Những cái bẫy đặt sẵn ở phòng khám "vẽ bệnh, moi tiền"
Phòng khám đa khoa Hồng Phong (Quận 5) bị kiểm tra 4 lần, xử phạt vi phạm hành chính 2 lần với số tiền 235 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động mức cao nhất là 24 tháng.
Từng là nạn nhân của phòng khám “vẽ bệnh, moi tiền”, ông Q.K. (54 tuổi, Đồng Nai) vẫn không khỏi rùng mình khi nhớ lại: Cuối tháng 5/2022, ông mắc phải bệnh lý đi tiểu đêm nhiều lần. Khi đang lướt Faebook thấy bài đăng quảng cáo của Phòng khám đa khoa N. V (Quận 10) chuyên điều trị những bệnh khó nói của nam giới, tiểu đêm, với hi vọng hết bệnh, ông nhắn tin hỏi thăm thì được một nhân viên nữ tư vấn và mời nhiệt tình.
“Hầu như ngày nào, phòng khám này cũng nhắn tin, gọi điện liên tục hỏi thăm và hối tôi đi khám. Nghĩ cơ sở dịch vụ chăm sóc tốt nên tôi đã quyết tâm lên để thăm khám. Tới nơi, tôi được yêu cầu tắt hết nguồn điện thoại và nằm lên bàn kiểm tra, hai người tự xưng là bác sĩ luồn ống thông nước tiểu. Sau khi luồn, những người này thông báo tôi có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt phải tiêm một loại thuốc giá 18 triệu (khỏi 50%) và 22 triệu (khỏi 90%). Đang trong tâm thế hoảng loạn, tôi đồng ý tiêm loại 22 triệu và chuyển khoản cho họ”, ông Q. K. nói.
Sau khi về đến nhà thấy tình trạng bệnh không hết, ông K. mở hóa đơn thuốc được truyền kiểm tra thì "tá hỏa" đó là oxy già và thuốc sát khuẩn chỉ có giá vài chục ngàn đồng. Biết mình bị lừa, ông K. đã đến bệnh viện thăm khám lại và được bác sĩ cho thuốc uống chi phí chỉ hết 1,2 triệu đồng và đã khỏi bệnh.
“Tôi có đến phòng khám để kiện nhưng họ lại viện đủ lý do, đồng thời có một người đàn ông cao to xăm trổ, mặc áo ba lỗ liên tục quan sát tôi đi vào phòng khám khiến tôi sợ không dám quay lại. Tôi rất bức xúc và muốn cơ quan pháp luật trừng trị nghiêm”, ông K. bức xúc nói.
Trước khi bị Thanh tra Sở Y tế tước giấy phép hoạt động, nhiều người bệnh đã trở thành nạn nhân của phòng khám Đa khoa Quốc Tế (Quận 1).
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, mới đây đơn vị đã phối hợp với các chuyên gia thuộc Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Bình Dân đã tiến hành kiểm tra đột xuất 12 phòng khám đa khoa từng bị xử lý vi phạm hành chính trước đây hoặc từng bị bệnh nhân tố về hành vi “vẽ bệnh, moi tiền”. Trong đó, có 4 cơ sở đăng ký người hành nghề là người nước ngoài, gồm phòng khám đa khoa Âu Á (Quận 6), Hoàn Cầu (Quận 5), Hồng Phong (Quận 5), Thăng Long (Quận 10).
Qua kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ghi nhận tại các phòng khám này ít nhiều đều có vi phạm các quy định hành nghề khám chữa bệnh, cụ thể như bố trí thêm phòng điều trị, bổ sung trang thiết bị y tế nhưng chưa báo cáo Sở Y tế; không đảm bảo điều kiện vệ sinh, không đủ dụng cụ để thực hiện các thủ thuật sản phụ cho người bệnh; nhân sự tham gia khám bệnh, chữa bệnh chưa đăng ký hành nghề theo quy định; nhân sự đã đăng ký hành nghề tại phòng khám nhưng không có mặt đầy đủ theo thời gian đã đăng ký hành nghề với Sở Y tế.
Khi kiểm tra hoạt động chuyên môn của các phòng khám này, các chuyên gia tham gia đoàn kiểm tra nhận thấy một số người hành nghề tại các phòng khám chưa nắm bắt được chuyên môn trong quá trình điều trị; chẩn đoán và điều trị chưa đúng phác đồ của Bộ Y tế; chỉ định kháng sinh không phù hợp phác đồ điều trị; không có chứng chỉ đào tạo chuyên môn phù hợp. Ngoài ra, lỗi hay gặp tại các phòng khám này là quảng cáo không đúng, không phù hợp với nội dung đã được Sở Y tế xác nhận; quảng cáo quá phạm vi chuyên môn đã được Sở Y tế cấp phép hoạt động như điều trị bệnh nam khoa, bệnh xã hội, bệnh trĩ...
Kiên quyết dẹp phòng khám “vẽ bệnh, moi tiền”
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, sau một thời gian tạm lắng xuống do dịch bệnh COVID-19, gần đây một số phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài lại tái xuất hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong hành nghề khám, chữa bệnh. Điều đáng xem xét đó là các phòng khám này từng vi phạm trước đây và từng bị xử phạt ở khung cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tại phòng khám này, Thanh tra Sở Y tế phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động khám chữa bệnh và tước chứng chỉ hành nghề 2 tháng của bác sĩ Phạm Văn Thuận vì có hành vi vụ lợi khi chỉ định sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Sở đã nhiều lần ra quyết định xử phạt ở khung cao nhất, có nơi bị phạt 315 triệu đồng và tước giấy phép hoạt động có thời hạn nhưng sau đó vi phạm vẫn tiếp diễn. Nhiều nơi sau đó đổi tên phòng khám nhưng vẫn hoạt động trên cùng địa chỉ ban đầu.
Cụ thể, tại địa chỉ 87-89 Thành Thái, Phường 14, Quận 10 trước đây là điểm hoạt động của phòng khám đa khoa khoa Elizabeth, đã bị Sở Y tế xử phạt với mức cao nhất là 315 triệu đồng vào năm 2014 với các sai phạm trong lĩnh vực y tế. Sau đó, địa chỉ này nhiều lần đổi tên thành phòng khám đa khoa Thành Thái, phòng khám đa khoa Khang Thái. Cả 2 phòng khám tiếp tục hoạt động với những chiêu trò "vẽ bệnh, thu tiền" người bệnh. Đến khi bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động có thời hạn, tại địa chỉ cũ phòng khám Khang Thái đã "đổi tên" thành phòng khám đa khoa Hồng Cường để tiếp tục hoạt động. Giữa tháng 8/2022, Sở Y tế cũng đã xử phạt 101 triệu đồng đối với phòng khám đa khoa Hồng Cường và bị tước giấy phép hoạt động do mắc nhiều lỗi sai phạm.
Trước tình trạng tái diễn những hành vi vi phạm pháp luật khám, chữa bệnh của một số cơ sở y tế tư nhân có yếu tố nước ngoài, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho rằng, rất cần bổ sung các hình phạt nghiêm khắc nhất đối với các phòng khám xem thường pháp luật, đồng thời tăng cường các quy định pháp luật về việc cho phép các bác sĩ nước ngoài hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam.
Cụ thể, ngành Y tế Thành phố đã có kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó cần quy định bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải qua kỳ thi chứng chỉ hành nghề, bắt buộc phải thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt khi khám bệnh; và các quy định này cần sớm có hiệu lực khi được ban hành. Bên cạnh đó, cần tăng nặng các hình thức xử phạt như thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động nếu tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề khám, chữa bệnh.
Bên cạnh việc chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế duy trì thường xuyên công tác thanh, kiểm tra các phòng khám có yếu tố nước ngoài và từng vi phạm, tiếp tục xử lý nghiêm với mức hình phạt cao nhất theo quy định hiện hành. Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường phối hợp với Sở Y tế trong quản lý hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn, cụ thể là chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với các bộ phận chức năng của địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các địa chỉ phòng khám từng vi phạm, đang vi phạm và bị tạm đình chỉ ngưng hoạt động, buộc các cơ sở vi phạm ngưng quảng cáo, che hoặc gỡ biển hiệu trong thời gian bị tạm ngưng hoạt động.
“Thanh tra Sở Y tế tiếp tục làm rõ và kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những phòng khám "vẽ bệnh, moi tiền" người bệnh và kết quả xử lý sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế để người dân được biết và cùng giám sát”, ông Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kêu gọi người dân và nhân viên y tế cùng hỗ trợ ngành y tế khi gặp tình huống các phòng khám “vẽ bệnh, moi tiền” bằng cách gọi số điện thoại nóng 0989.401.155 hoặc vào app “Y Tế Trực Tuyến” phản ánh trực tiếp đến Thanh tra Sở Y tế để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/kiem-tra-phong-kham-bi-to-ve-benh-moi-tien-deu-co-vi-pham-a195289.html