Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng giảm vì mối lo Covid ở Trung Quốc

Năng lượng đang là nhóm cổ phiếu ngành chính duy nhất trong S&P 500 tăng từ đầu năm đến nay, với mức tăng hiện đạt khoảng 63%...

chung-khoan-my-1669083104.png Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.

 

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (21/11) do lo ngại Trung Quốc có thể nối lại các biện pháp cứng rắn để chống Covid-19, sau khi nước này tuyên bố đang đứng trước bài kiểm tra nghiêm trọng nhất trong đại dịch. Giá dầu thô cũng giảm khi tình hình dịch bệnh ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới phủ bóng lên triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Ngày đầu tuần, chính quyền thành phố Bắc Kinh cho biết sẽ đóng cửa doanh nghiệp và trường học tại những khu vực bùng dịch mạnh nhất và siết chặt các quy định về ra vào thành phố, nhằm ứng phó với sự gia tăng của số ca nhiễm.

“Giới đầu tư đang lo ngại Trung Quốc có thể tái áp một số hạn chế chống Covid lẽ ra đã bắt đầu được dỡ”, Phó giám đốc đầu tư Carol Schleif của BMO Family Office nói với hãng tin Reuters về nguyên nhân dẫn tới phiên giảm này của thị trường.

Giá cổ phiếu của các công ty quản lý sòng bạc Mỹ có hoạt động ở Trung Quốc, gồm Wynn Resorts, Las Vegas Sands Corp, MGM Resorts International, và Melco Resorts & Entertainment đồng loạt giảm ít nhất 2%.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 45,41 điểm, tương đương giảm 0,13%, còn 33.700,28 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,39%, còn 3.949,94 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,09%, còn 11.024,51 điểm.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường giảm xuống mức thấp trong phiên này và được dự báo sẽ tiếp tục giảm cho tới kỳ nghỉ lễ Tạ ơn vào ngày thứ Năm tuần này. Khi khối lượng giao dịch giảm, mức độ biến động của thị trường thường có khuynh hướng gia tăng.

Vào buổi chiều, biên độ giảm của thị trường thu hẹp sau khi Chủ tịch chi nhánh San Francisco của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bà Mary Daly, nói rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ cần cẩn trọng để tránh một “cuộc suy thoái nhiều đau thương”. Một loạt quan chức khác của Fed dự kiến sẽ phát biểu trong ngày thứ Ba, gồm Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland Loretta Mester; Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas Esther George; và Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis James Bullard.

Nhóm cổ phiếu năng lượng thuộc S&P 500 có thời điểm giảm khoảng 3% trong phiên đầu tuần, xuống mức thấp nhất 4 tuần, do giá dầu tụt hơn 5% sau khi có tin nói rằng Saudi Arabia và các thành viên khác của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đang thảo luận tăng sản lượng. Tuy nhiên, nhóm này đã thu hẹp mức giảm sau khi Saudi Arabia phủ nhận thông tin này.

Năng lượng đang là nhóm cổ phiếu ngành chính duy nhất trong S&P 500 tăng từ đầu năm đến nay, với mức tăng hiện đạt khoảng 63%.

Chứng khoán Mỹ đang nối dài xu hướng giảm từ tuần trước, khi các quan chức Fed tái khẳng định cam kết tăng lãi suất cho tới khi lạm phát được kiểm soát. Nhà đầu tư đang chờ biên bản cuộc họp tháng 11 của Fed, dự kiến công bố vào ngày thứ Tư.

Các nhà giao dịch ở Phố Wall đang đặt cược chủ yếu vào khả năng Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 12 và lãi suất cực đại của chu kỳ tăng này sẽ được thiết lập vào tháng 6 năm sau.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,17 USD/thùng, đóng cửa ở mức 87,45 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,35 USD/thùng, còn 79,73 USD/thùng.

Trong phiên, có lúc giá của hai loại dầu “bốc hơi” hơn 5 USD/thùng, chạm mức thấp nhất 10 tháng, vì tờ Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin nói rằng OPEC+, liên minh giữa OPEC và một số thành viên ngoài khối gồm Nga, đang cân nhắc tăng sản lượng 500.000 thùng/ngày trong cuộc họp vào ngày 4/12.

Tiếp đó, dầu hồi giá sau khi Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, hoàng tử Abdulaziz bin Salman tuyên bố nước này kiên định với chính sách cắt giảm sản lượng và không hề thảo luận chuyện tăng sản lượng dầu với các thành viên OPEC khác.

“Tình hình thay đổi chỉ sau vài phút. Saudi Arabia là nguồn cơn khiến giá dầu giảm và cũng chính họ là lý do khiến giá dầu tăng trở lại”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital nhận định.

Theo nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets, ngoài tình hình Covid ở Trung Quốc và những đồn đoán về chính sách sản lượng của OPEC+, gây áp lực giảm giá lên dầu trong phiên này còn là đồng USD tăng giá.

“Tâm lý ham thích rủi ro đã trở nên mong manh, khi dữ liệu của tất cả các nền kinh tế lớn trong thời gian gần đây đều phản ánh kịch bản suy thoái, nhất là ở Anh và khu vực Eurozone”, bà Teng nói, và nhấn mạnh thêm rằng những phát biểu cứng rắn của giới chức Fed trong tuần trước cũng làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế Mỹ.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chung-khoan-my-va-gia-dau-cung-giam-vi-moi-lo-covid-o-trung-quoc-a191782.html