Vụ Dược Cửu Long: Ứng xử như nào với phần thu trái pháp luật?

Luật sư cho rằng, nếu trong Báo cáo tài chính năm 2006, 2007, 2008, công ty không đề cập đến khoản tiền này nên cổ đông không biết nguồn thu trái pháp luật. Nhưng khi đã biết thì ứng xử như nào?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 23/11, phiên tòa xét xử 9 bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long, Bộ Y tế tiếp tục với phần tranh luận. Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định, nhóm bị cáo thuộc Dược Cửu Long đã che giấu số tiền 3,8 triệu USD trong nhiều năm.

Viện kiểm sát đánh giá, theo quy định của pháp luật về quản lý giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng sản xuất bằng nguồn ngân sách Nhà nước, Dược Cửu Long phải chấp hành cơ chế quản lý giá và các mức giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định. 

Quá trình thực hiện kế hoạch sản xuất thuốc Oseltamivir, công ty được đối tác (Công ty Mambo) giảm giá mua nguyên liệu nhưng với động cơ vụ lợi, bị cáo Lương Văn Hóa – cựu Tổng giám đốc Dược Cửu Long đã lợi dụng, chức vụ quyền hạn chỉ đạo kế toán trưởng Nguyễn Văn Thanh Hải hạch toán trái nguyên tắc kế toán.

Ngoài ra, các bị cáo còn lập thư giãn nợ để che giấu việc kiểm tra, thanh tra; đồng thời hợp thức hồ sơ thanh toán che giấu nhằm giữ lại số tiền hơn 3,8 triệu USD , gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Ông Lương Văn Hóa thừa nhận giữ lại 3,8 triệu USD và hạch toán giảm dần trái nguyên tắc kế toán để hưởng lợi tập thể như chia cổ tức, trả thù lao HĐQT, trích lập các quỹ…Trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát đề nghị buộc các bị cáo và những người liên quan phải bồi thường hơn 61 tỷ đồng.

CỔ TỨC ĐÃ CHIA, THU HỒI ĐƯỢC KHÔNG?

Tại tòa, đại diện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước  (SCIC) cho biết, SCIC nắm giữ vốn nhà nước tại Dược Cửu Long đến tháng 11/2014 thì thoái vốn. Tỷ lệ vốn SCIC nắm giữ trong năm 2006 là 51,57%, năm 2007 và năm 2008 là 37,07%. Trong 3 năm (2006,2007,2008), SCIC được chia cổ tức, tuy nhiên, SCIC cho rằng không thể phân tách được trong số cổ tức nhận được có bao nhiêu % đến từ nguồn tiền giảm giá. SCIC nhận cổ tức giống hơn 600 cổ đông khác.

Bị cáo Lương Văn Hóa (áo khoác đen hàng đầu).
Bị cáo Lương Văn Hóa (áo khoác đen hàng đầu).

Tuy nhiên, có ý kiến luật sư cho rằng, trong Báo cáo tài chính năm 206, 2007,2008 của Dược Cửu Long không đề cập đến khoản 3,8 triệu USD nên các cổ đông không biết nguồn thu trái pháp luật này. Nhưng khi đã biết thì ứng xử như nào bởi mục tiêu cao hơn trong các vụ án như này là thay đổi nhận thức. Luật sư mong muốn HĐXX làm sáng tỏ tình tiết khách quan, đặc biệt là phần bồi thường thiệt hại.

“Chúng tôi muốn giảm thiểu thiệt hại của vụ án. Số tiền đó được chi dùng như nào hoàn toàn có thể bóc tách được số tiền đó do. Phần chia cổ tức cho cổ đông trong 3 năm (2006, 2007, 2008) là 27 tỷ đồng, trong đó SCIC nhận 12 tỷ đồng, các cổ đông khác là 15 tỷ đồng… Phần giá trị bồi thường thiệt hại rất quan trọng, có ý nghĩa với các bị cáo trong quá trình thi hành án”, luật sư có ý kiến.

Còn theo luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Nam Liên cho rằng, thiệt hại 3,8 triệu USD là rõ ràng. Theo nguyên tắc, người có hành vi vi phạm pháp luật phải bồi thường, người thu lợi bất chính bị thu hoàn. Trong vụ án này, nhóm tội lợi dụng chức vụ (các bị cáo thuộc Dược Cửu Long) là nhóm vi phạm, trực tiếp gây thiệt hại.

Với nhóm thu lợi bất chính, luật sư cho rằng nên dừng lại ở Dược Cửu Long vì dòng tiền bất chính đã hòa nhập vào dòng tiền sản xuất kinh doanh của công ty.

Cơ quan pháp luật không có trách nhiệm phải đi tìm đến người cuối cùng nhận tiền. Dược Cửu Long phải chịu trách nhiệm với số tiền thu lời bất chính của mình và có trách nhiệm hoàn lại cho nhà nước.

Đối đáp với ý kiến luật sư, đại diện SCIC cho rằng, theo quy định tại Điều 93,94 Luật Doanh nghiệp 2005, Điều lệ công ty, cho đến thời điểm này, SCIC đã nhận cổ tức phù hợp với quy định pháp luật và không thuộc trường hợp bị thu hồi cổ tức theo Điều 94. “Bị cáo Hóa đã trình bày rõ doanh thu một doanh thu hình thành từ nhiều nguồn. Chúng tôi cho rằng không có căn cứ công ty dùng tiền giảm giá để chia cổ tức”, vị đại diện SCIC nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện SCIC, trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu có thuộc về Dược Cửu Long đầu tiên. Tòa án xác định nguyên đơn dân sự là Bộ Y tế, bị đơn là Dược Cửu Long, không phải là các cổ đông. Đại diện SCIC đề nghị HĐXX xem xét các bị cáo và Dược Cửu Long phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường.

Tranh luận tại tòa, đại diện Viện kiểm sát tiếp tục nêu quan điểm cho rằng, các bị cáo thuộc Dược Cửu Long lợi dụng kẽ hở để thực hiện hành vi phạm tội. Với nhóm bị cáo phạm tội thiếu trách nhiệm là chậm thu hồi, chậm ngăn chặn thiệt hại. Nhóm bị cáo Dược Cửu Long trực tiếp gây ra thiệt hại. Nếu nhóm thiếu trách nhiệm phát hiện ra thì ngăn chặn kịp thời.

Do đó, nhóm các bị cáo thuộc nhóm tội thiếu trách nhiệm (thuộc Bộ Y tế- PV) cũng phải chịu trách nhiệm.

LỜI NÓI SAU CÙNG

Nói lời sau cùng, bị cáo Lương Văn Hóa cho biết, bản thân bị cáo bị nhiễm độc màu da cam, biến chứng nhiều loại bệnh tiểu đường, huyết áp. Bị cáo có mẹ già 90 tuổi. Với sai phạm của mình, bị cáo nhận hết sai phạm, mong HĐXX giảm án cho bị cáo có cơ hội chữa bệnh, đoàn tụ gia đình.

Bị cáo Hóa cũng gửi lời xin lỗi đến các cán bộ thuộc Bộ Y tế. “Cũng vì bất cẩn của bản thân bị cáo mà các vị bị bắt, bị xét xử hôm nay. Tôi mong được các vị nhận từ tôi lời xin lỗi vì chính cái này các vị mất đi tinh thần, sức khỏe, vật chất, tài chính trong khi cả tôi và các vị không hưởng cái gì”, bị cáo Hóa nói.

Theo lời bị cáo, đây là lần đầu tiên bị cáo bán thuốc cho đơn vị nhà nước nên không hình dung hết những sự phức tạp này.

Vắng mặt tại tòa do sức khỏe yếu song bị cáo Cao Minh Quang- cựu Thứ trưởng Bộ Y tế có đơn, mong muốn HĐXX xem xét giảm án cho bị cáo.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vu-duoc-cuu-long-ung-xu-nhu-nao-voi-phan-thu-trai-phap-luat-a192111.html