Dow Jones bất ngờ tăng 500 điểm, giá dầu cũng nhảy mạnh

“Diễn biến thị trường ngày hôm này chủ yếu là cú nảy lại sau đợt giảm vào tuần trước. Đó có thể là do một chút lạc quan thận trọng trước khi thị trường đón nhận báo cáo CPI vào ngày mai"...

chung-khoan-my-1670895597.jpg Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng  mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (12/12), hồi lại một phần điểm số đã mất trong tuần trước, giữa lúc nhà đầu tư chờ cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và dữ liệu lạm phát. Giá dầu thô cũng tăng hơn 2% sau khi Nga doạ cắt giảm sản lượng.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 528,58 điểm, tương đương tăng 1,58%, chốt ở 34.005,04 điểm, đánh dấu phiên đầu tiên kể từ hôm 2/12 chỉ số đóng cửa trên ngưỡng 34.000 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,43%, đạt 3.990,56 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,26%, chốt ở 11.143,74 điểm.

Cổ phiếu Boeing tăng tăng 3,75%, giữ vai trò dẫn dắt Dow Jones trong phiên này, sau khi có tin nhà sản xuất máy bay của Mỹ sắp đạt một thoả thuận cung cấp phi cơ cho hãng Air India. Cổ phiếu năng lượng cũng tăng tốt do giá dầu thô đi lên sau nhiều tuần sụt giảm liên tiếp.

Tuần trước chứng kiến nhiều sóng gió ở Phố Wall, với ba chỉ số cùng hoàn tất tuần giao dịch với mức giảm mạnh. Dow Jones và S&P 500 đã có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 9, với mức giảm tương ứng 2,77% và 3,4%. Nasdaq cũng giảm khoảng 4%.

“Diễn biến thị trường ngày hôm này chủ yếu là cú nảy lại sau đợt giảm vào tuần trước. Đó có thể là do một chút lạc quan thận trọng trước khi thị trường đón nhận báo cáo CPI vào ngày mai. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn còn nhiều mối lo. Điều đó thể hiện qua chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi của thị trường đã tăng khá mạnh trong phiên này”, chiến lược gia Yung-Yu Ma của MBO Wealth Management phát biểu.

“Thị trường châu Âu vượt trội trong tuần trước, đến phiên này lại giảm. Thị trường Mỹ giảm tuần trước, phiên này bật trở lại. Có thể thấy đây là một thị trường giằng co với niềm tin thấp. Những thị trường mạnh thực sự bao giờ cũng có sự nhất quán tốt hơn”, ông Yung nhận định với hãng tin CNBC.

Một cuộc khảo sát của Fed New York cho thấy người tiêu dùng đã trở nên lạc quan hơn về tình hình lạm phát trong tháng 11. Trong cuộc khảo sát này, người tiêu dùng dự báo lạm phát tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái là 5,2%, giảm 0,7 điểm phần trăm so với con số của tháng 10.

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 sẽ được công bố vào ngày thứ Ba. Cùng ngày, Fed sẽ bắt đầu cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài 2 ngày. Theo dự báo, khi kết thúc cuộc họp vào ngày thứ Tư, Fed sẽ tuyên bố tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Ngoài ra, thị trường chờ các dự báo mới của Fed về nền kinh tế và lãi suất, cũng như những tín hiệu về đường đi của chính sách tiền tệ trong những tháng sắp tới mà Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể đưa ra trong cuộc họp báo sau đó.

“Các điều kiện tài chính đã nới lỏng nhiều kể từ khi báo cáo CPI tháng 10 được công bố vào tháng trước. Bởi vậy, Fed có thể sẽ nhân cuộc họp tháng 12 này để kiềm chế điều đó. Chúng tôi cho rằng thị trường đã lạc quan quá mức về lãi suất của thời gian kể từ sau quý 1. Chúng tôi tin ông Powell sẽ tỏ quan điểm cứng rắn và dùng dự báo để chỉ đến một mức lãi suất cao hơn trong thời gian lâu hơn so với những gì mà thị trường kỳ hạn đang phản ánh hiện nay”, Giám đốc đầu tư Cliff Hodge của Cornerstone Wealth nhận định.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau ở London tăng 1,89 USD/thùng, tương đương tăng 2,5%, chốt ở 77,99 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau ở New York tăng 2,15 USD/thùng, tương đương tăng 3%, chốt ở 73,17 USD/thùng.

Dầu thô tăng giá khi đường ống dẫn dầu thô Keystone của công ty TC Energy Corp, nối từ Canada tới Mỹ, có thể phải đóng cửa kéo dài để sửa chữa. Ngoài ra, Nga tuyên bố có thể sẽ cắt giảm sản lượng khai thác dầu để đáp trả sự trừng phạt của phương Tây, đúng vào lúc Trung Quốc tiến tới nới lỏng các hạn chế chống Covid - động thái cải thiện triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Tuần trước, cả giá dầu Brent và WTI cùng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021 do giới đầu tư lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu có thể gây suy giảm nhu cầu dầu.

Bank of America Global Research dự báo giá dầu Brent có thể tăng vượt 90 USD/thùng nếu Fed chuyển sang mềm mỏng hơn về chính sách tiền tệ và Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại một cách thành công.

“Việc Trung Quốc mở cửa trở lại chắc chắn là một điều mà thị trường đặc biệt quan tâm”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group phát biểu.

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Nga có thể cắt giảm sản lượng khai thác dầu và từ chối bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào áp đặt trần giá “ngớ ngẩn” lên xuất khẩu dầu thô của Nga.

“Giá dầu sẽ còn biến động trong ngắn hạn, giữa những khó lường về ảnh hưởng các biện pháp trừng phạt nhằm vào dầu thô Nga, các tin tức về chính sách chống Covid của Trung Quốc, và các động thái của ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu”, ngân hàng UBS nhận định trong một báo cáo.

Còn theo nhận định của ngân hàng Deutsche Bank, lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô Nga có thể chỉ tạo ra một lực hỗ trợ nhỏ đối với giá dầu trong những tháng sắp tới. “Đến mùa xuân năm sau, những bấp bênh về nguồn cung sẽ được giải toả sau khi lệnh cấm vận của EU đối với các sản phẩm dầu của Nga chính thức có hiệu lực vào ngày 5/2”, một báo cáo của Deutsche Bank nhận định.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dow-jones-bat-ngo-tang-500-diem-gia-dau-cung-nhay-manh-a196234.html