Hôm 10/11/2022, tướng Sergei Surovikin, vị tướng mới được bổ nhiệm làm Tư lệnh nhóm lực lượng liên hợp trong khu vực hoạt động quân sự đặc biệt của Nga thông báo, quân đội Nga rút khỏi hữu ngạn sông Dnepr và hình thành các vị trí phòng thủ ở bờ trái con sông này.
Ông Surovikin cho biết, dưới sự tấn công mãnh liệt của hỏa lực Ukraine, thành phố Kherson và các khu dân cư liền kề không thể cung ứng đầy đủ và đảm bảo chức năng sống trong điều kiện hiện tại, cuộc sống của cư dân thường xuyên gặp nguy hiểm do đối phương pháo kích.
Vị tướng chỉ huy lưu ý rằng, các cuộc tấn công từ hệ thống HIMARS đã làm hư hỏng cây cầu Antonovsky nối hai bờ trái-phải Kherson qua sông Dnepr, cũng như nhà máy thủy điện Kakhovka gần đó, điều này làm phức tạp tình hình giao thông và gây ra các vấn đề khó khăn việc cung cấp thực phẩm và điện.
Ngoài ra, ông Surovikin còn tiết lộ việc Moscow có thông tin tình báo cho hay Kiev đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công tên lửa lớn vào đập Kakhovka, cũng như các cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo binh bừa bãi nhằm vào thành phố Kherson và dân số hơn 180.000 người trong đó.
Vào hôm 10/11, tướng Surovikin cho rằng, đã đến thời điểm để đưa ra quyết định như vậy, dựa trên nhu cầu giữ gìn mạng sống của nhóm quân nhân Nga bị cô lập hoàn toàn ở bờ phải sông Dnepr và cả mối đe dọa bổ sung sẽ phát sinh đối với dân thường nếu đập Kakhovka bị phá hủy.
Trong điều kiện này, phương án thích hợp nhất là tổ chức phòng thủ dọc theo phòng tuyến sông Dnepr, để bảo toàn lực lượng, quan trọng nhất là bảo vệ tính mạng của các binh sĩ và nói chung là khả năng chiến đấu của nhóm quân, đang phòng thủ bên bờ phải trong một khu vực bị hạn chế nhiều mặt.
Vị tướng này cũng nhấn mạnh, các kế hoạch và hành động trong tương lai của Moscow liên quan đến thành phố Kherson sẽ phụ thuộc vào sự phát triển của tình hình chiến thuật-quân sự, nhưng việc bị buộc phải rút khỏi hữu ngạn sông Dnepr không đồng nghĩa với việc Nga đã thất bại.
Sau khi Nga rút khỏi Kherson, giới truyền thông phương Tây bất ngờ rầm rộ đưa tin về triển vọng các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga với Ukraine, hoặc chí ít cũng là một thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã ký sắc lệnh thi hành quyết định của Hội đồng Quốc phòng và an ninh quốc gia (NSDC) Ukraine về việc không tổ chức các cuộc đàm phán với Nga và không tổ chức bất kỳ cuộc đàm phán nào với Moscow trong thời gian ông Vladimir Putin còn làm Tổng thống Nga.
Tờ báo Ý “la Repubblica” hôm 10/11 viết rằng, Nhà Trắng và các đồng minh trong NATO đang thảo luận về các điều kiện để có thể nối lại đối thoại giữa Moscow với Kiev. Vì vậy, Lầu Năm Góc đã từ chối cấp UAV trinh sát tấn công MQ-1C Grey Eagle cho Ukraine để dọn đường đàm phán.
Tờ Washington Post dẫn các nguồn tin nắm rõ tiến trình thảo luận cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang yêu cầu riêng ban lãnh đạo Ukraine thể hiện “sự cởi mở hơn” trong các cuộc đàm phán với Nga.
Còn tờ báo Mỹ The Wall Street Journal dẫn các nguồn tin cho biết, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan trong thời gian qua đã hội đàm bí mật với phụ tá tổng thống Nga về các vấn đề quốc tế Yuri Ushakov và Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev.
Theo các nguồn tin tiết lộ với truyền thông Mỹ, mục đích của các cuộc đàm phán Nga-Mỹ là nhằm ngăn chặn sự leo thang của xung đột ở Ukraine, bao gồm cả mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân công suất thấp, cũng như duy trì các kênh liên lạc cởi mở giữa hai nước.
Theo một trong những nguồn tin, chính quyền của ông Vladimir Zelensky đã thay đổi lập trường từ chối đàm phán với Nga, chỉ vài ngày sau chuyến thăm Kiev của Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan.
Hôm 11/11, ông Mikhail Podolyak, cố vấn của người đứng đầu văn phòng của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cho biết, chính quyền Kiev sẽ coi đối tác của mình (Moscow) là “bên đồng ý đàm phán dựa trên các điều khoản sơ bộ và điều kiện tiên quyết do Ukraine đặt ra”.
Vào ngày 11/11, Tổng thống Vladimir Zelensky cũng đã nêu các “điều kiện tiên quyết” mà Kiev đặt ra với Moscow để bắt đầu đối thoại. Điều kiện này được đánh giá là rất cứng rắn, sau khi Quân đội Ukraine đạt được những bước tiến lớn từ sự rút quân của Nga khỏi Kherson.
Theo Tổng thống Ukraine, điều kiện tiên quyết của Ukraine là "khôi phục toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, bồi thường mọi tổn thất, trừng phạt mọi tội phạm chiến tranh và đảm bảo rằng điều này (chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine) sẽ không tái diễn”.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Moscow sẽ không bao giờ chấp nhận điều kiện này và một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine sẽ rất khó để đạt được, có chăng là một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời trong mùa đông này mà thôi.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nga-rut-quan-khoi-kherson-ukraine-ra-dieu-kien-dam-phan-cuc-gat-a189607.html