Hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi: Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Không chỉ thiếu dấu hợp quy (dấu CR), nhiều sản phẩm quần áo được bán tại Hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi còn thiếu thông tin về nguồn gốc, xuất xứ.

Nhãn mác quần áo không ghi thông tin nguồn gốc, xuất xứ

Trong bài viết có nhan đề "Hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi bán quần áo không chứng nhận hợp quy, có an toàn cho người dùng?", Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đề cập tới tình trạng nhiều sản phẩm quần áo trẻ em được bán tại Hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi (meoi) không được chứng nhận, gắn dấu hợp quy (dấu CR) gây hoang mang cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, không chỉ không được chứng nhận, gắn dấu hợp quy (dấu CR), nhiều sản phẩm quần áo trẻ em phân phối tại Hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi còn không rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ.

Theo khảo sát của phóng viên, tại một số chi nhánh thuộc Hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi (địa chỉ 58 Phố Nguyễn Văn Lộc, phường Mộ Lao, quận Hà Đông; Kiot 20 HH2A Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai; số 09 Tân Mai, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) còn tồn tại tình trạng nhiều sản phẩm quần áo với nhãn mác sơ sài, thiếu thông tin. Đặc biệt, thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm không được ghi trên nhãn.

cua-hang-me-oi-1668765265.jpg
Nhãn mác sản phẩm áo khoác bán tại Hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi không ghi thông tin nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa có thể hiểu đơn giản là nơi sản xuất hoặc nơi thực hiện các công đoạn tương tự như sản xuất hàng hóa đó như chế biến, gia công... Nơi sản xuất có thể là một quốc gia, nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa điểm địa lý. Như vậy, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ được hiểu là những hàng hóa không rõ nơi sản xuất, không xác định được quốc gia, nhóm quốc gia hay vùng lãnh thổ nào sản xuất, hoặc tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.

Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đưa ra định nghĩa về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như sau:

“Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa bao gồm thông tin thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Đối với người tiêu dùng, việc mua một sản phẩm có thông tin rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ mang lại rất nhiều lợi ích. Nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá không chỉ là cơ sở để người mua lựa chọn hàng hoá phù hợp với điều kiện kinh tế, sở thích mà còn là cơ sở để xác định, truy xuất thông tin về chất lượng hàng hoá. Đặc biệt, trường hợp hàng hoá có vấn đề về chất lượng, người dùng có thể tìm đến nơi sản xuất, nơi xuất xứ để khiếu nại, đòi quyền lợi chính đáng. Còn đối với cơ quan quản lý nhà nước, việc xác định nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá là cơ sở để kiểm tra, giám sát, thậm chí xử phạt các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi sản xuất hàng hoá kém chất lượng.

Câu hỏi đặt ra, vì sao nhãn mác sản phẩm quần áo tại Hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi lại không ghi rõ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm? Người tiêu dùng muốn biết nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá thì tìm ở đâu? Trường hợp quần áo mua tại Hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi không đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng tìm ai để khiếu nại, bồi thường?

Hàng hoá không gắn dấu chứng nhận hợp quy, chất lượng có đảm bảo?

Trước đó, như đã đưa tin, toà soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được phản ánh qua đường dây nóng về trường hợp hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi đang phân phối nhiều sản phẩm quần áo trẻ em không được chứng nhận phù hợp quy chuẩn QCVN 01:2017 và không gắn dấu hợp quy (dấu CR).

Theo tìm hiểu, Mẹ Ơi là hệ thống cửa hàng chuyên phân phối các sản phẩm quần áo, đồ chơi, đồ dùng trẻ em, có nhiều chi nhánh tại Hà Nội (địa chỉ tại 58 Phố Nguyễn Văn Lộc, phường Mộ Lao, quận Hà Đông; 198 Lacasta, phường Văn Phú, quận Hà Đông; số 7 Trần Điền, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân; Kiot 20 HH2A Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai; số 2e/34 Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ; Tầng 1 TTTM CT4A&B Khu Đô Thị Xa La, phường Phú La, quận Hà Đông; 52 Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng; 162 Trần Duy Hưng, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy; 103C9 Tô Hiệu, Khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy; số 09 Tân Mai, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai). Chủ sở hữu hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi là bà Phùng Thị Lan Hương.

Để có thêm thông tin khách quan về sự việc, trong vai khách hàng, phóng viên đã đến một số chi nhánh thuộc Hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi tại địa chỉ 58 Phố Nguyễn Văn Lộc, phường Mộ Lao, quận Hà Đông; Kiot 20 HH2A Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai; số 09 Tân Mai, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai để liên hệ mua quần áo và đồ chơi trẻ em. Tại đây, phóng viên được các nhân viên thuộc 3 chi nhánh giới thiệu nhiều sản phẩm quần áo cho trẻ em (cả nam và nữ).

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, rất nhiều sản phẩm quần áo trẻ em được phân phối tại Hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi không được gắn dấu hợp quy (dấu CR) trên nhãn mác sản phẩm. Điều này đặt ra nghi vấn liệu các sản phẩm quần áo tại Hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi có đảm bảo hàm lượng formaldehyde an toàn cho người dùng theo QCVN 01:2017 hay không? Vì sao Hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi không tiến hành chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy cho sản phẩm quần áo trẻ em trước khi đưa ra lưu thông ngoài thị trường?

cua-hang-me-oi-ban-hang-hoa-khong-ro-nguon-goc-1668765339.jpg
Chi nhánh Hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi tại địa chỉ số 58 Nguyễn Văn Lộc, Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội.

Với mong muốn có thêm thông tin khách quan, phóng viên đã liên hệ tới số điện thoại của Hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi. Một nhân viên trực hệ thống nối máy cho phóng viên gặp một người phụ nữ tên Trang. Người này tự nhận là quản lý cửa hàng Mẹ Ơi tại địa chỉ 58 phố Nguyễn Văn Lộc, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội, cùng góp vốn với bà Phùng Thị Lan Hương để mở chuỗi cửa hàng Mẹ Ơi.

Trao đổi với phóng viên, bà Trang cho biết, tại Hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi, các sản phẩm đang kinh doanh được nhập về từ nhiều nguồn, hệ thống chỉ đóng vai trò phân phối lại. Khi phóng viên hỏi về việc tại sao nhiều sản phẩm chưa được chứng nhận và gắn dấu hợp quy (dấu CR), bà Trang cho biết: "Về vấn đề này trước đây lực lượng Quản lý Thị trường cũng đã nhắc nhở một số lần, tuy nhiên bên chị chỉ là đơn vị phân phối lại. Giờ cần thông tin về cái đó (chứng nhận-PV) thì phải hỏi bên nhà cung cấp, cái này chị sẽ hỏi lại".

Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi về việc tại sao khi nhập hàng từ các đơn vị khác, Hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi lại không yêu cầu nhà cung cấp đưa đủ giấy tờ về nguồn gốc, xuất xứ, chứng nhận hợp quy cho sản phẩm thì bà Trang im lặng. Vậy phải chăng khâu kiểm soát đầu vào sản phẩm của Hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi đang có vấn đề? Việc nhập sản phẩm về kinh doanh khi không nắm rõ hết thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, chứng nhận sản phẩm, nếu hàng hoá có vấn đề về chất lượng, không an toàn cho sức khoẻ người dùng thì ai là người chịu trách nhiệm?

Một vài ngày sau, bà Trang gửi cho phóng viên một giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn QCVN 01:2017 (giấy chứng nhận hợp quy) được Công ty cổ phần Viện Nghiên cứu Dệt may cấp cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Nhật Hoa (chủ nhãn hiệu quần áo trẻ em Lulaby). Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số rất nhiều đơn vị cung cấp hàng hoá cho Hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi. Khi được hỏi về giấy chứng nhận hợp quy của các sản phẩm khác đang được phân phối tại Hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi thì bà Trang không cung cấp thêm được giấy tờ nào.

Vậy phải chăng chỉ có một đơn vị cung cấp hàng hoá cho Hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi có giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm quần áo theo QCVN 01:2017? Các đơn vị còn lại có thực hiện đúng quy định pháp luật về chứng nhận hợp quy cho sản phẩm quần áo theo QCVN 01:2017 hay không? Nếu như trong sản phẩm quần áo do Hệ thống cửa hàng Mẹ Ơi phân phối có hàm lượng formaldehyde quá mức cho phép, gây hại cho người dùng thì hệ thống này có chịu trách nhiệm hay không? Khách hàng có được đền bù thiệt hại hay không?

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/he-thong-cua-hang-me-oi-hang-hoa-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu-a191130.html