Năm 2004, UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) cho Ban Quản lý Dự án thủy điện 2 mượn đất để các nhà thầu thi công làm nhà ở cho công nhân, nhà điều hành xây dựng thủy điện Bản Vẽ tại xã Yên Na. Năm 2011, thủy điện hoàn thành, đưa vào sử dụng, nhưng thay vì trả lại đất cho huyện Tương Dương, một số nhà thầu đã tự ý bán nhà trên đất cho người dân địa phương.
Gia đình anh Vi Văn Xay hiện đang ở trong khu nhà điều hành của Công ty Cavico. Anh kể, ngày xưa, nhà anh ở bản Khe Ò (cùng xã Yên Na), do nhà trong vùng sạt lở nên khi nghe Công ty Cavico bán lại nhà điều hành, bố mẹ anh đã bỏ tiền ra mua lại. Việc mua bán này chỉ thỏa thuận miệng, không có giấy tờ. Tương tự, gia đình ông Vi Thanh Bình đang ở trong khu nhà công nhân của Chi nhánh Công ty CP Sông Đà 410, được ông mua lại với giá 50 triệu đồng.
Ông Bình lo lắng: “Lỡ mua lại nhà của họ rồi, giờ chỉ mong được chính quyền quan tâm, quy hoạch sao đó để gia đình có một suất đất ở”. Trong khi đó, gia đình bà Lương Thị Mai trước đây trông coi kho bãi cho Công ty Cavico nên được công ty cho ở 2 gian nhà của ban điều hành. Khi công ty xong việc, chuyển đi thì gia đình bà ở lại “định cư” luôn.
Ông Lương Thanh Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Na, cho biết, thời điểm năm 2011, khu dân cư bản Khe Ò xảy ra sạt lở rất nguy hiểm. Trước tình hình đó, xã và huyện cho di dời khẩn cấp 7 hộ dân. Các hộ dân này được phép tự tìm kiếm chỗ ở tạm nên họ đã mua lán trại của một số nhà thầu để ở. “Khi các công ty rút đi, họ tự ý bán tài sản trên đất cho dân mà không báo với chính quyền địa phương. Phần lớn bà con không hiểu quy định của pháp luật, một số biết nhưng vẫn mua, coi như chuyện đã rồi. Xã đã họp dân nhiều lần, vận động bà con bàn giao lại đất, đồng thời có báo cáo lên cấp trên”, ông Truyền cho hay.
Theo báo cáo của Phòng TN-MT huyện Tương Dương, diện tích đất chủ đầu tư thủy điện Bản Vẽ mượn của huyện nhưng đến nay chưa được bàn giao lại là 76,76ha, trong đó có hơn 5,4ha rất khó thu hồi. Ông Nguyễn Phùng Hùng, Trưởng Phòng TN-MT huyện Tương Dương, cho biết: “Trước hết, trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Bản Vẽ (trước đây là Ban Quản lý Dự án thủy điện 2). Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư phải hoàn trả mặt bằng “sạch” trước khi bàn giao đất cho địa phương quản lý. Nhưng, khi thi công xong công trình, các nhà thầu lại tự ý bán tài sản trên đất, dẫn đến khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng. Trong lúc đó, các nhà thầu hoặc đã giải tán, hoặc không có mặt tại địa phương để phối hợp giải quyết vấn đề”.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/thuy-dien-ban-ve-muon-dat-roi-chiem-luon-a194288.html