Trái phiếu của chủ thương hiệu Hotto bị mang ra gán nợ

Tài sản đảm bảo của Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ SHC Việt Nam là 2.040 trái phiếu có tổng mệnh giá 600 triệu đồng, được đấu giá với mức khởi điểm gần 608 triệu đồng.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (CTG) - Chi nhánh KCN Quế Võ (VietinBank KCN Quế Võ) thông báo về việc bán tài sản bảo đảm của khách hàng là Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ SHC Việt Nam để xử lý thu hồi nợ.

Tài sản đảm bảo là 2.040 trái phiếu có tổng mệnh giá 600 triệu đồng. CTG KCN Quế Võ đấu giá lô trái phiếu này với mức khởi điểm gần 608 triệu đồng. 

trai-phieu-cua-chu-thuong-hieu-hotto-bi-mang-ra-gan-no-1669598105.jpg
Trái phiếu của chủ thương hiệu Hotto bị mang ra gán nợ.

Các trái phiếu này được phát hành trong năm 2018, 2019 và 2020; lãi suất áp dụng trong năm 2022 là từ 6,35 – 6,725%/năm.

Ngân hàng cho biết, giá khởi điểm trên chưa bao gồm các loại thuế (nếu có), chi phí liên quan đến chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản, phí đăng ký và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua tài sản, chi phí này do người mua tài sản chịu. 

mot-so-thuong-thieu-thuoc-so-huu-cua-shc-viet-nam-1669598174.jpg
Một số thương thiệu thuộc sở hữu của SHC Việt Nam.

Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ SHC Việt Nam (SH Việt Nam) thành lập tháng 12/2009, hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực phong cách Nhật Bản tại Việt Nam. Công ty gắn liền với những thương hiệu như Hotto – Món ngon trên đĩa nóng, Kanpai – buffet nướng & lẩu Nhật bản (ra đời vào tháng 08/2016), Maneki Neko Deli – Sushi tươi mỗi ngày (10/2016) và Gyubox – Katsu & noodle – Nóng giòn vị Nhật (04/2017). Bên cạnh đó còn có thương hiệu ẩm thực đường phố Việt Nam – Vietstreet (12/2017).

Chuyên gia kinh tế TS Châu Đình Linh (Đại học Ngân hàng TPHCM) cho biết, xử lý nợ khó đòi thông qua việc rao bán tài sản đảm bảo là một biện pháp buộc phải làm trong thời điểm hiện nay, khi mà các ngân hàng cũng đang chịu nhiều sức ép. Đó là việc có thể phải đối diện với khoảng trống pháp lý và cả áp lực về tỉ lệ nợ khó đòi trong tương lai.

"Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2022 nên ngân hàng phải đẩy nhanh tiến trình thanh lý, phát mãi tài sản, đấu giá tài sản. Hơn nữa, trong nội dung sửa đổi Thông tư 52 của Ngân hàng Nhà nước về đánh giá xếp hạng tổ chức tín dụng, tỉ lệ nợ xấu là một chỉ tiêu đánh giá xếp hạng. Cho nên giải pháp này là bắt buộc để giảm trừ tỉ lệ nợ xấu xuống" - TS Châu Đình Linh cho hay.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/trai-phieu-cua-chu-thuong-hieu-hotto-bi-mang-ra-gan-no-a193138.html