Sáng 8/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 trước Quốc hội.
Từ ngày 1/10/2021 đến 30/9/2022, Bộ Công an điều tra 35.438 vụ phạm tội về trật tự xã hội (trong đó án rất nghiêm trọng là 95,12%, án đặc biệt nghiêm trọng 96,27%), triệt phá 809 băng, nhóm tội phạm hình sự liên quan hoạt động “tín dụng đen”, bắt và vận động đầu thú 5.829 đối tượng truy nã (1.354 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm)...
"Về cơ bản, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; hầu hết loại tội phạm đều giảm", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Về tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ trưởng Công an cho biết, năm vừa qua phát hiện 5.117 vụ phạm tội về kinh tế, 523 vụ tham nhũng và chức vụ (tăng 40,97% so với 2021). Bộ Công an khởi tố 2.390 vụ án với 4.135 bị can.
Các vụ phạm tội chủ yếu tập trung ở lĩnh vực chứng khoán như: Vụ án Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC, vụ Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch tập đoàn Louis Holdings, vụ Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty cổ phần ASA... Bộ cũng phát hiện nhiều sai phạm trong công tác phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, y tế, đất đai, tài chính, ngân hàng...
Về tội phạm môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, ông Lâm cho hay, nổi lên là các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; xả nước thải, khí thải, vi phạm về quản lý chất thải nguy hại; tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề; khai thác, vận chuyển trái phép tài nguyên, khoáng sản. Số vụ phát hiện giảm 39,54%, song số vụ khởi tố mới tăng 29,34%.
Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá, hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm trong năm 2022 còn hạn chế. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, công tác tạm giữ, tạm giam vẫn còn xảy ra. Số người chết do tai nạn giao thông tăng, cháy nổ còn nhiều. Vi phạm hành chính còn diễn ra phổ biến trên nhiều lĩnh vực.
Người đứng đầu Bộ Công an chỉ ra nguyên nhân của việc trên do đại dịch COVID-19 đã tác động đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm gia tăng nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật. Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở và người đứng đầu một số nơi chưa phát huy tốt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm. Năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, năm 2023, ông Lâm kiến nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị chủ động nắm, phân tích, dự báo sát tình hình từ sớm, từ xa; kịp thời tham mưu với Đảng, Quốc hội chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự, tăng cường đấu tranh các loại tội phạm, vi phạm pháp luật; triển khai toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Báo cáo tại Quốc hội ngày 8/11, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2022, các tòa án giải quyết 88,9% số các vụ việc đã thụ lý, cao hơn năm trước 7,7%.
Về án hình sự, tòa án giải quyết 97,71% số vụ đã thụ lý, vượt 9,71% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội. Việc xét xử bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Chất lượng tranh tụng được bảo đảm.
Bên cạnh các kết quả nêu trên, hoạt động của tòa án còn có hạn chế, thiếu sót như tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan vẫn còn cao; vẫn còn một số ít vụ việc dân sự quá hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan; một số cán bộ không chịu rèn luyện đã vi phạm pháp luật và kỷ luật công tác.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/hon-5000-vu-an-kinh-te-nhieu-sai-pham-ve-chung-khoan-trai-phieu-a188790.html