Quốc Cường Gia Lai: Công ty mẹ lãi giảm về mức 1,6 tỷ, hơn 6.000 tỷ 'kẹt' tại dự án dở dang

QCG ghi nhận khoản phải trả ngắn hạn với giá trị 4.449 tỷ đồng. Trong đó, khoản tiền nhận của SunnyIsland cho Dự án Phước Kiển có giá trị lớn nhất đạt 2.882 tỷ đồng.

Công ty CP Quốc Cường - Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) công bố BCTC hợp nhất quý 3.2022 với doanh thu thuần ghi nhận 525 tỷ đồng, tăng 135% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức giá vốn bỏ ra trong kỳ tăng mạnh, bám đuổi “sát nút” với doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp kỳ này đạt 29 tỷ đồng, giảm hơn 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu tài chính tăng trưởng mạnh lên hơn 10 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 89% xuống hơn 1 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp đôi lên 6 tỷ đồng. Kết quả, Quốc Cường Gia Lai báo lãi quý 3 đạt 14 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận công ty mẹ đạt vỏn vẹn 1,6 tỷ đồng, giảm 84 % so với cùng kỳ năm trước.

Diễn biến lợi nhuận sau thuế của QCG (Đơn vị: Tỷ đồng).

Diễn biến lợi nhuận sau thuế của QCG (Đơn vị: Tỷ đồng).

Lũy kế 9 tháng, công ty ghi nhận doanh thu đạt 1.177 tỷ đồng, tăng 52%; lãi sau thuế đạt gần 44 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về tình hình tài chính của QCG, tính đến ngày cuối tháng 9, doanh nghiệp có tổng tài sản giảm nhẹ xuống mức 9.795 tỷ đồng. Trong cơ cấu tài sản, tài sản ngắn hạn chiếm 78% tương đương 7.663 tỷ đồng.

Trong khối tài sản kể trên, QCG có tới 7.134 tỷ đồng là hàng tồn kho, mặc dù giá trị hàng tồn kho đã giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm nhưng vẫn đang chiếm tới 93% tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp.

Theo công bố của Quốc Cường Gia Lai, giá trị hàng tồn kho lớn do đang “mắc kẹt” tới hơn 6.600 tỷ vào bất động sản dở dang. Với tình hình thị trường bất động sản như hiện tại, đây thực sự là một áp lực không nhỏ đối với QCG.

Bên cạnh đó, các khoản phải thu ngắn hạn của QCG tăng từ mức 288 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 431 tỷ đồng thời điểm hết quý 3. Trong đó, giá trị lớn nhất là các khoản phải thu từ khách hàng.

Trong số nợ phải trả, QCG ghi nhận khoản phải trả ngắn hạn với giá trị 4.449 tỷ đồng. Trong đó, khoản tiền nhận của Sunny Island cho Dự án Phước Kiển có giá trị lớn nhất đạt 2.882 tỷ đồng.

Được biết, trước đó, giữa Quốc Cường Gia Lai và Sunny Island từng xảy ra “lùm xùm” trong việc chuyển nhượng Dự án Phước Kiển. Hai doanh nghiệp này thậm chí đã có đơn tố giác và khởi kiện tới cơ quan chức năng để giải quyết tranh chấp. Vụ việc sau đó đã được cơ quan Công an thành phố Hồ Chí Minh và việc kiểm sát cùng cấp vào cuộc xác minh.

Trước khi kết thúc quý 3.2022, trong tháng 9, Quốc Cường Gia Lai công bố nghị quyết HĐQT về việc chuyển nhượng 11,1% vốn góp của công ty tại CTCP Diamond Bay. Giá chuyển nhượng sẽ không thấp hơn giá trị góp vốn.

Đồng thời, QCG giao cho bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc (người đại diện theo pháp luật) tìm đối tác tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, ký kết các văn bản, chứng từ liên quan đến việc chuyển nhượng số cổ phần theo đúng chủ trương của HĐQT và phù hợp quy định pháp luật.

Trước đó, ngày 9.9, QCG đã giảm tỷ lệ góp vốn tại CTCP Diamond Bay từ 25% xuống còn 11,1% vốn, tương đương giảm vốn gần 150 tỷ đồng xuống 66,5 tỷ đồng.

Diamond Bay được thành lập vào năm 2021, ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản với vốn điều lệ gần 600 tỷ. Công ty có trụ sở tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do bà Lại Thị Hoàng Yến là người đại diện theo pháp luật. Bà Yến chính con gái ông Lại Thế Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc QCG.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/quoc-cuong-gia-lai-cong-ty-me-lai-giam-ve-muc-16-ty-hon-6000-ty-ket-tai-du-an-do-dang-a196023.html