trại giam để cải tạo xây dựng một pháo đài văn hoá.
Đến tháng 7/2019, In Tiến Bộ và CTCP TID đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh dự án Tiến Bộ Plaza trên mảnh đất này. Dự án là tổ hợp công trình hỗn hợp khách sạn 5 sao, khách sạn căn hộ, văn phòng (ngoại trừ diện tích 1.000 m2 văn phòng của In Tiến bộ) và trung tâm thương mại, cây xanh, dịch vụ công cộng.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/du-an-moc-len-sau-khi-di-doi-cac-nha-may-bo-truong-bo-xay-dung-noi-gi-a187859.html