Nợ vay gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu
Báo cáo tài chính của Petrosetco cho thấy, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong quý I và quý II/2022 lần lượt âm 401,3 tỷ đồng và âm 162 tỷ đồng. Trong quý III/2022, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này tiếp tục âm 257 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Petrosetco tại cuối quý III/2022 lên tới 2,2 lần, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Ngoài ra, tại thời điểm cuối quý III/2022, Petrosetco có 2.288 tỷ đồng hàng tồn kho, nhưng có tới 2.290 tỷ đồng phải trả người bán và 39,8 tỷ đồng chi phí phải trả ngắn hạn. Như vậy, toàn bộ hàng tồn kho của Petrosetco được tài trợ bằng các khoản tín dụng thương mại.
Những số liệu trên cho thấy hoạt động kinh doanh của Tổng công ty không tạo ra dòng tiền và áp lực nợ vay đang ngày càng cao. Điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro thanh toán ngắn hạn cho Petrosetco nếu doanh nghiệp không đảm bảo tốc độ bán hàng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Petrosetco chủ yếu phát sinh dư nợ vay ngắn hạn. Tính đến cuối quý III/2022, khối nợ này của Tổng công ty tăng 25% so với đầu năm, đạt 4.445 tỷ đồng. Đây chủ yếu là các khoản vay ngân hàng và phát hành thư tín dụng không có tài sản bảo đảm nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động kinh doanh. Lãi suất tiền vay được xác định theo lãi suất do các ngân hàng công bố tại thời điểm giải ngân hoặc lãi suất điều chỉnh theo lãi suất thỏa thuận.
Tháng 9/2022, HĐQT Petrosetco đã thông qua phương án chào bán hơn 44,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/CP. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu (dự kiến là 673,7 tỷ đồng) sẽ được Petrosetco dùng để trả nợ ngân hàng theo hợp đồng tín dụng hạn mức liên quan đến nghĩa vụ thanh toán cho nhà cung cấp Apple. Cụ thể, Petrosetco sẽ trả nợ tại BIDV số tiền 300 tỷ đồng, tại MBBank là 273,7 tỷ đồng và 100 tỷ đồng nợ Vietcombank. Thời gian giải ngân dự kiến từ quý IV/2022 đến quý II/2023.
Áp lực kép từ giá cổ phiếu giảm sâu
Kết thúc 9 tháng đầu năm nay, Petrosetco ghi nhận 12.830 tỷ đồng doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế giảm 7,2%, ở mức 220,5 tỷ đồng.
Chi phí tài chính tăng cao là một trong các nguyên nhân chính làm giảm lợi nhuận của Petrosetco. Trong chi phí tài chính, ngoài lãi vay tăng 60,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 95,8 tỷ đồng, Petrosetco ghi nhận thêm 60,4 tỷ đồng chi phí tài chính khác và 125,7 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán.
Tại thời điểm cuối quý III/2022, khoản mục chứng khoán kinh doanh của Petrosetco có giá gốc hơn 347,2 tỷ đồng, giảm hơn 72 tỷ đồng so với cuối quý trước. Doanh nghiệp này đã trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán 166,3 tỷ đồng, tương đương tạm lỗ 47,9% tổng danh mục. Báo cáo tài chính quý III/2022 không thuyết minh cụ thể cơ cấu danh mục đầu tư chứng khoán của Petrosetco. Còn tại thời điểm cuối quý II/2022, Petrosetco đã phải gồng lỗ hàng chục tỷ đồng với các cổ phiếu GEX của Công ty CP Tập đoàn GELEX, cổ phiếu VIX của Công ty CP Chứng khoán VIX, cổ phiếu VGS của Công ty CP Ống thép Việt Đức VG PIPE...
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/11, cổ phiếu PET tiếp tục giảm sàn, về mức 20.600 đồng/CP, chưa bằng 1/3 mức đỉnh 67.800 đồng/CP đạt được vào 4/4/2022. Nếu PET tiếp tục đà giảm giá, phương án gọi vốn từ cổ đông của Tổng công ty có nguy cơ khó thành hiện thực.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/petrosetco-ap-luc-kep-tu-no-vay-va-lo-chung-khoan-a188544.html