Vạch trần chiêu hô biến đất công của doanh nghiệp nhà nước

Nhiều doanh nghiệp nhà nước tại TP.HCM đã 'hô biến' đất công không qua đấu giá thành tài sản giúp tư nhân hưởng lợi bằng nhiều hình thức.

Một khu đất vàng thuộc doanh nghiệp nhà nước (Vinafood2) tại TP.HCM đã bị “hô biến” vào tay tư nhân

Một khu đất vàng thuộc doanh nghiệp nhà nước (Vinafood2) tại TP.HCM đã bị “hô biến” vào tay tư nhân

Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc quản lý của UBND TP.HCM đã “hô biến” đất công không qua đấu giá thành tài sản giúp tư nhân hưởng lợi bằng nhiều hình thức, thậm chí biến tướng bằng các kiểu hợp đồng như hợp đồng góp vốn bằng lợi thế quyền thuê đất, lợi thế mặt bằng. Theo cơ quan chức năng, hợp đồng biến hóa, nhưng bản chất vẫn không biến đổi.

100% đấu giá hay không đấu giá?

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu vừa ký Văn bản số 223/BC-UBND ngày 28/11/2022 gửi Thanh tra Chính phủ báo cáo kết quả thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2021.

Việc này thực hiện theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 7/2022 đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình chuyển đổi mục đích sử dụng đất, kết quả chuyển đổi mục đích sử dụng đất như tổng số vị trí đất đai và diện tích đất của DNNN, doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc quản lý của bộ, ngành, tỉnh, thành phố giai đoạn 2011 - 2021 đã thực hiện chuyển đổi sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở; báo cáo tổng số vị trí đất đai, diện tích đất đã chuyển đổi theo hình thức giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá; số vị trí đất đai được chuyển đổi thông qua đấu giá quyền sử dụng đất…

Trong 10 năm (2011 - 2021), qua 8 cuộc thanh tra 28 vị trí đất với tổng diện tích 5.949.956,80 m2 của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa, TP.HCM phát hiện vi phạm về tài chính: 215.072,22 triệu đồng; vi phạm về đất đai: 6.433.569,5 m2 đất.

TP.HCM đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 27.650,35 triệu đồng; kiến nghị thu hồi 129.743,5 m2 đất; xử lý kỷ luật hành chính 11 tổ chức và 18 cá nhân; chuyển 7 vụ việc sang cơ quan điều tra.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, giai đoạn trên, toàn Thành phố có 70 vị trí đất đai với tổng diện tích 1.389.542 m2 được DNNN, doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc quản lý của UBND TP.HCM chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở.

UBND TP.HCM cho hay, 100% đất chuyển đổi của DNNN, doanh nghiệp thuộc quản lý của UBND TP.HCM đều được chuyển đổi theo hình thức đấu giá khi nêu: “Tổng số vị trí đất đai và diện tích đất chuyển đổi theo hình thức giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá: 0; tổng số vị trí đất đai và diện tích đất chuyển đổi theo hình thức đấu giá: 70 vị trí đất đai với tổng diện tích là 1.389.542 m2”.

Thế nhưng, tài liệu phóng viên Báo Đầu tư thu thập được lại thể hiện ngược lại: từ giai đoạn 2011 - 2021, tất cả diện tích trên đều chuyển đổi không qua đấu giá, mà 100% là hình thức giao đất có thu tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất 8.996,4 tỷ đồng.

Chính báo cáo của UBND TP.HCM cũng nêu rõ và thể hiện, tư liệu của phóng viên Báo Đầu tư chính xác khi viết: “Tổng hợp số tiền phải thu từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở: 8.996,4 tỷ đồng; tổng tiền đã thu: 8.501,1 tỷ đồng; miễn thu 495,3 tỷ đồng (miễn tiền sử dụng đất nhà ở xã hội)”.

Trụ sở Công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV, nơi có hàng loạt sai phạm và cơ quan công an đã khởi tố, bắt nguyên Chủ tịch HĐTV và nguyên Tổng giám đốc hồi tháng 11/2022

Trụ sở Công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV, nơi có hàng loạt sai phạm và cơ quan công an đã khởi tố, bắt nguyên Chủ tịch HĐTV và nguyên Tổng giám đốc hồi tháng 11/2022

Biến tướng hợp đồng, nhưng không biến đổi được bản chất

Theo UBND TP.HCM, trong giai đoạn 2011 - 2021, Thành phố thực hiện 8 cuộc thanh tra 28 vị trí đất, tổng diện tích là 5.949.956,80 m2 đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở của DNNN, doanh nghiệp cổ phần hóa trong giai đoạn 2011 - 2021.

Theo đó, các vi phạm pháp luật chủ yếu phát hiện qua thanh tra chủ yếu là vi phạm của doanh nghiệp/chủ đầu tư dự án.

Sai phạm dạng “kinh điển” là hành vi doanh nghiệp thực hiện chuyển nhượng hoặc hợp tác góp vốn bằng tài sản là công trình trên đất, sau đó chuyển quyền được thuê đất của Nhà nước và quyền được phát triển dự án, quyền thuê đất của Nhà nước cho các đối tác hoặc pháp nhân mới để toàn quyền thực hiện phát triển dự án.

“Chiêu thức” DNNN thực hiện góp vốn tham gia liên doanh, liên kết, hoặc thành lập công ty liên doanh, liên kết (gọi tắt là pháp nhân mới) để triển khai các dự án kinh doanh bất động sản, theo UBND TP.HCM, thực chất là chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư, nhưng không thông qua thủ tục đấu thầu chọn nhà đầu tư, hoặc đấu giá bán tài sản (dự án đầu tư).

Hoạt động này đã biến tướng bằng các kiểu hợp đồng như hợp đồng góp vốn bằng lợi thế quyền thuê đất, lợi thế mặt bằng... nhưng bản chất vẫn là góp vốn quyền thuê đất.

Có trường hợp DNNN đã sử dụng hợp đồng hợp tác để cập nhật thông tin biến động trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, từ đó giao cho đối tác toàn quyền triển khai, thực hiện dự án, khai thác, kinh doanh dự án, mà chưa được chủ sở hữu và cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Khi hợp tác đầu tư, DNNN không thẩm định lợi thế quyền thuê đất, lợi thế mặt bằng làm cơ sở góp vốn; giao toàn quyền cho đối tác khai khác dự án và phân chia lợi nhuận cố định mà không cử nhân sự tham gia, hoặc cử nhân sự không có đủ năng lực chuyên môn tham gia ban điều phối dự án.

Đó là chưa nói, có không ít DNNN đã sử dụng đất thuê của Nhà nước không đúng mục đích giao, thuê, sử dụng đất đai, mặt bằng không phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh chính của đơn vị, không đúng phương án cổ phần hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Có nhiều doanh nghiệp sai phạm tới mức, TP.HCM đã chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc. Điển hình nhất là vụ việc Công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV, cơ quan chức năng thanh tra 15 khu vực đất doanh nghiệp này quản lý và phát hiện “có vấn đề” nên đã chuyển sang cơ quan công an điều tra làm rõ. Trong tổng 18 cá nhân bị xử lý của toàn TP.HCM trong 10 năm qua, thì Công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV chiếm tới 15 người.

Lỗi do người đứng đầu và tham mưu?

Trong báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ, UBND TP.HCM cho rằng, các sai phạm trong việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở của DNNN, doanh nghiệp cổ phần hóa xuất phát từ 2 nguyên nhân.

Thứ nhất, các sở, ngành chuyên môn tham mưu cho UBND TP.HCM trong việc đánh giá, nhận định và áp dụng các quy định pháp luật chưa đầy đủ, nên tham mưu thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp quy định pháp luật.

Thứ hai, qua thực tế công tác thanh tra cho thấy, ngoài việc chủ ý thực hiện hành vi vi phạm, còn có các thiếu sót, sai phạm xảy ra do người quản lý DNNN, đặc biệt những vị trí đứng đầu như tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng thành viên nhận thức không đầy đủ về trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan và chưa đảm bảo lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp và Nhà nước.

Từ đó, UBND TP.HCM cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở của các DNNN, doanh nghiệp cổ phần hóa, thì cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất công. Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn, tài sản công; xử lý và thu hồi ngay đối với các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, các dự án có sai phạm trong đấu thầu, đấu giá.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa đảm bảo sử dụng đúng mục đích tại phương án sử dụng được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, kiên quyết xử lý các trường hợp sử dụng sai mục đích. Ngoài ra, cần tăng cường xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý đất đai điện tử.

Thanh tra đột xuất 15 tổ chức sử dụng đất

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa công bố Quyết định số 1179/QĐ-STNMT-TTr về việc thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức sử dụng đất trên địa bàn TPHCM đối với 15 tổ chức đang sử dụng đất.

15 đơn vị sử dụng đất sẽ được thanh tra gồm 2 đơn vị sự nghiệp công lập; 7 công ty cổ phần; 3 doanh nghiệp nhà nước và 3 công ty tư nhân. Trong đó có Tổng công ty B.T, Công ty cổ phần R.Đ.H, Công ty Đ.M.K…

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, việc thanh tra lần này là thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường giám sát để các tổ chức được giao đất, thuê đất sử dụng đất một cách hiệu quả nhất; đúng mục đích; đồng thời thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc, sau khi có kết luận thanh tra của Thanh tra Thành phố, thì việc thực hiện kết luận thanh tra của các đơn vị liên quan như thế nào.

Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện những vấn đề chưa đúng, có tính chất khách quan, thì sẽ hướng dẫn đơn vị thực hiện cho đúng quy định của pháp luật; nếu phát hiện những sai phạm có tính chất hệ thống, cố ý, kéo dài, thì sẽ xử lý nghiêm…

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vach-tran-chieu-ho-bien-dat-cong-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-a194561.html