Lệnh cấm dầu Nga của EU sắp có hiệu lực, Đức "sốt vó" lo thiếu dầu

Đức vừa cảnh bảo nước này có nguy cơ xảy ra thiếu dầu khi lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga thô Nga của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ đầu tháng 12...

Công ty lọc dầu Schwedt phụ thuộc lớn vào dầu thô Nga - Ảnh: Bloomberg
Công ty lọc dầu Schwedt phụ thuộc lớn vào dầu thô Nga - Ảnh: Bloomberg

Theo Financial Times, đây là một tín hiệu mới cho thấy sự gián đoạn do cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu có thể tiếp tục gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế lớn nhất châu lục này.

Lời cảnh báo nằm trong phần trả lời của Chính phủ Đức đối với các câu hỏi của các nghị sĩ Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) về vấn đề an ninh năng lượng ở miền Đông nước Đức, nơi có hai công ty lọc dầu lớn phụ thuộc vào dầu thô của Nga.

Một trong hai công ty này là Schwedt - nhà cung cấp xăng, dầu diesel, dầu hỏa và dầu nhiên liệu chính cho khu vực, phục vụ những khách hàng lớn tại đây như sân bay quốc tế Berlin.

Để ứng phó với tình hình, Chính phủ Đức đã nêu chi tiết về các nỗ lực nhằm đa dạng hóa Schwedt khỏi việc nhập khẩu dầu của Nga. Tuy nhiên, Berlin cũng thừa nhận lệnh cấm vận có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng cho nền kinh tế miền Đông nước Đức.

“Tùy thuộc vào tình hình, không thể loại trừ khả năng xảy ra tình thiếu thiếu nguồn cung cục bộ, tạm thời và tăng giá”, các bộ trưởng trong Chính phủ Đức cho biết trong phần trả lời câu hỏi của các nghị sĩ CDU.

Trong gói trừng phạt mới nhất, EU dự kiến bắt đầu cấm nhập khẩu dầu Nga qua đường biển từ ngày 5/12. Mục đích chính của biện pháp này là nhằm giảm nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu dầu dùng cho cuộc chiến tranh tại Ukraine của Nga. Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc đã đàm phán tạm thời miễn áp dụng lệnh cấm này với lý do không có nguồn thay thế cho dầu Nga. Cả ba nước này đều phụ thuộc lớn và đường ống Druzhba vận chuyển dầu trực tiếp từ Nga.

Tuy nhiên, dù thực tế là Schwedt và công ty lọc dầu lớn còn lại trong khu vực - Leuna - cũng có kết nối trực tiếp với đường ống Druzhba, Chính phủ Đức trước đó khẳng định sẽ lập tức thực hiện đầy đủ lệnh cấm trên vào cuối năm mà không có ngoại lệ.

Hồi tháng 9, Berlin cũng có hành động quyết liệt khi giành quyền kiểm soát Schwedt từ chủ sở hữu là tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga.

Trong phần trả lời câu hỏi của các nghị sĩ CDU, Chính phủ Đức cho biết ảnh hưởng từ việc nguồn cung của Schwedt và Leuna giảm do gián đoạn nguồn cung dầu tư Nga “là một thách thức lớn nhưng có thể kiểm soát được”.

Chính phủ Đức cho biết Schwedt đang cố gắng tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế thông qua hai đường ống khác - một chạy từ cảng Rostock của Đức ở Biển Baltic và một từ cảng Gdansk của Ba Lan.

Trong đó, đường ống từ Rostock, không phụ thuộc vào dầu Nga, có thể bơm 5-6,8 triệu tấn dầu/năm cho nhà máy lọc dầu của Schwedt và có thể nâng công suất lên 9 triệu tấn/năm. Hồi tháng 9, Chính phủ Đức thông báo sẽ chi 400 triệu Euro để nâng công suất của đường ống này.

Các bộ trưởng trong Chính phủ Đức khẳng định đường ống này có thể cung cấp cho Schwedt lượng dầu thô tối thiểu cần thiết về mặt kỹ thuật để đảm bảo hoạt động bình thường. Tuy nhiên, một số bên phản đối lệnh cấm dầu Nga cho rằng Schwedt cần tới khoảng 12 triệu tấn dầu mỗi năm mới có thể hoạt động hết công suất.

Trong khi đó, lựa chọn từ đường ống qua cảng Gdansk vẫn đang được thảo luận. Tuần trước, tàu chở dầu đầu tiên đã chuyển dầu đến các nhà máy của Schwedt qua cảng Gdansk. Tuy nhiên, Chính phủ Đức cho rằng không nên kỳ vọng rằng tuyến dầu này có thể trở thành một nguồn cung chính cho Schwedt bởi đường ống chỉ có công suất hạn chế và hiện cũng đang cung cấp dầu cho cả Leuna và các nhà máy lọc dầu ở Ba Lan. Đường ống Gdansk chỉ có thể bơm khoảng 2-3 triệu tấn dầu/năm cho Schwedt.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/lenh-cam-dau-nga-cua-eu-sap-co-hieu-luc-duc-sot-vo-lo-thieu-dau-a191433.html