Giá nhà giảm nhưng lãi vay cao
Áp lực về nguồn vốn đang đè nặng lên nhiều doanh nghiệp BĐS trong bối cảnh tín dụng vào lĩnh vực này bị kiểm soát chặt. Đa số tập đoàn, doanh nghiệp BĐS đang rơi vào tình trạng rất khó khăn; lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ.
Thực tế này khiến không ít doanh nghiệp phải thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để tồn tại như hạ giá bán nhằm kích cầu người mua. Nhiều doanh nghiệp thậm chí phải chấp nhận bán sản phẩm BĐS, nhà ở với chiết khấu sâu, thậm chí đến 30-50% trị giá hợp đồng.
Đơn cử, dự án chung cư tại Hoàng Mai, Hà Nội cũng đang có chính sách chiết khấu tới 7% nếu khách hàng thanh toán theo tiến độ thông thường; nếu thanh toán sớm 95% được chiết khấu lên tới 31% giá trị hợp đồng.
Hay vào đầu tháng 9.2022, một chính sách chưa từng xuất hiện trên thị trường BĐS là mua nhà được tặng đất. Theo đó, một dự án tại Dĩ An (Bình Dương), khách hàng mua từ 2 căn hộ trở lên sẽ được tặng 1.000m2 đất tại Gia Lai. Chương trình áp dụng cho 20 suất mua sỉ đầu tiên và không áp dụng cho căn hộ 1 phòng ngủ.
Dạo một vòng trên các trang mạng chuyên về BĐS hay các hội nhóm trên Facebook, Zalo… rất dễ thấy hàng loạt thông tin rao vặt với tiêu đề rao bán, cắt lỗ nhà đất.
Thực tế, xu hướng giảm giá, cắt lỗ BĐS đã xuất hiện từ quý III/2022, đến nay chuyển thành làn sóng thật sự khi mức độ khó khăn của thị trường ngày càng tăng.
Thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho thấy tỉ lệ hấp thụ BĐS trong quý III chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với đầu năm 2022 và giảm tới 50% so cùng kỳ năm ngoái.
Theo giới chuyên gia, việc các doanh nghiệp BĐS đồng loạt đưa ra các chương trình chiết khấu, hạ giá bán là cơ hội tốt cho người có nhu cầu thực muốn sở hữu nhà ở.
Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều ngân hàng tiếp tục thực hiện nâng lãi suất huy động kéo theo lãi cho vay ngày càng cao. Tại nhiều ngân hàng, lãi vay mua nhà hiện chạm ngưỡng 11-12%/năm.
Ưu tiên cầm tiền mặt
Các chuyên gia cho rằng, với khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp BĐS cần thực hiện quá trình tái cấu trúc về đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm hướng đến nhu cầu thực, hướng đến phân khúc nhà ở thương mại vừa túi tiền, vốn đang rất thiếu trên thị trường thời gian qua để trụ vững, cũng như phát triển lành mạnh, bền vững hơn trong thời gian tới.
Bởi lẽ, trước áp lực lãi vay đè nặng, dù giá BĐS có hạ nhiệt, người dân vẫn sẽ rất thận trọng khi tiếp cận vốn vay mua nhà. Do đó mà giao dịch trên thị trường vẫn khó cải thiện.
Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa, nhìn nhận trong giai đoạn khó khăn của thị trường hiện nay, cá nhân hay doanh nghiệp có tiền mặt trong tay thì người đó là "vua".
Vì vậy, việc nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp hay chủ đầu tư lớn cần tiền đáo hạn trái phiếu đã chủ động bán rẻ, giảm giá, chiết khấu cao các sản phẩm của mình để bán được hàng, thu tiền về càng nhiều càng tốt là điều dễ hiểu. Thế nhưng, việc giảm giá chưa hẳn là bán lỗ mà chỉ là hạ bớt kỳ vọng so với giai đoạn trước.
"Việc giảm giá BĐS ở các dự án, nhất là những dự án lớn, lúc này có thể làm thị trường xáo trộn. Người mua trước đó với giá cao sẽ không hài lòng nhưng để tăng thanh khoản cho doanh nghiệp thì đó là biện pháp tối ưu. Quan trọng là cũng từ đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng phải hạ nhiệt theo" - ông Quang nhấn mạnh.
Trước sự băn khoăn của người có nhu cầu vay mua nhà, nhiều chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng, nếu vay mua nhà, người đi vay nên cân nhắc khả năng chi trả cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng.
Ngoài ra không nên chi quá 30% thu nhập cho khoản vay, cần ước tính giá trị căn nhà dự định mua dựa trên mức thu nhập cùng tiền mặt có sẵn. Bên cạnh đó, tùy vào hoàn cảnh, điều kiện mỗi gia đình mà chỉ vay trong khả năng trả nợ.
Có thể thấy, thị trường BĐS hiện nay đang xuất hiện một vòng luẩn quẩn. Người bán cần tiền để trả lãi vay, nhưng không bán được. Người mua chưa đủ tiền thấy lãi vay cao nên e ngại, có nhà đầu tư chấp nhận lãi suất cao để vay thì lại khó tiếp cận nguồn vốn do ngân hàng hết room tín dụng.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tim-them-von-doanh-nghiep-ha-gia-ban-nha-a192335.html