Về vấn đề kinh tế, Tuyên bố Lãnh đạo G20 nhấn mạnh, các ngân hàng trung ương G20 đang theo dõi chặt chẽ tác động của áp lực giá đối với kỳ vọng lạm phát và sẽ tiếp tục điều chỉnh một cách thích hợp tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng thời tái khẳng định cam kết tránh biến động tỷ giá hối đoái quá mức khi có "nhiều loại tiền tệ đã biến động đáng kể" trong năm nay.
Tổng thống Indonesia bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20.
Các ngân hàng trung ương cũng sẽ lưu tâm đến sự cần thiết phải hạn chế hiệu ứng lan tỏa, làm tăng thêm mối lo ngại của các nền kinh tế mới nổi về tác động mà các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Mỹ có thể gây ra đối với thị trường của họ. Tuyên bố khẳng định, sự độc lập của ngân hàng trung ương là rất quan trọng để đạt được những mục tiêu này và củng cố uy tín của chính sách tiền tệ.
Liên quan đến cuộc xung đột Ukraine, Tuyên bố nhấn mạnh có một số quan điểm khác và đánh giá khác nhau về tình hình và các biện pháp trừng phạt, nhưng hầu hết các nước thành viên lên án mạnh mẽ cuộc xung đột tại Ukraine, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân và làm trầm trọng thêm những vấn đề yếu kém của nền kinh tế toàn cầu. Tuyên bố khẳng định, luật pháp quốc tế phải được tôn trọng và mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được, đồng thời hoan nghênh sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen.
Tuyên bố bày tỏ lo ngại sâu sắc về những thách thức an ninh lương thực, ngày càng trầm trọng hơn do căng thẳng và xung đột gần đây. Các nước G20 cam kết thực hiện các hành động khẩn cấp để chống đói nghèo, đặc biệt ở những nước đang phát triển. G20 cũng kêu gọi sự chuyển dịch nhanh chóng hướng tới nền nông nghiệp, hệ thống lương thực và chuỗi cung ứng bền vững.
G20 hoan nghênh việc ký kết Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và Bản ghi nhớ giữa Nga và Liên Hợp Quốc về thúc đẩy các sản phẩm lương thực, phân bón của Nga ra thị trường thế giới, việc phân bố không gián đoạn các sản phẩm lương thực.
Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi nhậm chức chủ tịch G20.
Về vấn đề năng lượng, các nhà lãnh đạo tại cuộc họp G20 ở Bali nhất trí theo đuổi các nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5C, bao gồm cả việc đẩy nhanh nỗ lực "giảm dần" việc sử dụng than. Điều này sẽ đòi hỏi các hành động và cam kết có ý nghĩa và hiệu quả của tất cả các quốc gia.
Các nước nhấn mạnh cam kết đạt được phát thải ròng bằng 0 hay trung hòa các-bon vào khoảng giữa thế kỷ, nhấn mạnh khẩn cấp chuyển đổi, đa dạng hóa hệ thống năng lượng, thúc đẩy an ninh năng lượng, kêu gọi sự ủng hộ đối với các nước phát triển và đang phát triển trong việc tiếp cận năng lượng. Kết thúc hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chính thức chuyển giao chức chủ tịch G20 cho Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi/.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/g20-xung-dot-nga-ukraine-lam-tram-trong-them-yeu-kem-cua-nen-kinh-te-toan-cau-a190578.html