Ngày 26/11, thông tin từ Sở Y tế Thanh Hóa, thời gian gần đây, Sở này đã tiếp nhận và thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu mua thuốc, trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế công lập trong ngành. Nhìn chung, năng lực xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế của cán bộ trong ngành đã được nâng cao.
Tuy nhiên, theo Sở Y tế Thanh Hóa, vẫn còn một số bất cập, hạn chế trong nội dung trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế.
Đối với các kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc, số lượng các mặt hàng trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cao hơn nhiều (có đơn vị cao hơn 2-3 lần) so với sử dụng 12 tháng liền kề nhưng chưa có giải trình hợp lý.
Đồng thời, nhiều mặt hàng xây dựng giá kế hoạch cao hơn giá trúng thầu tối đa; giá kế hoạch của thuốc tại nhóm tiêu chí kỹ thuật thấp cao hơn giá thuốc tại nhóm tiêu chí kỹ thuật cao cùng hoạt chất, nồng độ/hàm lượng, dạng bào chế; phân nhóm thuốc không đúng với quy định.
Bên cạnh đó, đưa thuốc thuộc danh mục thuốc đàm phán giá quốc gia, đấu thầu tập trung quốc gia đã có kết quả vào trong danh mục thuốc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu của đơn vị.
Thậm chí ghi tên hoạt chất không đúng theo quy định tại Thông tư số 30/2018/TT-BYT, ghi dạng bào chế không đúng với quy định tại Phụ lục 4 Thông tư số 15/2019/TT-BYT.
Ngoài ra, các hồ sơ, tài liệu liên quan đến xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa gửi đồng thời cùng tờ trình và danh mục thuốc,...
Đối với các kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua trang thiết bị y tế, tham khảo giá trúng thầu không còn giá trị (quá 12 tháng) khi xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu; giá kế hoạch của mặt hàng tại nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật thấp cao hơn giá kế hoạch tại nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật cao.
Bên cạnh đó, yêu cầu kỹ thuật của mặt hàng trang thiết bị y tế còn có những nội dung luật đấu thầu nghiêm cấm (ví dụ như ghi tên riêng, chỉ dẫn xuất xứ hàng hóa, ký hiệu,...).
Yêu cầu việc xây dựng thông số kỹ thuật phải đảm bảo mặt hàng trúng thầu, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, đồng thời đảm bảo tính cạnh tranh để tiết kiệm chi phí cho người bệnh (không đưa vào những yêu cầu kỹ thuật không cần thiết, có thể gây hạn chế nhà thầu), không đưa những cụm từ mang tính chất giới thiệu sản phẩm.
Các hồ sơ, tài liệu liên quan đến xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải được gửi đồng thời cùng tờ trình và danh mục trang thiết bị y tế...
Để kịp thời có đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ người bệnh và việc tổ chức đấu thầu đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh, đúng theo các quy định của pháp luật, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị khẩn trương khắc phục những bất cập nêu trên.
Trước đó, vào tháng 4/2022, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo kết quả thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế… tại 8 bệnh viện trên địa bàn tỉnh này.
Trong 2 năm 2020, 2021, các đơn vị được thanh tra thực hiện 461 gói thầu mua sắm, cụ thể: Năm 2020 thực hiện 67 gói thầu với giá trị hơn 2,7 tỷ đồng; năm 2021 thực hiện 394 gói thầu với giá trị hơn 26 tỷ đồng.
Kết quả thanh tra tại 8 bệnh viện phát hiện 54 gói thầu có sai phạm về trình tự, thủ tục đấu thầu, mua sắm.
Tại bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc, bệnh viện Nghi Sơn, bệnh viện Hà Trung… chưa công khai đầy đủ kết quả chỉ định thầu theo quy định. Tại bệnh viện Hà Trung phê duyệt phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn, một túi hồ sơ là không đúng với quy định…
Nguyên nhân theo Thanh tra tỉnh Thanh Hóa là do theo hướng dẫn của Sở Y tế Thanh Hóa chưa đúng với hướng dẫn của Bộ Y tế.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nhieu-bat-cap-trong-mua-sam-trang-thiet-bi-y-te-tai-thanh-hoa-a192897.html