Ngày 8-12, trao đổi với báo chí, ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho hay việc quyết định nới room tín dụng thêm 1,5-2% để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực, mở rộng tín dụng đối với những doanh nghiệp, đối tượng, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế.
* Tại sao có những ngân hàng được nới room tín dụng 1,5%, có ngân hàng thì 2% và có ngân hàng lại không được nới room tín dụng, thưa ông?
- Việc phân bổ tín dụng có nhiều mong muốn và mục tiêu đặt ra. Trước hết, mục tiêu chính là tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng vào các lĩnh vực cần thiết. Nhưng việc phân bổ tín dụng chỉ dành cho những ngân hàng có thanh khoản dồi dào và thực hiện chính sách giảm lãi suất hiện nay.
Mặt khác, một số ngân hàng vẫn còn room tín dụng theo như đã được phân bổ từ đầu năm. Ví dụ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), dư địa tín dụng còn khá dồi dào nên không cần thiết phải nới room thêm lần này. Hay một số ngân hàng đang tăng lãi suất ở mức cao thì Ngân hàng Nhà nước thấy rằng cũng cần phải hạn chế tăng trưởng tín dụng…
Nói tóm lại, Ngân hàng Nhà nước dành room tín dụng, ưu tiên thỏa đáng cho những ngân hàng thương mại có khả năng thanh khoản cao và đặc biệt là những ngân hàng đang giảm lãi suất hiện nay.
Đây là một trong những chính sách để khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại cũng phải bằng mọi cách giảm chi phí hoạt động để tạo điều kiện hạ lãi suất cho các doanh nghiệp, dự án, lĩnh vực cần thiết lúc này.
* Thưa ông, với mức tăng 1,5%-2%, sẽ có khoảng bao nhiêu tiền được đưa vào nền kinh tế?
- Mức tăng 1,5-2% tương đương với 240.000 tỉ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Đến thời điểm hiện nay, tăng trưởng tín dụng đạt 12,2%. Như vậy, room tín dụng mà theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% vẫn còn 1,8%, cộng gần 2% tăng thêm thì có khoảng 3,8% room tín dụng cho thời gian tới.
Có thể nói, dư địa khá lớn cho các ngân hàng thương mại cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế. Nhưng điều quan trọng khi có thêm room tín dụng, các ngân hàng thương mại cũng phải chủ động, tích cực huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội để tạo nguồn cho vay.
* Tín dụng sẽ được ưu tiên vào những lĩnh vực nào, thưa ông?
- Đối tượng cần được tập trung cho vay trước hết là lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt, vốn ưu tiên cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế trong lúc này.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Thủ tướng cũng chỉ đạo quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là lĩnh vực giúp cho người dân có tiền mua nhà ở xã hội cũng như nhà ở phục vụ thực sự cho nhu cầu đời sống.
Từ trước đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho những lĩnh vực mua nhà ở xã hội của người dân được khơi thông cũng như có nguồn lực để người dân mua nhà.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/noi-room-tin-dung-them-240000-ti-dong-duoc-bom-vao-nen-kinh-te-a195516.html