Nhiều lợi thế
Tại hội thảo Đánh giá tình hình tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), một số FTA khác và kiến nghị giải pháp diễn ra mới đây, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, trong số 15 Hiệp định FTA Việt Nam đang thực thi, có 3 FTA thế hệ mới là CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam) và UKVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh) là những hiệp định rất quan trọng.
Đây là các FTA mang lại nhiều kết quả đàm phán có lợi cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam, tạo dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường.
Trong giai đoạn 2019-2021, các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực đã giúp kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng mạnh, nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều thay đổi tích cực trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng tiêu cực do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và các xung đột kinh tế - chính trị giữa một số quốc gia trên thế giới.
Chẳng hạn, đối với Hiệp định CPTPP, xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP tiếp tục đà tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 tăng 18,1% so với năm 2020. Trong khi đó, Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU năm 2021 vẫn tăng 14,5% so với năm 2020.
Kết quả ấn tượng này cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đáng kể trong việc làm quen và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.
Là một đơn vị đã tư vấn trực tiếp cho nhiều doanh nghiệp, ông Phạm Đình Thưởng, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và tận dụng Hiệp định Thương mại tự do KTPC cho biết: Có khoảng 85,8% doanh nghiệp thuộc nhóm chịu tác động từ các FTA cho rằng hội nhập FTA đang mang lại tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ (con số này năm 2016 chỉ là 46,8%).
Như vậy, nhận thức của doanh nghiệp về tác động tích cực của tiến trình hội nhập FTA đang ngày càng được cải thiện.
Bên cạnh đó, mức độ hiểu biết của các doanh nghiệp về các FTA cũng tăng lên khi có 26,1% các doanh nghiệp có hiểu biết khá rõ về các FTA (con số này tăng lên từ mức 12,6% năm 2016).
Đây là một tín hiệu tích cực thể hiện sự quan tâm cũng như tạo cơ sở để doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các FTA này.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã giúp gạo Việt Nam có vị thế tốt hơn ở thị trường châu Âu (EU).
Theo ông Bình, trước đây, khi Hiệp định chưa ký kết, gạo Việt Nam đã vào EU nhưng với thuế suất rất cao 5 - 45% tuỳ quốc gia nhập khẩu gạo. Do đó, gạo Việt Nam rất khó cạnh tranh với gạo của Campuchia, Lào, Myanmar… vì những quốc gia này được EU đặc cách miễn thuế dù không có hiệp định.
Riêng với gạo Thái Lan, dù cũng bị đánh thuế nhập khẩu nhưng họ có thương hiệu gạo mạnh và lâu năm, thế giới khi nghe đến gạo Thái Lan người ta tin dùng ngay.
"Chính vì thế khi có EVFTA, các doanh nghiệp Việt, nhất là trong ngành gạo có cơ hội lớn cạnh tranh sòng phẳng và tăng tốc, định vị thương hiệu", ông Bình cho biết.
Doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu cho riêng mình
Cũng theo các doanh nghiệp, dù mang lại nhiều lợi ích và ngày càng nhận thức tốt hơn về các FTA, tuy nhiên nhiều đơn vị còn gặp khó khăn khi tiếp cận, tận dụng các lợi thế từ hiệp định do thiếu thông tin cụ thể về các cam kết và cách thức áp dụng, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, thiếu định vị thương hiệu tại thị trường các FTA...
Trong thời gian tới, để tận dụng tốt các FTA, tăng khả năng xuất khẩu, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, doanh nghiệp đầu ngành về hồ tiêu cho biết, các doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật thông tin thị trường; sẵn sàng cải tiến sản phẩm, quy trình để đáp ứng quy định của các thị trường quốc tế và đủ tiêu chuẩn để hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại.
Ông Phạm Thái Bình cũng cho rằng, khi xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường "khó tính", doanh nghiệp phải chọn lọc sản phẩm để xuất khẩu, xây dựng thương hiệu cho riêng mình.
Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nhấn mạnh, EU là thị trường xúc tiến xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Thực tế cho thấy, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam nếu có thương hiệu tại thị trường EU thì không chỉ giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững tại thị trường EU mà còn có các điều kiện và cơ hội để lan tỏa thương hiệu cũng như lan tỏa sản phẩm ở các thị trường khác trên thế giới.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp phải luôn cập nhật các thông tin mới, đào tạo đội ngũ cách tiếp cận và tận dụng FTA một cách triệt để; sẵn sàng cải tiến sản phẩm, quy trình để đáp ứng quy định của các thị trường quốc tế và đủ tiêu chuẩn để hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại.
Ngoài ra, cần bám sát thông tin, hướng dẫn từ Bộ Công thương, Cục Xúc tiến thương mại và các cơ quan ban ngành để chủ động đáp ứng các thay đổi trong thương mại quốc tế…
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/doanh-nghiep-viet-phai-chon-loc-san-pham-de-xuat-khau-a192951.html