Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty AIC) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.
Do bà Nhàn bỏ trốn trước khi bị khởi tố, cơ quan điều tra đã yêu cầu chủ tịch HĐQT công ty AIC cùng 7 người khác đang bị truy nã ra đầu thú.
Trường hợp tiếp tục bỏ trốn, bà Nhàn có bị tòa án xét xử vắng mặt hay không?
Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Ảnh: AIC. |
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Giám đốc Công ty Luật Hãng Luật Hưng Yên) nhận định trường hợp của bà Nhàn sẽ được giải quyết theo quy định tại khoản 1, Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về tạm đình chỉ điều tra. Theo đó, cơ quan điều tra khi chưa xác định được bị can hoặc không biết bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án thì phải ra quyết định tạm đình chỉ điều tra. Đối với trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, cơ quan điều tra cần ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra.
Về việc bị can vẫn bị đề nghị truy tố dù chưa tới trình diện cơ quan công an, luật sư Quynh cho biết Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành chưa có quy định đối với trường hợp như bà Nhàn. Trích dẫn quy định trong Bộ luật này, ông Quynh cho rằng cơ quan điều tra có thể ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra (Điều 229), còn VKS sẽ quyết định tạm đình chỉ vụ án khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can ở đâu những đã hết thời hạn quyết định việc truy tố (Điều 227).
Đối với những vụ án có nhiều bị can mà bị can bỏ trốn, luật sư cho biết trên thực tế, VKS có thể quyết định tách vụ án để giải quyết nếu xét thấy việc tách vụ án đối với bị can bỏ trốn đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện và đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can bỏ trốn.
"Trừ trường hợp của ông Hoàng Văn Hoan bị tuyên án tử hình vắng mặt vào năm 1980 (thời điểm trước khi có Bộ luật Hình sự 1985), lịch sử tố tụng chưa có bị can nào bỏ trốn mà vẫn bị đề nghị truy tố. Trên thực tiễn, các vụ án có bị can bỏ trốn đều tạm đình chỉ điều tra đến khi bắt được bị can", luật sư Quynh nói.
Cơ quan chức năng khám xét trụ sở AIC tối 29/4. |
Theo quy định, cơ quan điều tra và VKS sẽ ra quyết định tạm đình chỉ điều tra trong trường hợp bị can bỏ trốn, không biết đang ở đâu mà đã hết thời hạn điều tra, truy tố. Tuy nhiên, nếu bị can vẫn tiếp tục bị điều tra, truy tố và trở thành bị cáo, tòa án có quyền xét xử vắng mặt đối với họ.
Luật sư Quynh cho biết theo Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp như bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; đang ở nước ngoài và không thể triệu tập tới phiên tòa, hay đề nghị xét xử vắng mặt và được HĐXX chấp nhận...
"Như vậy, HĐXX vẫn có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong trường hợp bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả. Quy định này thường áp dụng đối với trường hợp đã điều tra, thu thập đầy đủ chứng cứ, tống đạt đầy đủ các quyết định tố tụng theo đúng quy trình nhưng trong quá trình điều tra, truy tố thì bị can bỏ trốn và việc vắng mặt của họ không ảnh hưởng tới việc xét xử. Khi đó, tòa án có quyền quyết định xét xử vắng mặt và chịu trách nhiệm với quyết định đó khi thấy có đầy đủ chứng cứ, quá trình tố tụng diễn ra đúng trình tự thủ tục và việc vắng mặt của bị cáo không ảnh hưởng tới việc xét xử", ông Quynh phân tích.
2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự
1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ba-nguyen-thi-thanh-nhan-co-bi-xet-xu-vang-mat-neu-khong-ra-dau-thu-a190044.html