Xây dựng xưởng sản xuất trên đất nông nghiệp, hành lang lưới điện
Thực trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở Đồng Nai từ lâu đã trở thành vấn nạn nhức nhối. Không chỉ cá nhân vi phạm mà nhiều doanh nghiệp cũng cố tình xây dựng công trình nhà xưởng trên đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, thậm chí chiếm luôn hành lang an toàn lưới điện.
Theo người dân, ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai phản ánh, Công ty TNHH Đông Tây Tây Nguyên (Công ty Đông Tây Tây Nguyên) đã xây dựng nhà xưởng trên diện tích 60.733m2 đất tại các thửa: 420, 421, 507 và 845 cùng thuộc tờ bản đồ số 48 thuộc ấp Vàm, xã Thiện Tân, Vĩnh Cửu. Trong đó thửa 421 có diện tích 2.964m2 đã chuyển đổi mục đích sang đất sản xuất phi nông nghiệp toàn bộ, thửa 420 có diện tích 51.532m2 đã chuyển mục đích sử dụng đất sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp 21.736m2, đất ở tại nông thôn 300m2 còn lại là đất rừng sản xuất 29.496m2, hai thửa đất này đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, thửa 507 có diện tích 1.885m2 là đất rừng sản xuất và thửa 854 diện tích 4.352m2 đất lúa nước còn lại. Toàn bộ diện tích đã được công ty xây dựng nhà xưởng, tường bao và một phần nhà xưởng được xây dựng dưới đường điện 220KV.
Nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp, và dưới hành lang an toàn lưới điện 220KV |
Ngoài việc xây dựng trên đất nông nghiệp, người dân cũng cho biết, sau những cơn mưa lớn trên địa bàn cuốn theo lượng nước mưa chảy tràn gây ngập úng ảnh hưởng đến môi trường sống và làm việc của người dân, làm cho người dân quan ngại về ô nhiễm môi trường từ những cơ sở đầu nguồn xả thải trong đó có Công ty Đông Tây Tây Nguyên.
Được biết ngành nghề chính của công ty TNHH Đông Tây Tây Nguyên là sản xuất giày, dép, gia công ép đế giày, giấy lót giày, gia công và sản xuất giày dép… Bên cạnh đó công ty chưa đảm bảo đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường như chưa có hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn, chưa được các cơ quan chức năng cấp phép cho hệ thống thu gom và xử lý nước thải phát sinh tại các nguồn thải theo quy định, chưa có giấy phép thu gom xử lý chất thải rắn (giấy qua sử dụng)...
Theo tìm hiểu, thửa đất 420 tờ bán đổ số 48, Đông Tây Tây Nguyên được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 23/02/2016 với tổng diện tích 51.532m2, trong giấy chứng nhận có ghi rõ trên đất có hạng mục công trình: Nhà xưởng chính xây dựng trên diện tích 5.760m2, khu tập thể dãy 11 phòng xây dựng trên diện tích 308m2, khu tập thể dãy 5 phòng và vệ sinh trên diện tích 203m2, đồng thời cũng ghi chú rõ: Thửa đất có 5.981m2 nằm trong hành lang lưới điện 220KV, 8230,7m2 nằm trong quy hoạch lộ giới giao thông và 13.415m2 nằm trong quy hoạch mở đường, đề nghị Công ty TNHH Đông Tây - Tây Nguyên giữ nguyên hiện trạng không được đầu tư xây dựng thêm.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa 420 ghi chú rõ phải giữ nguyên hiện trạng nhưng công ty Đông Tây Tây Nguyên vẫn ngang nhiên mở rộng nhà xưởng sản xuất |
Hồ sơ không được phê duyệt vẫn bất chấp
Tháng 2 năm 2018 trong văn bản báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai về hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư mở rộng nhà xưởng của công ty Đông Tây Tây Nguyên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã căn cứ vào báo cáo của các sở ngành và UBND huyện Vĩnh Cửu, qua đó, hồ sơ đề nghị cấp quyết định chủ trương đầu tư của Công ty Đông Tây Tây Nguyên chưa có cơ sở tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét chấp thuận. Trường hợp Công ty có nguyện vọng thực hiện dự án với mục tiêu nêu trên, đề nghị công ty nghiên cứu lựa chọn địa điểm thực hiện dự án trong các khu cụm công nghiệp có quy hoạch ngành nghề phù hợp. Bởi theo UBND huyện Vĩnh Cửu, thì ngành nghề của công ty Đông Tây Tây Nguyên chỉ được xem xét thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, do đó UBND huyện không thống nhất với hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Cũng trong tháng 11/2018, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cũng có văn bản trả lời công ty Đông Tây Tây Nguyên về hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo đó Sở TN&MT cũng cho biết dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường bởi vị trí thực hiện dự án cách sông Đồng Nai khoảng 4km là vùng cấp nước sinh hoạt cho các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM và là khu vực nhạy cảm về môi trường. Hơn nữa dự án xây dựng xưởng sản xuất giấy lót giày (bìa đúc miếng độn giày và giấy lót giày) là dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, dự án có các công đoạn nghiền giấy nguyên liệu (nghiền thô, nghiền tinh), có công đoạn ngâm giấy (pha giấy), công đoạn định hình... là công đoạn phát sinh nhiều nước thải, trong nước thải có chứa làm lượng các chất hữu cơ và vô cơ cao. Do vậy Sở TN&MT khẳng định nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của công ty chưa đủ cơ sở để Sở TN&MT thẩm định. Theo phụ lục 2 doanh mục loại hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường mức I : “ sản xuất bột giấy, sản xuất giấy từ nguyên liệu tái chế hoặc từ sinh khối .. tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 25 của Nghị định này tiêu chí về môi trường và phân loại dự án đầu tư thì dự án cần được cấp phép môi trường trước khi đưa công trình đi vào vận hành thử nghiệm?
Chưa được thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng cống xả thải ngang nhiên cho chảy tràn ra môi trường |
Sau khi nhận được phản ánh của người dân, ngày 17/8/2022, PV báo TT&CS đã ghi nhận thực tế sự việc: Công ty TNHH Đông Tây Tây Nguyên đã xây dựng cụm nhà xưởng trên diện tích hai thửa đất 420 và 421 thuộc tờ bản đồ 48 tọa lạc tại Tổ 1, Ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Cụ thể, công ty này đã xây dựng các hạng mục công trình gồm tường bao bằng gạch không nung, xây lắp hệ thống thoát nước, nhà xưởng trên toàn bộ diện tích 54.496 m2 đất thuộc hai thửa 420 và 421. Xây dựng một đoạn tường bao và một phần nhà xưởng dưới đường điện 220KV.
Thực tế, tổng diện tích mà công ty đã được chuyển mục đích cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 24.700m2, nhưng theo ghi nhận thì đã xây dựng gần như phủ kín diện tích 54.496m2, xây dựng trên đất chưa chuyển mục đích sử dụng đất.
Trong khi đó, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết: Theo hồ sơ đề nghị cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Công ty TNHH Đông Tây Tây Nguyên đề xuất thực hiện dự án với diện tích khoảng 2,95ha để thực hiện mở rộng nhà xưởng. Tuy nhiên, hồ sơ không thể hiện cụ thể vị trí đề xuất thực hiện trên tổng thể khu đất diện tích 5,15ha. Do đó, Sở Xây dựng chưa có cơ sở xem xét sự phù hợp về quy hoạch xây dựng đối với dự án nêu trên... Điều này đồng nghĩa với việc công trình không có giấy phép xây dựng nhưng vẫn được công ty Đồng Tây Tây Nguyên thực hiện xây dựng mở rộng nhà xưởng sản xuất.
Ngang nhiên xây dựng dù chưa được cấp phép |
Để có thông tin khách quan đa chiều gửi đến bạn đọc, sau khi nhận được phản ánh của người dân, PV đã đi thực tế và gửi toàn bộ thông tin hình ảnh vi phạm đến UBND xã Thiện Tân và UBND huyện Vĩnh Cửu, tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 tháng vẫn là sự im lặng đến khó hiểu.
Phải chăng chính quyền địa phương đang ngầm cho phép doanh nghiệp hợp thức hóa sai phạm. Trong khi nếu nhà xưởng đi vào vận hành với công xuất lớn như vậy, lại ở vị trí thượng nguồn sông Đồng Nai thì nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước đã hiện hữu. Trong khi đó tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 5 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức diễn ra ngày 4/8/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định: Phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp…
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vinh-cuu-dong-nai-cong-ty-dong-tay-tay-nguyen-vi-pham-nhung-gi-a190434.html