Tin mới về y tế ngày 1/12: Lên án hành vi "vẽ bệnh, moi tiền" của một số phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài

Sau một thời gian tạm lắng do dịch Covid-19, gần đây một số phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài lại tái xuất hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong hành nghề khám, chữa bệnh.

Cần tăng nặng xử phạt phòng khám tư nhân có yếu nước ngoài vi phạm pháp luật

Điều đáng lên án là không ít phòng khám đã từng có vi phạm, bị xử phạt ở khung cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành.

Sở Y tế TP.HCM kêu gọi người dân và nhân viên y tế cùng hỗ trợ ngành y tế phát hiện và kịp thời thông báo về Thanh tra Sở Y tế bằng cách gọi đường dây nóng hoặc thông báo qua ứng dụng “Y tế trực tuyến” hoặc bất cứ hình thức nào có thể để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Trước những hành vi vi phạm pháp luật khám, chữa bệnh cứ tái diễn, và chỉ xảy ra ở một số cơ sở y tế tư nhân (có yếu tố nước ngoài), Ngành Y tế TP.HCM kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó, cần quy định bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải qua kỳ thi chứng chỉ hành nghề, bắt buộc phải thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt khi khám bệnh, và các quy định này sớm có hiệu lực khi được ban hành.

phong-kham-da-khoa-hong-phong-ve-benh-thu-tien-1669878551.jpg
Trong 10 tháng đầu năm 2022, phòng khám đa khoa Hồng Phong (TP.HCM) bị tước giấy phép hoạt động 2 lần

Cần tăng nặng các hình thức xử phạt như thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động nếu tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề khám, chữa bệnh.

Bên cạnh việc chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế duy trì thường xuyên (không chỉ chiến dịch) công tác thanh, kiểm tra các phòng khám có yếu tố nước ngoài và từng vi phạm, tiếp tục xử lý nghiêm với mức hình phạt cao nhất theo quy định hiện hành.

Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường phối hợp trong quản lý hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn.

Phòng Y tế phối hợp với các bộ phận chức năng của địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các địa chỉ phòng khám từng vi phạm, đang vi phạm và bị tạm đình chỉ ngưng hoạt động, buộc các cơ sở vi phạm ngưng quảng cáo, che hoặc gỡ biển hiệu trong thời gian bị tạm ngưng hoạt động.

Thu hồi thuốc giả Phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn

Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền- Bộ Y tế vừa công văn số 1397/YDCT-QLD về việc thu hồi thuốc giả Phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn.

Thuốc Phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn, Số đăng ký: VD-93312-13 chưa được cấp Giấy đăng ký lưu hành; Cơ sở đông nam dược Thái Sơn, địa chỉ: 399 Trần Hưng Đạo, Ba Đình, Hà Nội, chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và thuốc có trộn với Paracetamol. Căn cứ quy định tại khoản 33 Điều 2 Luật dược số 105/2016/QH13, thuốc Phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn nêu trên là thuốc giả.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành:

Thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và trên Trang thông tin điện tử của Sở Y tế thông tin về thuốc giả có tên: Phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn, SĐK: VD-93312-13 do CSĐND Thái Sơn, địa chỉ: 399, Trần Hưng Đạo, Ba Đình, Hà Nội sản xuất.

Phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm nêu trên.

Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn, xác minh thông tin và truy tìm nguồn gốc về sản phẩm thuốc giả nêu trên, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành; kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc giả nêu trên.

Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm và thông tin về thuốc giả (bao gồm cả hình ảnh sản phẩm, nhãn, hướng dẫn sử dụng) về Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền để thông báo rộng rãi cho người sử dụng biết, tránh sử dụng thuốc giả, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ.

Phân bổ 600.000 liều vắc-xin Covid-19 Moderna cho các địa phương

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương- Bộ Y tế vừa có quyết định phân bổ Đợt 182 gồm 600.000 liều vắc-xin Moderna (0,25ml) do COVAX Facility viện trợ để phục vụ nhu cầu tiêm chủng của các địa phương.

Các đơn vị tiếp nhận vắc-xin và tổ chức tiêm ngay số vắc-xin phòng Covid-19 được phân bổ và báo cáo kết quả thực hiện về Cục Y tế dự phòng, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh/thành phố theo phân vùng quản lý. 

Vắc-xin Moderna phân bổ đợt này hiện đang được bảo quản tại nhiệt độ từ -25°C đến -15°C được sử dụng để ưu tiên tiêm mũi 2 cho trẻ từ 6- dưới 12 tuổi đã được tiêm mũi 1 là vắc-xin Moderna (liều 0,25ml cho mỗi trẻ). Trường hợp trẻ đủ 12 tuổi sẽ tiêm liều 0,5ml theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu các địa phương đã triển khai tiêm trả hết mũi 2 cho trẻ mà vẫn còn thừa thì có thể sử dụng vắc-xin Moderna để tiêm mũi nhắc lại cho người lớn với liều lượng là 0,25ml. 

Đến hết tháng 11/2022, tổng số liều vắc-xin Covid-19 đã được tiêm ở nước ta là 264.309.544 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 222.897.678 liều: Mũi 1 là 71.078.084 liều; Mũi 2 là 68.683.520 liều; Mũi bổ sung là 14.499.819 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.573.743 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.062.512 liều;

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.766.003 liều: Mũi 1 là 9.125.615 liều; Mũi 2 là 8.938.129 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.702.259 liều;

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 17.645.863 liều: Mũi 1 là 10.113.300 liều; Mũi 2 là 7.532.563 liều.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tin-moi-ve-y-te-ngay-112-len-an-hanh-vi-ve-benh-moi-tien-cua-mot-so-phong-kham-tu-nhan-co-yeu-to-nuoc-ngoai-a193805.html