Ép người vay vốn phải mua kèm bảo hiểm?

Cuối năm, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết họ đang phải đối mặt với tình trạng nhũng nhiễu của một số ngân hàng thương mại khi đi vay vốn.

Khách hàng cần tìm hiểu kỹ trước khi mua bảo hiểm qua ngân hàng.

Khách hàng cần tìm hiểu kỹ trước khi mua bảo hiểm qua ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết vừa nhận được phản ánh của các hiệp hội doanh nghiệp (DN), hội DN thành phố và hội DN ngành nghề trên địa bàn, cho biết khi DN muốn vay vốn phải mua bảo hiểm mới được ngân hàng xem xét cho vay. Việc này đã làm tăng thêm chi phí vốn cho DN trong bối cảnh các chi phí đầu vào đang có xu hướng tăng cũng như không đúng tinh thần cải cách hành chính của ngành ngân hàng.

Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng trên địa bàn về việc tăng cường hoạt động hỗ trợ khách hàng vay vốn, sử dụng dịch vụ ngân hàng. Theo đó yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm. Các tổ chức tín dụng phải rà soát toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp “ép” khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thật sự cần thiết khi cấp tín dụng cho khách hàng, bảo đảm phê duyệt hồ sơ, giải ngân cho khách hàng đúng quy định.

Việc vay vốn bị nhân viên ngân hàng “gợi ý” gần như ép buộc phải mua bảo hiểm không phải là chuyện mới. Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm. Điều này nhằm bảo đảm việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng.

Vì vậy, việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các ngân hàng là cần thiết, nhất là trong bối cảnh chi phí sản xuất của DN bị đội lên cao, do lãi suất, tỷ giá, giá nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển… đều tăng mạnh so với trước đây.

Cũng cần nhắc lại, Luật Kinh doanh bảo hiểm nghiêm cấm “cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm”, nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng. Quy định pháp luật cũng yêu cầu tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo khách hàng được cung cấp đầy đủ thông tin khi tham gia bảo hiểm. Đặc biệt đối với kênh ngân hàng, do đặc thù riêng của kênh phân phối này, Thông tư liên tịch số 86 do Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước ban hành năm 2014 đã có quy định tổ chức tín dụng có nghĩa vụ: “Giải thích cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và không mang tính bắt buộc”.

Vì vậy gần đây xuất hiện tình trạng một số nhân viên ngân hàng cố tình ép khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ mới xem xét cho vay hoặc tư vấn không đầy đủ, khiến khách hàng bức xúc.

Về vấn đề này, ông Bùi Gia Anh - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng cho rằng các DN bảo hiểm cần hiểu rằng khách hàng có cảm xúc tiêu cực khi mua bảo hiểm qua ngân hàng. Trên thực tế, nếu khách hàng không hài lòng thì cả ngân hàng và DN bảo hiểm đều thiệt. Bởi nếu khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm chỉ cốt để “xong việc”, không phải xuất phát từ nhu cầu của bản thân và gia đình được bảo vệ tài chính, thì họ sẽ có thể hủy hợp đồng một thời gian sau đó; trong khi mục tiêu của DN bảo hiểm là có được khách hàng lâu dài, khách hàng tiếp tục thực hiện các giao dịch và sử dụng các dịch vụ khác của ngân hàng.

Còn theo Luật sư Bùi Quang Nghiêm - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, về phía khách hàng khi được nhân viên ngân hàng tư vấn mua bảo hiểm thì cần biết rằng trong bất cứ tình huống nào, luôn có 21 ngày để đọc và cân nhắc các điều khoản có trong hợp đồng nhằm đưa ra quyết định đúng đắn.

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã có công văn chấn chỉnh tình trạng “bán bia kèm lạc” khi ngân hàng ép khách hàng vay vốn phải mua thêm các loại bảo hiểm không liên quan. Theo đại diện Bộ Tài chính, thời gian tới, sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện cơ chế chính sách, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng nhằm đảm bảo hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng tuân thủ nghiêm túc quyền tự do lựa chọn DN bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Trường hợp phát hiện có vi phạm quy định về hoạt động đại lý sẽ có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời theo quy định tại hợp đồng đại lý bảo hiểm và quy định pháp luật có liên quan.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ep-nguoi-vay-von-phai-mua-kem-bao-hiem-a194040.html