“Chỉ định” nhà đầu tư tại dự án Khu hỗn hợp dịch vụ, nhà ở, nhà trẻ và cây xanh có đúng luật?

UBND Thành phố Hà Nội đồng ý chuyển mục đích sử dụng từ đất sản xuất sang đất hỗn hợp thương mại dịch vụ, nhà ở đồng thời “chỉ định” Công ty Cổ phần Chế tạo biến thế và Vật liệu điện Hà Nội là nhà đầu tư dự án Khu hỗn hợp dịch vụ, nhà ở, nhà trẻ và cây xanh (Hoàng Thành Pearl) tại số 55 đường K2, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội sau khi di dời nhà máy là đang áp dụng quy định nào và có đúng pháp luật? Việc chuyển đổi này liệu có gây ra việc chuyển đổi từ đất Nhà nước thành tiền tư nhân?

“Chỉ định” nhà đầu tư tại dự án Khu hỗn hợp dịch vụ, nhà ở, nhà trẻ và cây xanh có đúng luật?
Dự án Khu hỗn hợp dịch vụ, nhà ở, nhà trẻ và cây xanh (Hoàng Thành Pearl) đang thi công phần thô, hạ tầng.

Được biết, Dự án Khu hỗn hợp dịch vụ, nhà ở, nhà trẻ và cây xanh do Công ty Cổ phần Chế tạo biến thế và Vật liệu điện Hà Nội làm chủ đầu tư kết hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Hoàng Thành theo hình thức 1 bên góp đất và 1 bên bỏ tiền đầu tư, xây dựng, phát triển dự án.

Không đủ điều kiện chỉ định nhà đầu tư

Ngày 23/8/2018, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng ký Quyết định chủ trương đầu tư số 4440/QĐ-UBND. Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội quyết định cho Công ty Cổ phần Chế tạo biến thế và Vật liệu điện Hà Nội là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu hỗn hợp dịch vụ, nhà ở, nhà trẻ và cây xanh tại số 55 đường K2, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Quy mô dự án khoảng 14.786m2, trong đó có 2.010m2 đất quy hoạch mở đường không được xây dựng; diện tích đất xây dựng là 12.776m2 (công trình hỗn hợp 3.560m2, nhà ở liền kế 2.698m2, cây xanh 3.377m2, đường giao thông, bãi xe 3.141m2).

Ngày 30/12/2019, UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định số 7458/QĐ-UBND cho phép Công ty Cổ phần Chế tạo biến thế và Vật liệu điện Hà Nội chuyển đổi mục đích sử dụng đất 14.786m2 từ đất sản xuất kinh doanh sang đất hỗn hợp dịch vụ, thương mại, nhà ở trong đó chủ yếu để thực hiện đầu tư xây dựng 336 căn hộ chung cư thương mại và 25 căn liền kế để bán.

Theo Giấy phép xây dựng số 59 ngày 11/8/2020 do Sở Xây dựng Hà Nội cấp thì công trình hỗn hợp cao 30 tầng, 3 tầng hầm, 1 tum thang; nhà ở liền kế cao 5-6 tầng.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 22 Luật Nhà ở 2014 thì việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có thể qua 3 hình thức là đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất hoặc chỉ định chủ đầu tư. Nếu chỉ định chủ đầu tư thì phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 21 Luật Nhà ở và có quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định tại Khoản 1 và 4 Điều 23 Luật Nhà ở.

Cụ thể hơn, tại Điều 21 Luật Nhà ở quy định điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại: (1) Doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; (2) Có vốn pháp định theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản và có vốn ký quỹ để thực hiện đối với từng dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư; (3) Có chức năng kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật.

Quan trọng hơn là phải có quyền sử dụng đất ở hợp pháp quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 23 của Luật Nhà ở. Điều 23 quy định hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại: (1) Sử dụng diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp để xây dựng nhà ở thương mại; (4) Nhận chuyển quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà ở thương mại.

Đối chiếu với khoản 1 và khoản 4 Điều 23 và pháp luật liên quan thì dự án Khu hỗn hợp dịch vụ, nhà ở, nhà trẻ và cây xanh (Hoàng Thành Pearl) thuộc diện không đủ điều kiện chỉ định nhà đầu tư mà phải thực hiện đấu giá hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy sự mâu thuẫn trong thủ tục chấp thuận nhà đầu tư (chỉ định). Đó là, ngày 23/8/2018, UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định chủ trương đầu tư số 4440/QĐ-UBND. Qua đó, UBND Thành phố Hà Nội quyết định (chỉ định) cho Công ty Cổ phần Chế tạo biến thế và Vật liệu điện Hà Nội là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu hỗn hợp dịch vụ, nhà ở, nhà trẻ và cây xanh. Nhưng mãi đến ngày 30/12/2019, UBND Thành phố Hà Nội mới có Quyết định số 7458/QĐ-UBND cho phép Công ty Cổ phần Chế tạo biến thế và Vật liệu điện Hà Nội chuyển đổi mục đích sử dụng đất 14.786m2 từ đất sản xuất kinh doanh sang đất hỗn hợp dịch vụ, thương mại, nhà ở trong đó chủ yếu để thực hiện đầu tư xây dựng 336 căn hộ chung cư thương mại và 25 căn liền kế để bán, một phần đất làm hạ tầng nội khu.

Như vậy, Công ty Cổ phần Chế tạo biến thế và Vật liệu điện Hà Nội có đất ở trong tay sau khi được chỉ định nhà đầu tư. Do vậy, việc chỉ định nhà đầu tư mà không thông qua đấu giá hoặc đấu thầu là không đúng với quy định của Luật Nhà ở 2014 và Luật Đầu tư 2014. Việc này cần phải được các cơ quan chức năng của Thành phố Hà Nội xem xét, đánh giá lại trên tinh thần khách quan, minh bạch và thượng tôn pháp luật.

image00320221122151211-1669109524.jpg
Phối cảnh dự án Khu hỗn hợp dịch vụ, nhà ở, nhà trẻ và cây xanh - Hoàng Thành Pearl (Ảnh: Hoangthanh.vn).

 

Không đúng với Quyết định 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

 

Ở một diễn biến khác, theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội” nêu rõ: Quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị được đấu giá công khai theo quy định để tạo kinh phí tái đầu tư cho doanh nghiệp bị di dời. Đồng thời, tại Điều 3 Quyết định số 130/QĐ-TTg nhấn mạnh việc sử dụng đất sau khi di dời cơ sở nói trên phải ưu tiên sử dụng để xây dựng công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng kỹ thuật xã hội và kỹ thuật đô thị.

Căn cứ theo Quyết định 130/QĐ-TTg thì có 2 vấn đề cần phải thực hiện đúng khi di dời nhà máy khỏi nội đô. Một là phải tổ chức đấu giá đất nhà máy sau khi di dời; và hai là phải sử dụng để xây dựng công trình phục vụ công cộng chứ không phải phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Thực tế, khu đất của Công ty Cổ phần Chế tạo biến thế và Vật liệu điện Hà Nội sau khi di dời nhà máy lại mọc lên 1 khu dự án nhà ở thương mại để bán là chưa phù hợp với quy định tại Quyết định 130/QĐ-TTg. Đến nay, chưa rõ vì sao việc hoán đổi từ đất nhà máy sản xuất sang đất dự án nhà ở thương mại này lại không vấp phải sự ngăn chặn nào của các cơ quan chức năng Hà Nội mà trái lại, còn thuận lợi và suôn sẻ. Phải chăng Thành phố Hà Nội quên hay không biết Quyết định 130/QĐ-TTg của Thủ tướng?

Việc Thành phố Hà Nội thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất tại số 55 đường K2, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội mà không thông qua đấu giá hoặc đấu thầu là không đúng pháp luật. Hay có sự đặc ân, đặc cách, đặc biệt nào ở đây? Thiết nghĩ, Thành phố Hà Nội cần làm rõ vấn đề trên.

Một vấn đề khác mà dư luận cần được làm rõ: Với diện tích đất để xây dựng nhà máy này, thực hiện theo Quyết định số 130/QĐ-TTg thì nhà máy này đã được Nhà nước hỗ trợ bố trí ở 1 diện tích đất khác để di dời và sản xuất thì diện tích đất thuộc nhà máy cũ phải trả lại đất cho Nhà nước để xây dựng để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích cộng đồng như Quyết định số 130/QĐ-TTg.

Như vậy, đất của nhà máy này sau khi di dời phải thuộc sự quản lý của Nhà nước. Mặc dù trước đó thuộc quyền quản lý sử dụng của Công ty Cổ phần Chế tạo biến thế và Vật liệu điện Hà Nội. Vậy, cơ sở pháp lý nào để Công ty Cổ phần Chế tạo biến thế và Vật liệu điện Hà Nội lại sử dụng mảnh đất này tính thành tiền để góp vốn, liên kết với đơn vị khác để đầu tư, xây dựng nhà ở thương mại để bán? Giá trị góp vốn mảnh đất này là bao nhiêu, tổ chức, cơ quan nào định giá? Vấn đề này cần được cơ quan chức năng làm rõ, tránh trường hợp tài sản Nhà nước bị thất thoát, trong phút chốc có thể bị rơi vào tay tư nhân.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chi-dinh-nha-dau-tu-tai-du-an-khu-hon-hop-dich-vu-nha-o-nha-tre-va-cay-xanh-co-dung-luat-a191845.html