Với những kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng 50 điểm cơ bản trong cuộc họp hôm thứ Tư (14/12) đã được phần lớn thị trường dự đoán, các nhà đầu tư thay vào đó sẽ tập trung vào các dấu hiệu cho thấy lãi suất cuối cùng có thể tăng cao như thế nào.
Cuộc họp của Fed
Thị trường đang định giá 78% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào thứ Tư (14/12) và 21% khả năng tăng 75 điểm cơ bản. Dự báo này ít thay đổi sau khi dữ liệu vào cuối tuần qua cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ vào tháng 11 đã tăng nhiều hơn so với dự kiến.
Fed đã tăng lãi suất thêm 375 điểm cơ bản trong năm nay, bao gồm bốn lần tăng 75 điểm cơ bản liên tiếp và là chu kỳ tăng lãi suất nhanh nhất kể từ những năm 1980 nhằm chế ngự lạm phát tăng vọt.
Mặc dù Fed đã chỉ ra rằng tốc độ tăng lãi suất có thể sẽ chậm lại, nhưng lãi suất có thể sẽ kết thúc ở mức cao hơn so với mức mà các quan chức đã chỉ ra vào tháng 9. Do đó, trọng tâm có thể chuyển sang các tín hiệu về mức lãi suất cuối cùng có thể tăng cao như thế nào vào năm 2023.
Dữ liệu CPI của Mỹ
Mỹ sẽ công bố dữ liệu lạm phát giá tiêu dùng tháng 11 vào thứ Ba (13/12), với các nhà kinh tế kỳ vọng tỷ lệ lạm phát sẽ giảm xuống 7,3% từ 7,7% của tháng trước.
Dữ liệu việc làm mạnh mẽ gần đây của Mỹ đã khơi dậy lo ngại lạm phát sau khi tăng trưởng tiền lương tăng tốc vào tháng 11.
Dữ liệu giá sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng 11 đã tăng nhẹ hơn dự kiến trong bối cảnh chi phí dịch vụ tăng vọt, nhưng xu hướng cơ bản đang chậm lại khi chuỗi cung ứng giảm bớt và nhu cầu đối với hàng hóa giảm.
“Mặc dù giá hàng hóa lõi trong CPI vẫn rất có khả năng giảm trong tháng 11 do giá ô tô đã qua sử dụng giảm, chỉ số PPI tăng trở lại cho thấy rằng vẫn còn một số rủi ro tăng giá chưa được đánh giá đúng mức đối với giá hàng hóa trong năm tới”, Veronica Clark, một nhà kinh tế tại Citigroup cho biết.
Thị trường chứng khoán dưới sức ép của thông tin vĩ mô
Thị trường chứng khoán đang chuẩn bị sẵn sàng cho dữ liệu CPI và quyết định tăng lãi suất của Fed, những dữ liệu này sẽ định hướng cho thị trường trong thời gian còn lại của năm nay và đến đầu năm 2023.
Do dữ liệu PPI mạnh hơn mong đợi làm dấy lên lo ngại rằng Fed sẽ cần giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, có khả năng dẫn đến suy thoái kinh tế. Trong khi đó, nếu dữ liệu CPI nóng hơn dự kiến có thể làm gia tăng lo ngại về sự diều hâu hơn của Fed và tiếp tục gây áp lực lên thị trường chứng khoán.
Tom Hainlin, chiến lược gia đầu tư quốc gia tại U.S. Bank Wealth Management cho biết: “Nếu CPI cao hơn kỳ vọng hoặc thậm chí không giảm chút nào, thì điều đó sẽ không mang tính tích cực cho thị trường”.
Ngoài ra, việc tăng lãi suất vào thứ Tư (14/12) phần lớn được xem là một kết luận đã được phản ánh trước, phố Wall sẽ tập trung vào các dự đoán của Fed về việc lãi suất cuối cùng sẽ tăng cao như thế nào.
Ngoài ra, điểm mấu chốt sẽ là quan điểm của chủ tịch Powell về lạm phát và khả năng nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái vào năm tới, đây là quan điểm đã chi phối tâm lý thị trường trong năm nay.
Cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE)
Triển vọng kinh tế xấu đi khó có thể ngăn cản việc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 3,5%, mức cao nhất kể từ năm 2008 trong cuộc họp vào thứ Năm (15/12).
Anh sẽ công bố dữ liệu CPI cho tháng 11 vào thứ Tư (14/12), dữ liệu này có thể cho thấy lạm phát đã lên đến đỉnh điểm sau khi đạt mức cao nhất trong 41 năm là 11,1% vào tháng 10, cao hơn năm lần so với mục tiêu 2% của BoE.
Phần lớn mức tăng này liên quan tới cú sốc giá năng lượng do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine, nhưng các yếu tố khác như tình trạng thiếu lao động do Brexit và đại dịch Covid-19 có thể khiến tốc độ hạ nhiệt của lạm phát chậm lại.
Nền kinh tế của Anh đang đi vào suy thoái và các hộ gia đình đang phải đối mặt với áp lực lịch sử về mức sống sau khi chính phủ đưa ra một ngân sách khó khăn để cố gắng khôi phục danh tiếng tài chính của Anh.
Cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)
Thị trường đang kỳ vọng ECB sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp vào thứ Năm (15/12) sau khi dữ liệu tháng 11 cho thấy lạm phát đã chậm lại lần đầu tiên sau một năm rưỡi, giảm xuống 10% từ 10,6 % vào tháng 10.
ECB đã tăng lãi suất thêm 200 điểm cơ bản kể từ tháng 7, tốc độ nhanh nhất được ghi nhận nhưng lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2%.
Trong khi tốc độ tăng lãi suất có thể chậm lại, ECB vẫn còn thời gian dài mới hoàn thành chu kỳ thắt chặt.
Frederik Ducrozet, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Pictet Wealth Management cho biết: “Các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục tỏ ra diều hâu vì họ muốn kỳ vọng lạm phát được giữ nguyên”.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/cac-su-kien-va-thong-tin-nha-dau-tu-chung-khoan-khong-the-bo-qua-tuan-nay-a196055.html