Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố quyết định đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu ART của CTCP Chứng khoán BOS. Theo đó, gần 97 triệu cổ phiếu ART sẽ bị đình chỉ giao dịch từ ngày 21/11 do Chứng khoán BOS tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi chứng khoán bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.
Chứng khoán BOS tiếp tục chậm nộp báo cáo tài chính quý III/2022.
Cho đến nay, Chứng khoán BOS chưa công bố kết quả kinh doanh các quý năm 2022, báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2022; Báo cáo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2022;...
Trước đó, hồi cuối tháng 10, Chứng khoán BOS đã có văn bản gửi đến HNX xin hoãn công bố báo cáo tài chính quý III/2022 do công ty đang tiến hành hoàn thiện thủ tục xin cấp phép thay đổi người đại diện theo pháp luật để nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Tính tới cuối tháng 6/2022, Chứng khoán BOS ghi nhận có hơn 14.500 cổ đông.
ART là cổ phiếu thứ 4 thuộc "họ FLC" bị đình chỉ giao dịch.
Chứng khoán BOS là cổ phiếu "họ FLC" thứ 4 bị đình chỉ giao dịch. (Nguồn: HNX)
Trước đó, Xây dựng Faros (ROS), Tập đoàn FLC (FLC) và Nông dược H.A.I (HAI) đã bị đình chỉ giao dịch trong năm 2022.
Trong “họ FLC”, AMD đã bị đưa vào diện kiểm soát của HOSE, còn cổ phiếu KLF và GAB bị hạn chế giao dịch. Cổ phiếu GAB có giá cao kỷ lục gần 200 nghìn đồng/cp nhưng không có giao dịch từ tháng 3. Các cổ phiếu còn lại bị bán tháo kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt và có giá chỉ còn một vài nghìn đồng.
Hôm 18/11, cổ phiếu ART giảm sàn xuống 1.300 đồng/cp, dư bán sàn hơn 2,5 triệu đơn vị. ART đã giảm hơn 90% kể từ đỉnh 19.500 đồng ghi nhận hồi đầu năm.
Chứng khoán BOS vừa miễn nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Trịnh Văn Nam (SN 1991) và bổ nhiệm bà Phạm Thị Thanh Mai, thành viên HĐQT, vào vị trí chủ tịch. Chứng khoán BOS cũng đã thông qua việc triệu tập họp ĐHCĐ bất thường, dự kiến vào ngày 10/1/2023.
Như vậy, sau khi cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết rơi vào vòng lao lý, hệ sinh thái của Tập đoàn FLC lộ rõ sự bi đát và rơi vào tình trạng điêu đứng.
Hầu hết các doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC thua lỗ trong quý II hoặc/và không có báo cáo tài chính.
Trước đó, nhiều thời điểm, các mã cổ phiếu “họ FLC” nổi sóng trên thị trường chứng khoán. ROS vào thời điểm giữa năm 2017 từng được giao dịch với mức giá khoảng 170.000/cp. GAB đạt gần 195.000/cp. Các mã FLC, HAI, AMD hay ART đều từng lên trên 20.000/cp.
Theo kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2016, ông Trịnh Văn Quyết cùng các em gái đã liên tục có hành vi sai phạm như thổi giá một số cổ phiếu và nâng khống vốn điều lệ tại ROS, kiếm lời hàng nghìn tỷ đồng.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/co-phieu-ho-flc-bi-dinh-chi-giao-dich-a191325.html