Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành cao với việc ban hành Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Các đại biểu cho rằng, việc này nhằm bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước về quản lý phương tiện giao thông; đáp ứng mong mỏi người dân; hài hòa lợi ích cá nhân, doanh nghiệp và nhà nước.
Quang cảnh phiên họp.
Các đại biểu cho rằng, đây là nghị quyết thí điểm được thực hiện trong 3 năm, có thể tạo thêm khoản thu vài ngàn tỷ đồng mỗi năm. Do đó, các đại biểu bày tỏ mong muốn những nội dung có tính khả thi cao sẽ được đưa vào nghị quyết, vừa tăng thêm nguồn thu, thỏa mãn nhu cầu của người đấu giá, vừa có thêm căn cứ vững chắc để đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật có tính ổn định lâu dài sau khi kết thúc thí điểm.
Đề xuất bổ sung những biển số bắt buộc đấu giá, giá khởi điểm là 200 triệu đồng
Góp ý về dự thảo nghị quyết, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho biết, qua quan sát, nhận thấy người dân chia số đẹp thành 2 nhóm, nhóm theo quan niệm dân gian, có các số 39, 79, 68 và nhóm các số sắp xếp theo quy tắc khoa học 12121, 88899.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định).
Sau khi Quốc hội thông qua Luật Sử dụng, quản lý tài sản công năm 2017, Bộ Công an đã đề xuất cho đấu giá các biển số gồm 5 chữ số giống nhau, 4 chữ số giống nhau, 3 chữ số giống nhau, số sau lớn hơn số trước, đây là nhóm sắp xếp theo quy tắc khoa học.
“Thực tế, nhóm số được đa số người dân yêu thích khi gắn vào ô tô đã giúp giá trị của xe ô tô tăng lên rất nhiều; có xe 800 triệu đồng nhưng khi có được biển số 5 số 9 đã bán lại 1,7 tỷ đồng. Với quy định cho phép người trúng đấu giá được giữ lại biển số cho các xe tiếp theo của mình thì người dân sẽ đấu giá cao hơn giá trị gia tăng trước đây”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phân tích.
Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào nghị quyết nhóm số có các chữ số được sắp xếp theo quy tắc khoa học, có số lượng hạn chế trong tổng kho số là những số bắt buộc đấu giá. Những số này sẽ có mức giá khởi điểm là 200 triệu đồng.
Đại biểu cho rằng, đề xuất này có tính khả thi cao, vì theo cơ quan soạn thảo thì giá khởi điểm bình quân khoảng 5% giá trị xe. Hiện nay, Việt Nam có nhiều dòng xe sang có giá từ 3 tỷ đồng đến 40 tỷ đồng, nếu tính theo 5% thì sẽ là 150 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, nên mức giá 200 triệu đồng là hợp lý.
Giá khởi điểm đấu giá nên ở mức thấp hơn
Ở góc độ khác, tranh luận về áp dụng giá khởi điểm của một biển số ô tô đưa ra đấu giá chung trong cả nước nên ở mức nào, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang) cho rằng, giá khởi điểm nên bắt đầu ở mức thấp hơn.
Bởi lẽ, đại biểu cho rằng, việc giá khởi điểm thấp hơn sẽ tạo cơ hội để nhiều người dân quan tâm có thể tham gia vào việc đấu giá lựa chọn biển số xe ô tô phù hợp với sở thích riêng của cá nhân.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang).
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cũng nhận thấy, làm như vậy thực hiện được mục tiêu là đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu, đồng thời sẽ thu hút để có đông người tham gia và tăng nguồn thu cho ngân sách của nhà nước.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, khi mức giá khởi điểm thấp hơn sẽ tạo thêm cơ hội cho người dân ở các vùng, miền khác nhau, kể cả những vùng có điều kiện kinh tế, mức sống chưa cao được cùng tham gia lựa chọn biển số xe ô tô theo nhu cầu, sở thích của mình. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị cần tham khảo thêm kinh nghiệm của quốc tế và lắng nghe ý kiến của người dân về vấn đề này.
Theo dự thảo nghị quyết, mức khởi điểm đấu giá biển số ô tô được chia làm hai vùng: Vùng 1 gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với mức 40 triệu đồng; vùng 2 là các địa phương còn lại với mức 20 triệu đồng.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dau-gia-bien-so-xe-o-to-gia-khoi-diem-the-nao-la-hop-ly-a188346.html