Ngân hàng tuần qua: Rao bán khoản nợ trăm tỷ, mua lại chục nghìn tỷ trái phiếu trước hạn

Trong tuần qua, hàng loạt ngân hàng đã thông báo bán đấu giá các khoản nợ hơn trăm tỷ đồng, trong đó có những khoản nợ đã được rao bán trên dưới 10 lần.

Ngân hàng miệt mài rao bán các khoản nợ trăm tỷ đồng

bidv-1668154600.jpg
 

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) trong tuần qua đã thông báo bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại số 5 Kinh Dương Vương, phường 12, quận 6, TP. HCM.

Giá khởi điểm mà BIDV đưa ra cho các tài sản này là hơn 105 tỷ đồng.

Ngân hàng này cũng thông báo về việc bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH XD và KD Nhà Bách Giang, Công ty TNHH XD TM Cao Nguyên.

Tin tức liên quan
ngan-hang-bidv-1669178085.jpg
Trái phiếu BIDV: Mua lại 12.672 tỷ đồng, phát hành thêm gấp đôi

Tính đến ngày 11/3, dư nợ tạm tính của Công ty Nhà Bách Giang là hơn 253 tỷ đồng, bao gồm 97 tỷ đông dư nợ gốc và hơn 155 tỷ đồng dư nợ lãi. Còn dư nợ tạm tính của Công ty Cao Nguyên là 262 tỷ đồng với hơn 100 tỷ đồng dư nợ gốc và 161 tỷ đồng dư nợ lãi.

Giá khởi điểm cho 2 khoản nợ này là hơn 235 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 54% so với tổng giá trị của 2 khoản nợ. Được biết, khoản nợ đã được BIDV rao bán 12 lần trước đó nhưng không thành công.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng cho biết đang phối hợp cùng tổ chức đấu giá tài sản chuyên nghiệp tiếp tục tiến hành bán đấu giá công khai khoản nợ của Công ty Cổ phần Phúc Đạt. Giá trị của khoản nợ tính đến ngày 31/3/2022 là hơn 161 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 105 tỷ đồng, lãi quá hạn là 48 tỷ đồng, lãi phạt quá hạn là 7,7 tỷ đồng.

Giá khởi điểm của khoản nợ được giảm xuống còn hơn 66 tỷ đồng, tương đương giảm 37% so với giá trị tại thời điểm ngày 31/3/2022.

NHNN chấp thuận cho VNPost thoái toàn bộ vốn tại LienVietPostBank

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tuần qua đã có văn bản chấp thuận đề nghị chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, HoSE: LPB).

Theo đó, NHNN chấp thuận đề nghị của LPB về việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost). Cụ thể, VNPost sẽ thoái toàn bộ hơn 122 triệu cổ phiếu LPB đang nắm giữ, tương đương 10,15% vốn.

Cổ phiếu LPB đang giao dịch ở mức giá 9.700 đồng/cổ phiếu (giá mở cửa phiên 22/11). Tạm tính theo thị giá của LPB, VNPost có thể thu về hơn 1.185 tỷ đồng nếu thoái vốn thành công.

Được biết, vào đầu năm 2022, VNPost từng chào bán đấu giá hơn 122 triệu cổ phiếu LPB với giá khởi điểm 28.930 đồng/cổ phiếu. Phiên đấu giá diễn ra không thành công khi hết hạn đăng ký mua cổ phần (từ ngày 25/1 đến ngày 16/2) chỉ có 7 nhà đầu tư là cá nhân trong nước đăng ký mua tổng cộng 800 cổ phần LPB do VNPost, tương đương số tiền tối thiểu thu về là hơn 23 tỷ đồng.

Đồng loạt đẩy lãi suất lên 10%: Căng thanh khoản, tranh nhau hút tiền 

Mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục được nhiều ngân hàng đẩy lên ngưỡng cao. Mức lãi suất quanh 9% đang ngày càng phổ biến. Thậm chí, có ngân hàng còn áp dụng mức lãi suất cao nhất tới 10%.

OceanBank hiện đứng đầu danh sách các ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất với lãi suất tới 10%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng từ ngày 18-29/11/2022 với các khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng mở tại quầy trong chương trình “Ngày vàng gửi tiền, rinh liền lãi đỉnh”. Mức lãi suất 9,2%/năm dành cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 18-36 tháng với hình thức gửi tại quần. Với các khoản tiền gửi kỳ hạn 18-36 tháng ở hình thức trực tuyến, mức lãi suất là 9,5%/năm.

MSB đứng thứ 2 với lãi suất cao nhất lên đến 9,9%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng cho khách hàng chưa có sổ tiết kiệm, tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi tại ngân hàng và gửi tiết kiệm online tối thiểu từ 1 triệu đồng, kỳ hạn 24 tháng. Chương trình cũng giới hạn mỗi khách chỉ được mở 1 sổ tiết kiệm 1 lần và số tiền tối đa mỗi khách hàng có thể tham gia là 5 tỷ đồng.

Hiện các ngân hàng thương mại đang rất khó khăn về hệ số an toàn vốn. Bởi dư nợ cho vay và tổng huy động trong hệ thống ngân hàng đang tương đương nhau. Điều này có nghĩa là các ngân hàng đã cho vay gần hết nguồn vốn. Vậy nên ngân hàng phải nâng lãi suất để tăng cường huy động.

Lãi suất huy động nâng lên buộc lãi suất cho vay cũng tăng theo. Hiện các ngân hàng đang cho vay mới với mức lãi suất trung bình từ 12-14%/năm. Thậm chí, một số ngân hàng có lãi suất cho vay ở kỳ hạn 12 tháng lên tới 16%/năm.

Hiện mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã về lại vùng trước dịch Covid-19, thậm chí cao hơn, với mức tăng trung bình 3-4%/năm so với cuối năm 2021.

Giới chuyên gia nhận định, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022. Điều này là do nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi; tăng trưởng huy động không theo kịp tăng trưởng tín dụng; nhu cầu tiền mặt mùa Tết Nguyên đán tăng cao... Nhưng mức tăng lãi suất huy động trong thời gian còn lại của năm sẽ không còn lớn như trong 2 tháng vừa qua.

Loạt ngân hàng chi chục nghìn tỷ mua lại trái phiếu trước hạn

Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trong 9 tháng năm 2022 là hơn 142.000 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, riêng khối TCTD có một số ngân hàng thương mại như BIDV mua lại lượng trái phiếu trước hạn với giá trị 12.672 tỷ đồng; VIB là 8.800 tỷ đồng; LienVietPostBank là 8.000 tỷ đồng; SHB là 5.450 tỷ đồng, TPBank là 4.900 tỷ đồng; OCB là 4.700 tỷ đồng...

Tin tức liên quan
lienvietpostbank-da-chot-danh-sach-nha-dau-tu-so-huu-lo-trai-phieu-ma-lpb7y202001-va-se-tien-hanh-mua-lai-tu-ngay-24-thang-11-1669253319.png
LienVietPostBank mua lại trước hạn hơn 1.800 tỷ đồng trái phiếu

Trong thông báo mới nhất, LienVietPostBank cho biết, ngày 24/11 sẽ tiếp tục mua lại 1.814 tỷ đồng trái phiếu sau 2 năm kể từ ngày phát hành theo quyền mua lại của tổ chức phát hành, với mức giá mua lại là mệnh giá (10 triệu đồng/trái phiếu). LienVietPostBank đã chốt danh sách người sở hữu trái phiếu vào ngày 15/11.

Theo dữ liệu thống kê, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản là những nhóm tổ chức dẫn đầu về phát hành trái phiếu trong thời gian qua. Trong đó, theo giới chuyên môn, các ngân hàng được đánh giá là có độ uy tín và tình hình kinh doanh ổn định hơn so với các doanh nghiệp khác trên thị trường. TPDN do ngân hàng phát hành được đánh giá có độ an toàn cao hơn.

Để mua lại trái phiếu trước hạn các DN phải có lượng tiền mặt lớn và tự tin về kết quả kinh doan trong tương lai của mình. Với các NH thì điều này dường như thuận lợi hơn khi qua 3 quý năm 2022, các NH đều có lợi nhuận tốt. Trong các ngân hàng thực hiện mua lại TPDN trên đây đều có lợi nhuận hàng nghìn tỷ, thậm chí vượt 10 nghìn tỷ như BIDV và xấp xỉ mức mức 10 nghìn tỷ như: SHB, VIB; lợi nhuận tăng vọt và về đích lợi nhuận sớm như: LienVietPostBank.

Tiền vào thấp xa tăng tín dụng, ngân hàng chưa dứt nỗi lo thanh khoản

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tuần qua đã cập nhật số liệu về tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng. Theo đó, tiền gửi vào hệ thống tổ chức tín dụng đã tăng trở lại trong tháng 9, thêm hơn 106 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, tiền gửi của dân cư vẫn tăng trưởng dương nhưng tốc độ tăng chậm lại. Cụ thể, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư cuối tháng 9 đạt 5,63 triệu tỷ đồng, chỉ tăng thêm 1.436 tỷ so với cuối tháng 8. Trước đó, trong tháng 7 và tháng 8, tiền gửi dân cư tăng thêm hơn 17.500 tỷ đồng.

Trong khi đó, tiền gửi của nhóm khách hàng tổ chức kinh tế trong tháng 9 cũng tăng thêm gần 105.000 tỷ đồng, đạt 5,78 triệu tỷ đồng. Tuy vậy, mức tăng này vẫn chưa bù lại được mức sụt giảm hơn 170.000 tỷ đồng của 2 tháng trước đó. Trong tháng 8, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm tới hơn 87.783 tỷ đồng. Tháng 7, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng giảm 83.524 tỷ đồng so với tháng 6.

Như vậy, sau 2 tháng giảm liên tiếp, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng đã tăng trở lại và vượt mốc 1,4 triệu tỷ đồng.

Tốc độ tăng trưởng tiền gửi vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Trong 9 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng trưởng tới 11,05%, đạt hơn 11,57 triệu tỷ đồng.

Thực tế, chênh lệch giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng đã chuyển sang trạng thái âm kể từ tháng 7, gây sức ép lên thanh khoản của nhiều ngân hàng thương mại.

Techcombank chuẩn bị rót hơn 10.000 tỷ đồng vào TCBS

Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) trong tuần qua đã thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thay đổi kế hoạch triển khai phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ.  

Cụ thể, TCBS sẽ thực hiện chào bán riêng lẻ 105 triệu cổ phiếu với giá chào bán dự kiến là 95.600 đồng/cổ phiếu. Mục đích chào bán được TCBS công bố là duy trì vị thế của TCBS trong các mảng kinh doanh cốt lõi gồm cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư và quản lý tài sản,... đáp ứng được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng thị phần và số lượng khách hàng và nhu cầu khách hàng trong mảng kinh doanh giao dịch cổ phiếu và vay ký quỹ trong thời gian tới. Đồng thời, công ty muốn đẩy mạnh hơn hoạt động tự doanh, đầu tư công nghệ và khoa học dữ liệu.

TCBS cũng cho biết sau khi xem xét và đánh giá, ĐHĐCĐ công ty đã thông qua nhà đầu tư đáp ứng tiêu chí là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).

Tổng số tiền thu được theo giá dự kiến là 10.038 tỷ đồng. Sau đợt chào bán, vốn điều lệ của TCBS sẽ tăng thêm 1.050 tỷ đồng lên hơn 2.176 tỷ đồng.

Giá USD 'chợ đen' giảm mạnh, mất mốc 25.000 đồng

Sau khi chạm mốc 25.500 đồng/USD vào giữa tháng 10, giá USD trên thị trường tự do gần đây giảm mạnh. Giá USD 'chợ đen' vào ngày 24/11 đã chính thức mất mốc 25.000 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.

Giá USD tự do vào sáng 24/11 được giao dịch quanh mức 24.870 - 24.940 đồng/USD (mua vào - bán ra), giảm 80 đồng ở chiều mua và giảm 110 đồng ở chiều bán ra so với hôm qua.

Trước đó, vào ngày 22/11, tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh 100 đồng ở chiều mua vào và tăng 50 đồng ở chiều bán ra, lên mức 24.950 - 25.050 đồng/USD (mua vào - bán ra).

So với mức đỉnh 25.500 đồng/USD thì giá USD trên thị trường tự do vào ngày 24/11 đã giảm tới 560 đồng ở chiều bán. Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của đồng USD trên thị trường "chợ đen" được thu hẹp, còn 70 đồng/USD.

Ở thị trường chính thức, giá USD cũng đang có xu hướng giảm.

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) vào ngày 24/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.671 đồng/USD, giảm 1 đồng so với ngày 23/11.

Với biên độ +/-5% đang áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng ngày 24/11 là 24.855 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.487 đồng/USD.

Tín hiệu nới cửa tín dụng cho doanh nghiệp vào tháng cuối năm?

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trong tuần qua đã thông báo giảm lãi suất tới 1%/năm với các khoản vay VND cho các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu. Chương trình được triển khai từ 1/11 đến hết 31/12.

Tuy nhiên, Vietcombank lưu ý, chính sách giảm lãi suất nói trên không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…

Đến nay, mới chỉ có Vietcombank là ngân hàng đầu tiên công bố giảm lãi suất cho vay.

Động thái giảm lãi suất cho vay của Vietcombank lần này diễn ra trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng thương mại liên tục tăng lãi suất huy động.

Lãi suất huy động liên tục tăng đẩy lãi suất cho vay lên cao. Với doanh nghiệp, lãi vay từ 6-7%/năm nay đã tăng lên mức 10-11%/năm. Với khách hàng cá nhân vay mua nhà, mua xe, mặt bằng lãi suất cho vay đã lên mức 12-15%/năm, thậm chí có ngân hàng đẩy lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên mức 16%/năm.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM mới đây đã có văn bản gửi tổng giám đốc các tổ chức tín dụng trên địa bàn yêu cầu tiếp tục cho vay và xem xét giảm lãi suất đối với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường vào dịp cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán Quý Mão và năm 2023.

NHNN cũng vừa có công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng vốn cho vay sản xuất kinh doanh.

Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ngan-hang-tuan-qua-rao-ban-khoan-no-tram-ty-mua-lai-chuc-nghin-ty-trai-phieu-truoc-han-a193152.html