Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai - Việt Nam, có địa chỉ ở Ninh Phước, Ninh Hòa (Khánh Hòa) là doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài với ngành nghề kinh doanh chính là đóng tàu và cấu kiện nổi, sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện vận tải.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, từ ngày 25/4/2021 đến ngày 28/7/2022, Công ty HVS đã đăng ký 972 tờ khai nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu, tất cả đã được khai nộp thuế nhập khẩu nhưng chưa khai nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT). Việc không kê khai nộp thuế giá trị giá tăng khi mở tờ khai hải quan của Công ty HVS là trái với các quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Đối chiếu với các quy định tại điểm h khoản 2 Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ có quy định: “Sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình nhập gia công được miễn thuế nhập khẩu nếu người nhập khẩu tại chỗ đáp ứng quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 10 Nghị định này. Sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình khác thì người nhập khẩu tại chỗ kê khai, nộp thuế theo mức thuế suất và trị giá tính thuế của sản phẩm nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai”.
Ngoài ra, theo Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 quy định về đối tượng chịu thuế: “Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này”. Trong khi đó, căn cứ khoản 20 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 quy định về đối tượng không chịu thuế: “…nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài; hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau…”.
Như vậy, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành thì đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu không đủ điều kiện để áp dụng chính sách không chịu thuế GTGT như đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài, nhập khẩu từ khu phi thuế quan.
Ngoài việc phải nộp bổ sung hơn 84 tỷ đồng tiền thuế GTGT, Công ty HVS còn phải nộp thêm khoản tiền chậm nộp phát sinh và đối mặt với việc xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan hải quan.
Lý giải về việc “quên” kê khai thuế GTGT, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đại diện Công ty HVS cho rằng “Do thời gian thực hiện Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ liên quan đến xuất nhập khẩu tại chỗ và khai nộp thuế GTGT là thời điểm bắt đầu bùng phát dịch Covid-19 tại địa phương nên việc cập nhật thông tin chưa kịp thời. Vì không biết nên không kê khai nộp thuế GTGT trong thời gian này…”.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy việc không kê khai nộp thuế GTGT của Công ty HVS kéo dài từ tháng 4/2021 đến cuối tháng 7/2022, nên không thể “đổ lỗi” hoàn toàn do dịch Covid-19, vì thực tế đến vào quý IV/2021, tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, Chính phủ cũng như các địa phương không còn chủ trương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, chuyển sang “trạng thái bình thường mới”. Cụ thể, năm 2021 tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, sản xuất gặp khó khăn, song Công ty HVS vẫn bàn giao được 10 con tàu và thu về 305 triệu USD, theo kế hoạch năm 2022, Công ty HVS sẽ tiếp tục bàn giao 14 tàu.
Bên cạnh đó, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng trong năm 2021, phần lớn doanh nghiệp trên cả nước đã chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý thuế, riêng Tổng cục Thuế đã tặng 483 giấy khen cho các doanh nghiệp, người nộp thuế (NNT) tiêu biểu chấp hành tốt nghĩa vụ thuế trong năm 2021.
Có thể khẳng định rằng, việc chấp hành nghĩa vụ thuế là bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau vì cùng mục tiêu chung, hiện nay công tác quản lý thuế đã chuyển đổi từ cơ chế “chuyên quản - quản lý doanh nghiệp trực tiếp” chuyển sang cơ chế “tự tính - tự khai - tự nộp thuế” nhằm nâng cao tính tự giác, tính tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của các đối tượng nộp thuế.
Do đó, Công ty HVS cần xác định việc chấp hành pháp luật về thuế đầy đủ, đúng quy định không những đảm bảo lợi ích quốc gia mà còn đảm bảo lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp bởi việc hạn chế được rủi ro trong việc vi phạm pháp luật thuế do bị truy thu và xử phạt về thuế quá lớn.
Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 81/2019/TT-BTC quy định việc phân loại mức độ tuân thủ pháp luật đối với người khai hải quan theo 5 mức độ, tương ứng với khuyến nghị từ 1 đến 5. Trong đó, số lần bị xử phạt vi phạm hành chính là tiêu chí tác động chủ yếu đến kết quả đánh giá mức độ tuân thủ của doanh nghiệp (tác động khoảng 80%). Như vậy, nếu doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu không vi phạm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, đáp ứng đủ thời gian hoạt động và số tờ khai đăng ký, thì mức độ tuân thủ của doanh nghiệp sẽ được hệ thống đánh giá theo hướng tốt hơn.
Quay lại với câu chuyện của Công ty HVS, căn cứ vào hành vi không kê khai nộp thuế GTGT, ngoài việc phát sinh tiền chậm nộp, cơ quan hải quan cần xác định rõ vi phạm và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này để đảm bảo tính công bằng, bình đẳng trước pháp luật giữa các doanh nghiệp.
Được biết, trước đó Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai - Việt Nam về việc yêu cầu nộp GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu. Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty HVS đã hoàn thành khai bổ sung, nộp thuế GTGT toàn bộ các tờ khai nhập khẩu tại chỗ với số tiền hơn 84 tỷ đồng, tuy nhiên chưa nộp tiền chậm nộp phát sinh gần 6 tỷ đồng.
Trong động thái mới đây, Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai - Việt Nam đã có văn bản đề nghị không tính tiền chậm nộp và không phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không kê khai thuế GTGT. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, đề nghị này của Công ty HVS là việc làm chưa từng có tiền lệ, chưa từng được cơ quan quản lý Nhà nước áp dụng cho các trường hợp tương tự.
Thực tế cho thấy, đối với việc chấp hành pháp luật về thuế, mọi chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật, bên cạnh hướng dẫn của cơ quan chức năng, doanh nghiệp phải chủ động thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thuế. Bởi vì, khi doanh nghiệp không tuân thủ các quy định về thuế sẽ tạo ra hệ luỵ trực tiếp đến nguồn thu ngân sách Nhà nước. Khi ngân sách bị thiếu hụt do doanh nghiệp không tuân thủ chấp hành đúng nghĩa vụ thuế sẽ tác động tiêu cực đến nguồn lực tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương và của cả nước.
Về phía cơ quan chức năng, cần đẩy mạnh việc xử lý sai phạm về thuế theo hướng minh bạch, quyết liệt hơn, nếu xét thấy cần thiết cần chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chung quy lại, đứng dưới góc độ vĩ mô trong dài hạn, việc vi phạm pháp luật thuế của nhiều doanh nghiệp cộng hưởng lại sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường, làm suy giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Yếu tố minh bạch, công bằng và thượng tôn pháp luật là một trong những yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư quyết định khi cân nhắc đầu tư vào các quốc gia. Vì vậy, vi phạm pháp luật thuế chính là nhân tố làm cản trở sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp tuân thủ tốt và tuân thủ kém.
Liên quan đến Công ty HVS, trước đó Báo điện tử Xây dựng đã có bài viết phản ánh về việc Công ty HVS thi công bằng phương pháp nổ mìn để phá dỡ hàng trăm nghìn tấn hạt nix thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để cung cấp cho các nhà máy sản xuất xi măng làm nguyên thay thế quặng sắt trong dây chuyền sản xuất clinke, làm vật liệu xây dựng. Đây là việc làm chưa từng có tiền lệ và tiềm ẩn hệ luỵ ảnh hưởng đến môi trường.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/khanh-hoa-cong-ty-tnhh-dong-tau-hyundai-viet-nam-quen-ke-khai-thue-gtgt-hon-84-ty-dong-a190740.html