Covid-19 đã thúc đẩy các chính phủ ứng dụng kỹ thuật số trong quản lý, đặc biệt khi tỷ lệ người dân hiểu biết kỹ thuật số cũng ngày càng tăng.
Ông Li Junhua, Tổng thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề kinh tế và xã hội, cho biết: “Kết quả khảo sát nhấn mạnh rằng các chính phủ vẫn tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ kỹ thuật số, bất chấp các thách thức toàn cầu trong những năm gần đây. Nhằm thực hiện mục tiêu không để lại ai phía sau, chúng tôi sẽ nỗ lực không để bất kỳ ai ngoại tuyến trong tương lai kỹ thuật số”.
Đan Mạch, Phần Lan và Hàn Quốc hiện là 3 nước đứng đầu danh sách về chính phủ chuyển đổi số. Các quốc gia này đạt điểm cao nhất về phạm vi và chất lượng của các dịch vụ trực tuyến, tình trạng cơ sở hạ tầng viễn thông và năng lực con người. Xếp vị trí thứ hai là New Zealand, Thụy Điển, Iceland, Australia, Estonia, Hà Lan, Hoa Kỳ, Anh, Singapore, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Nhật Bản và Malta.
Điều thú vị là Vương quốc Ả Rập Xê Út là một trong những quốc gia được xếp hạng hàng đầu trên thế giới về cung cấp thông tin dịch vụ
Để phục vụ nhu cầu quản trị kỹ thuật số, các quốc gia này sẵn sàng tiếp tục dẫn đầu xu hướng chuyển đổi thế giới vào thế kỷ 21 và hơn thế. Với mục tiêu phục vụ công dân tốt hơn, họ sẽ tập trung đầu tư vào phát triển ứng dụng kết nối đa thông tin hơn để phát triển một xã hội mạnh mẽ.
Khảo sát năm 2022 cũng đánh giá sự phát triển của chính phủ điện tử ở cấp thành phố/địa phương. Kết quả cho thấy, hầu hết các quốc gia đã cải thiện điểm Chỉ số Dịch vụ Trực tuyến Địa phương. Trong đó, Dubai đứng đầu Chỉ số Dịch vụ Trực tuyến Địa phương (LOSI) 2022 và là một trong những chính phủ kỹ thuật số tốt nhất thế giới.
Tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật số là rất quan trọng đối với hiệu suất kinh tế tổng thể và sự ổn định của một quốc gia. Mối tương quan giữa sức khỏe kinh tế và khả năng tiếp cận 4G của một quốc gia cũng rất rõ ràng. Theo Brookings, 87% dân số ở các nước phát triển có quyền truy cập 4G. Con số này giảm xuống còn 65% ở các nước đang phát triển và xuống 25% ở các nước kém phát triển nhất.
Đó không chỉ là quyền truy cập của mọi người vào thông tin, mà điều quan trọng là quyền tiếp cận của họ với chương trình sức khỏe từ xa, thương mại điện tử, dịch vụ pháp lý và đào tạo giáo dục cho cả trẻ em trong độ tuổi đi học và cả người lớn.
Theo ước tính của nhiều báo cáo, quy mô thị trường của học tập điện tử sẽ đạt giá trị 50 tỷ USD vào năm 2026. Tiếp cận công bằng với học tập kỹ thuật số là rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững cho bất kỳ quốc gia hoặc đô thị nào. Tại Hoa Kỳ, mặc dù việc áp dụng băng thông rộng tại nhà của cư dân nông thôn đã tăng 9% kể từ năm 2016. Nhưng điều này vẫn ảnh hưởng đến khả năng tham gia học trực tuyến của trẻ em trong độ tuổi đi học, khiến chúng bị tụt lại phía sau so với khu vực ngoại thành và thành thị.
Tin tốt trong Khảo sát Chính phủ Kỹ thuật số Điện tử của Liên hợp quốc năm 2022 là các quốc gia cung cấp dịch vụ giáo dục kỹ thuật số đã tăng 22%. Mặc dù mức tăng không được phân bổ đồng đều trên toàn cầu, nhưng đây cũng được coi là động thái tích cực và đúng hướng.
Cuộc khảo sát về Chính phủ Điện tử của Liên hợp quốc năm 2022 đã cung cấp cho thế giới một cơ sở để phát triển và lập chiến lược phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả. Với dữ liệu mới này, cuộc khảo sát đặt ra 3 mục tiêu trong tương lai để thế giới tiếp tục đi lên theo xu hướng quản trị kỹ thuật số.
Trợ lý Tổng thư ký Maria-Francesca Spatolisano tại UN DESA cho biết trong cuộc họp báo của Liên hợp quốc: "Các chính phủ kỹ thuật số thành công đang chuyển từ trạng thái luôn hiện hữu trong cuộc sống của người dân sang trạng thái vô hình. Đồng thời, họ cũng cung cấp các dịch vụ tự động đáng tin cậy cho phép mọi người thuận tiện truy cập bất kỳ lúc nào từ bất kỳ đâu song vẫn tôn trọng quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân".
Đầu tiên, các chính phủ phải lập chiến lược và đầu tư nhiều hơn vào các kế hoạch chuyển đổi số quốc gia dài hạn. Đại dịch buộc các nhà lãnh đạo toàn cầu phải nhanh chóng tăng cường khả năng tiếp cận và đổi mới kỹ thuật số. Họ nên tiếp tục khai thác động lực này và xây dựng nó dựa trên những tiến bộ trong 2 năm rưỡi qua.
Tiếp theo, phải được đảm bảo tất cả mọi người đều có thể kết nối internet. Ở 46 quốc gia kém phát triển nhất, gần 75% người dân chưa bao giờ tham gia môi trường trực tuyến. Làm thế nào chúng ta có thể thu hẹp khoảng cách này? Các chính phủ cần phân bổ lại nguồn vốn. Ngược lại, các nhà lãnh đạo thế giới về quản trị và kết nối kỹ thuật số phải gửi viện trợ đến các khu vực kém phát triển này để giúp họ bắt đầu tăng trưởng và đổi mới.
Cuối cùng, các tiến bộ công nghệ, đổi mới và chính phủ điện tử phải phục vụ một mục tiêu rộng lớn hơn là hỗ trợ phát triển con người bền vững. Những đổi mới trong 2 năm rưỡi qua chỉ là bước khởi đầu. Bằng cách tạo điều kiện cho tất cả người dân đều có khả năng tiếp cận những phúc lợi chung, chúng ta có thể mong đợi sự gia tăng về sức khỏe và năng suất kinh tế.
Tóm lại, theo Forbes, việc đổi mới của chính phủ để tiếp cận nhiều công dân hơn thông qua các phương tiện kỹ thuật số không còn là một lựa chọn mà là một mệnh lệnh. Nhiệm vụ của mỗi quốc gia lúc này là phải tiếp tục thúc đẩy động lực này và xây dựng một tương lai bền vững, bao trùm và bình đẳng cho tất cả mọi người.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chinh-phu-dien-tu-khong-con-la-lua-chon-ma-la-bat-buoc-a190492.html